Kênh Giang xa lắc đường về

Google News

Sự ngăn cách địa lý đang khiến cho Kênh Giang (thuộc thị xã Chí Linh, Hải Dương) gặp muôn vàn khó khăn. Đường về Kênh Giang cũng trở nên xa ngái.

- Thuộc thị xã Chí Linh, Hải Dương song xã Kênh Giang nằm biệt lập. Một phần giáp huyện Đông Triều (Quảng Ninh), một phần giáp huyện Kinh Môn (Hải Dương), cách Chí Linh bởi con sông Kinh Thầy. Sự ngăn cách địa lý ấy đang khiến cho Kênh Giang gặp muôn vàn khó khăn. Đường về Kênh Giang cũng trở nên xa ngái.

Xã "ba nhất"

"Mặc dù xã có trường học, có trạm y tế nhưng vì cách trở đò ngang nên hầu như khi ốm đau, người làng tôi đều ra trạm xá bên huyện Kinh Môn. Giờ đường đi cũng thuận tiện hơn rồi nhưng cơ bản, chúng tôi vẫn sợ ốm đau lắm. Xã vẫn "trắng y tế" mà".
Anh Nguyễn Văn Vụ (Trưởng thôn Tân Lập)
Tìm trên bản đồ thị xã Chí Linh, tôi mỏi mắt vẫn không nhìn thấy cái tên Kênh Giang đâu. Ông Đào Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã chỉ đường: "Nếu không muốn đi hai lần đò thì cứ sang huyện Đông Triều hỏi đường về Kênh Giang". Thì ra, về mặt hành chính, xã thuộc Chí Linh song trên bản đồ địa lý, xã lại tiếp giáp với vùng đất của huyện Đông Triều, ngăn cách với Chí Linh bởi con sông Kinh Thầy. Thảo nào, tôi đã không thể tìm thấy xã trên tấm bản đồ địa lý của huyện. Hỏi ông Huy về điều này, ông cười xòa, nửa đùa nửa thật "Thì là đất... "ở nhờ" mà".

Cái sự "ở nhờ" ấy cũng có lý của nó. "Người Kênh Giang vốn gốc ở huyện Nam Sách, Hải Dương, đều là dân chài lưới phiêu bạt đến vùng đất này từ trước năm 1945. Lúc đầu chỉ là một xóm nhỏ, sau cứ thế đông dần rồi lập thành xã - xã vạn chài.

Đến khoảng những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, người Kênh Giang bắt đầu chuyển dần lên bờ, dựng nhà trên nền đất của huyện Đông Triều. Đó là thôn Nam Hải. Một bộ phận khác thì chuyển sang lập ấp tại doi cát giữa sông Kinh Thầy là thôn Tân Lập, giáp với huyện Kinh Môn (Hải Dương). Vậy nên, không chỉ cách trở với huyện, chính trong lòng Kênh Giang cũng đang có sự cách trở giữa hai thôn bởi sự "ngăn sông" này", ông Huy bộc bạch.

Kênh Giang "nổi tiếng" với sự... nghèo. Hiện, toàn xã có 214 hộ với hơn 800 nhân khẩu. Tổng diện tích canh tác là 51ha. Riêng thôn Nam Hải có gần 160 hộ với hơn 600 nhân khẩu nhưng chỉ có 11ha đất nông nghiệp, tính ra trung bình mỗi người chỉ chừng 0,5 sào Bắc Bộ. Thế nên, đời sống người dân Nam Hải chủ yếu bám vào chiếc thuyền, chìm nổi cùng con nước sông Kinh Thầy. Thôn Tân Lập nhiều đất ruộng hơn nhưng cũng bấp bênh, thu nhập bình quân chừng 300.000đ/người/tháng. Cả xã có gần 60 hộ nghèo, 12 hộ thoát nghèo từ năm 2011. Những con số đó đưa Kênh Giang trở thành xã "nghèo nhất huyện, nghèo nhất tỉnh, nằm trong tốp 300 xã nghèo nhất cả nước rồi", giọng ông Phó Chủ tịch xã đau đáu.
Con đò này là "mạch nối" hai thôn của xã Kênh Giang.
Con đò này là "mạch nối" hai thôn của xã Kênh Giang.
Bà cùng cháu... đến trường

Chỉ tay về phía bên kia sông, ông Huy bảo: "Huyện Kinh Môn đấy. Muốn đến thôn Tân Lập thì phải qua đò sang bên đó, rồi đi chừng 3km đường đê nữa, rẽ phải về hướng bãi sông là đến".

Tôi qua phà sang Tân Lập. Đó là một đảo theo đúng nghĩa, nằm hoàn toàn trên doi đất của sông Kinh Thầy. Thôn chỉ có 59 nóc nhà với hơn 200 nhân khẩu. Đường vào làng, cát ngập cả lốp xe. Những nóc nhà lúp xúp, liêu xiêu nằm dưới những bụi tre, bạch đàn càng làm cho thôn thêm phần hoang vu.

Tiếp tôi với nụ cười ái ngại, trưởng thôn Nguyễn Văn Vụ vân vê vạt áo, ví von "nếu Kênh Giang là "rốn" nghèo của huyện, của tỉnh thì Tân Lập là "rốn của rốn" ấy, dù cho diện tích đất canh tác nhiều hơn bên thôn Nam Hải với 40ha". Rồi anh tiếp lời:  "Thế này cũng đã khá hơn nhiều đấy".

Cái sự "khá hơn nhiều" ấy theo anh thì đó chính là nhờ con chạch nối từ bờ đê với thôn. "Trước đây, cả khu này mênh mông sông nước, đi lại chỉ có thuyền, quanh năm úng ngập. Hơn chục năm nay, người ta bắt đầu quây ao thả cá, đắp đường để thuận tiện đi lại, khiến xóm đảo đỡ cô lập với bên ngoài và cũng khô ráo hơn", anh Vụ cho hay.

Đời ông, đời cha anh Vụ cũng như hàng chục hộ dân ở thôn, ở xã này đều bám chặt vào thuyền. "Cái ăn còn chưa có thì nói gì đến chuyện học hành. Thế nên, thôn nghèo, ít học và cũng chẳng ai nghĩ sẽ phải học, vì học thì không thể no được cái bụng, ấm được tấm thân. Thêm nữa, nếu đi học đúng tuyến thì lại phải qua sông sang trường bên thôn Nam Hải, nghĩa là con đi học thì bố mẹ phải đi kèm, phải bỏ buổi chợ. Bấp bênh thế nên có mấy ai học được quá lớp 9 đâu", anh Vụ nhớ lại, nén tiếng thở dài.

Trước tình hình đó, năm 2001, nhờ nguồn tài trợ của Quỹ cộng đồng (dự án đường thủy nội địa Việt Nam - Canada) tài trợ, thôn đã có trường tiểu học với 6 phòng. Thế nhưng, cũng chỉ mở lớp được vài năm rồi... đóng cửa vì không có người học.

Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Len nằm ngay cạnh trường. Hai đứa cháu của bà lên 3 và 4 tuổi đang đi học mẫu giáo ở xã Lê Ninh (Kinh Môn), cách nhà chừng 4km. Hằng ngày, bà Len phải dậy từ 4h30, lo cơm nước cho gia đình, cám bã lợn gà rồi 6h30 đưa các cháu đến trường, mang theo cả cặp lồng cơm canh cho cả ba bà cháu cùng ăn trưa, bởi "nếu cứ đạp xe đi đi về về thì mỗi ngày tôi phải đi 16km, sức đâu kham nổi? Đến bao giờ chúng nó vào học lớp 2, lớp 3, tự đi xe đạp được thì tôi mới hết cảnh đưa đón như thế này. Đời vợ chồng tôi, đời con tôi ít học, khổ lắm rồi thì phải cố cho các cháu học nên người", bà Len nói.
Trường học thôn Tân Lập bị bỏ hoang, cỏ mọc ngợp lối đi.
Trường học thôn Tân Lập bị bỏ hoang, cỏ mọc ngợp lối đi.
Nỗi lo "cát tặc"

Dẫn tôi đi vòng quanh xóm đảo, trưởng thôn Nguyễn Văn Vụ cười tươi khi chỉ tay về những bãi ngô xanh rờn, những ao cá được người dân quây lại, đắp bờ kiên cố. Tôi hiểu, tương lai xóm đảo này đang khởi sắc.

Thế nhưng, vị trưởng thôn lại đau đáu nỗi lo. Anh phân trần: "Ngót 10 năm nay, thuyền bè về hút cát để mở luồng sông. Chẳng biết việc mở luồng ấy như thế nào, chỉ biết  trong khoảng thời gian đó, làng bị mất cũng phải đến 10ha đất rồi. Họ còn chĩa vòi rồng sát mép bờ ao, thậm chí xục thẳng vào trong ao của dân để hút cát. Xung quanh làng tôi là sông nước, hút cát như thế thì bảo sao không lo sụt lở được? Chính quyền cũng xử lý đấy nhưng nhiều khi đành bất lực vì họ đông quá! Nếu cứ đà này thì thôn sẽ tiếp tục mất đất thôi".

Tôi rời Tân Lập, rời Kênh Giang khi mây đen vần vũ báo hiệu cơn mưa giông sắp tới. Con đò chòng chành rẽ sóng, để lại một bên là thôn Nam Hải với những bộn bề của tiếng máy ủi, máy xúc san đường. Bờ bên kia, xóm đảo Tân Lập như chơi vơi giữa mênh mông sóng nước, trong nỗi phập phồng sạt lún bởi nạn khai thác cát trái phép gây ra.

Rồi đây, con đường chính qua UBND xã, chạy dọc thôn Nam Hải sẽ được rải nhựa. Đường vào Kênh Giang sẽ bớt phần trắc trở. Thế nhưng, Kênh Giang sẽ chẳng khi nào hết sự ngăn cách, chỉ có cái nghèo đang khiến cho hai thôn trong xã không cách xa nhau. Bao giờ thì Tân Lập có lớp mẫu giáo? Bao giờ thì trường Tiểu học ở Tân Lập không còn đóng cửa im ỉm? Bao giờ Kênh Giang hết "rốn nghèo" của huyện, của tỉnh?

Bao giờ cho đến... bao giờ?
Con đường chính qua xã được rải nhựa sẽ làm cho đường về Kênh Giang bớt phần cách trở.
Con đường chính qua xã được rải nhựa sẽ làm cho đường về Kênh Giang bớt phần cách trở.
Trước khi chia tay, tôi được ông Đào Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã "bật mí": "Trước mỗi năm học mới, cán bộ xã lại đi "tiền trạm" để nhờ chính quyền các xã lân cận bên huyện Kinh Môn đón nhận con em thôn Tân Lập vào học trái tuyến. Và hiện, hơn 200 hộ ở thôn Nam Hải - chưa hộ nào được cấp sổ đỏ.
Thanh Thủy

Bình luận(0)