Huyền bí những cánh rừng thuốc nguyên sinh của người Cadong

Google News

(Kiến Thức) - Người dân Cadong có thể đói cơm vài ba ngày nhưng nhịn thuốc 1 ngày thì không thể chịu được. Phụ nữ nơi đây còn nghiện thuốc hơn cả đàn ông...

Ăn thuốc thay… cơm
Không biết có tự khi nào, tập tục ăn thuốc được lưu truyền lại và dần dần ăn sâu vào đời sống người dân như một thói quen thường nhật. Những vị cao niên trong làng cũng dần vắng bóng nên chả còn ai biết rõ. Chẳng hạn, khi hỏi về những già làng nơi đây về cây thuốc này mọc lên mảnh đất của buôn làng từ khi nào họ cũng không hề biết.
Huyen bi nhung canh rung thuoc nguyen sinh cua nguoi Cadong
Người Cadong nghiện ăn thuốc hơn cơm. 
Ông Hồ Văn Hợi, người Cadong, trú xã Trà Tập, Nam Trà My cho biết: "Thuốc được gói ghém khá chu đáo trong những bao ni lông, khi mở bao ni lông ra thì trong bao được bọc bởi những nắm bột cây khô mịn giống như bột cưa màu nâu sẫm. Người dân nơi đây gọi là Cá Crâu, giống như thuốc lá của người xuôi, trên đây mình chỉ dùng thứ này thôi, nhìn vậy chứ cảm giác còn “phê” hơn cả thuốc lá người xuôi. Khi ăn vào sẽ có cảm giác lâng lâng, hưng phấn và có thể say thuốc như say rượu bia”.
Cùng với rượu cần, những gói thuốc bột này cũng được họ đem ra mời khách như là một sự quý mến khách. Nhiều nơi khác dùng rượu cần để giải sầu tâm sự thì người Cadong dùng những gói thuốc này để trò chuyện với nhau. Người dân ăn thuốc ngon như là ăn cơm, mặc dù vị thuốc khá đắng. Nhiều người còn bật mí thêm, những gói bột thuốc này như như thể là “báu vật” của bản thân để khi thèm, khi đói, khi mệt mỏi, buồn bã hay cả khi vui họ đều đem ra ăn.
Già làng Hồ Văn Ri giải thích: “Người dân tuốt lá cây mang về phơi khô, dùng cối giã nghiền thành bột, sau đó têm vôi trầu là có thể dự trữ ăn quanh năm suốt tháng. Người giữ thói quen ăn thuốc có thể đói cơm vài ba ngày bình thường nhưng nhịn thuốc 1 ngày thì nhất quyết không chịu được”.
Đàn bà “nghiện” thuốc hơn đàn ông
Tập tục ăn thuốc còn có một câu chuyện kỳ thú là thông thường chỉ dành cho phụ nữ mà thôi, không dành cho đàn ông. Lý giải về hiện tượng này, nhiều người dân phỏng đoán, rất có thể, phụ nữ không biết uống rượu nên thay vì uống rượu trong các tiệc tùng, lễ hội, họ ăn thuốc để cùng “say” trong những câu hát, điêu múa, nhảy nhót. Hơn nữa, ở nơi mà mùa đông kéo dài mang cái lạnh cắt da cắt thịt, người dân chống chọi với giá rét bằng cách… ăn thuốc.
“Nhờ nó mà người dân chống chọi giá rét vào mùa mưa. Trẻ mới lớn đã tập tành ăn thuốc để thích ứng trước sự khắc nghiệt của khí hậu. Ăn thuốc giờ đây đã trở thành nét văn hóa phổ biến, một tập tục đi vào truyền thống của tộc người Cadong”, một già làng nók Mông Bríu, thôn 4, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, chia sẻ.
Huyen bi nhung canh rung thuoc nguyen sinh cua nguoi Cadong-Hinh-2
 Những gói bọt thuốc sau một quy trình chế biến kỹ càng sẽ được gói ghém cẩn thận trong những bao nilong
Sở dĩ phụ nữ “nghiện” ăn thuốc hơn cả đàn ông bởi lẽ Cá Crâu là món ăn hữu hiệu kích thích tinh thần giúp người ăn làm việc hăng say, nhất là đối với những người phụ nữ vùng cao phải vác trên vai phần lớn gánh nặng gia đình. 
"Đàn ông họ có rượu rừng giải khuây còn phụ nữ có loại thuốc bột này. Trông con, làm rẫy hay bất cứ ở đâu, cánh đàn bà cũng mang kè kè gói thuốc bên mình, không có nó tinh thần uể oải, khó chịu lắm", một phụ nữ Cadong nói.
Rất dễ nhận biết giữa người ăn thuốc và không ăn thuốc, đó là môi và răng của người ăn thuốc sau một thời gian sẽ bị biến sắc. Môi thâm tím ngắt, răng ngả màu nâu đen chính là biểu hiện của người ăn Cá Crâu. Bởi họ dùng thuốc như chuyện cơm bữa. Từ khi sinh ra, không phân biệt là ai, tập tục này đã “thâm căn cố đế” vào con người họ như là nếp sống, nếp nghĩ. Ngày nào không cho vào bụng là ngày đó họ có cảm giác thiếu thiếu, bất an, chợt lại “thèm”. Đó là tập tục ăn thuốc từ khi còn là những đứa trẻ được ông cha truyền lại rồi “nghiện” lúc nào không hay.
Chị Hồ Thị Tình (30 tuổi, người xã Trà Tập) cho biết, chị đã biết ăn thuốc từ khi còn nhỏ và giờ không thể nào bỏ được thói quen này. Ngày nào không ăn thuốc là ngày đó chị thấy thiếu, ray rứt khó chịu. Chị có thể nhịn ăn một ngày được chứ thuốc thì nhất định không thể nào nhịn được. 
“Những ngày đầu ăn tôi cảm thấy vị cay và đắng, cũng đôi lúc thấy xâm xẩm mặt mày như thể bị say thuốc, ăn xong là muốn lăn đùng ra ngủ ngay. Càng về sau càng thấy ngon hơn và sinh ra thèm”, chị Tình bộc bạch.
Chính tập tục này mà khi xuống phố, hay đi nơi khác, những người phụ nữ lại mang theo những gói thuốc để ăn. Việc ăn thuốc trở thành một bản sắc rất riêng mà chỉ có người dân Cadong mới có, không lẫn lộn vào đâu được.
Những cây Cá Crâu cũng giống như cây thuốc lá, thân nhỏ như ngón tay, lá thuốc to như bàn tay, khi ăn lần đầu sẽ có vị đăng đắng hoặc ăn quá nhiều sẽ say như say rượu bia. Người dân chủ yếu trồng để sử dụng trong gia đình, còn số ít đem đi trao đổi, ít khi đem bán. Cây này cũng rất dễ trồng với những địa hình đồi núi. Mỗi năm người dân trồng 2 vụ. Trồng được khoảng 3 tháng thì người dân mới hái hoa và lá, bó thành những bó nhỏ bằng cổ tay để đem về làm thuốc. Nếu ai mua thì bán với giá từ 25.000 - 35.000 đồng/bó. Cây thuốc này được trồng chủ yếu trên đỉnh Ngọc Linh. Sau 6 tháng gieo hạt, từ tháng 3 đến tháng 9, cây thuốc đã có thể cho thu hoạch.
Huyen bi nhung canh rung thuoc nguyen sinh cua nguoi Cadong-Hinh-3
Những cánh rừng trồng cây thuốc của người Cadong trên đỉnh Ngọc Linh 
Quy trình từ những cây thuốc làm ra bọt thuốc khá đơn giản như cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm. Khi lá thuốc và hoa đã đến độ già, người dân hái về đem treo trên giàn bếp cho đến khi khô, sau đó đem pha đúng độ với vỏ ốc đá được bắt ở những triền sông khô rồi bỏ vào cối giã nhuyễn thành bột. Cứ thế cho đến khi vỏ ốc và bột trộn đều và để rao ráo nước đem phơi khô và thành bọt thuốc.
Hà Kiều - Phước Vinh

Bình luận(0)