Hủy hoại bản thân để... trừng trị người lớn

Google News

Sự việc một học sinh ở Quảng Ngãi rạch cổ tay vì không được phát biểu ý kiến khiến nhiều nhà giáo dục và dư luận xã hội lo lắng...

- Sự việc một học sinh ở Quảng Ngãi rạch cổ tay vì không được phát biểu ý kiến khiến nhiều nhà giáo dục và dư luận xã hội lo lắng về sự phát triển thể chất không đi cùng với trí tuệ của các em.

Hủy hoại bản thân vì lý do lãng xẹt

Sáng 16/10, ngay trong giờ học, một học sinh của Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bất ngờ dùng dao lam rạch cổ tay làm gân tay bị đứt. Đó là em T.T.T.Y., học sinh lớp 11B. Do gân tay bị đứt, máu chảy nhiều nên nhà trường lập tức chuyển em Y. vào Bệnh viện Đa khoa H.Bình Sơn cấp cứu. Sau khi được các y, bác sĩ nối lại gân tay, đến chiều cùng ngày, sức khoẻ của em này đã ổn định nhưng tinh thần còn hoảng loạn.
 
Sự việc diễn ra vào đầu tiết môn Sinh học. Khi em Y. xin phát biểu ý kiến nhưng cô giáo không cho với lý do ý kiến cá nhân thì phải trao đổi riêng, còn lúc này đang chuẩn bị kiểm tra bài cũ. Do không được phát biểu, em Y. cảm thấy bực tức, sau đó dùng dao lam rạch cổ tay trái.

Theo TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý, Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc học sinh Y. tự rạch tay mình để thể hiện phản ứng với giáo viên có thể hiểu như là một cơ chế tự vệ. Lứa tuổi vị thành niên thường bồng bột, suy nghĩ thiếu chín chắn, tính khí thất thường hay có xu hướng dùng cơ chế tự vệ bằng cách xâm kích chính bản thân mình.
 
Khi có bức xúc ai cũng phải tìm cách giải quyết để lấy lại sự cân bằng tâm lý, nhưng lứa tuổi này chưa biết làm chủ cảm xúc của mình, khi có bức xúc chưa giải quyết được, học sinh kỳ vọng ở việc có thể trao đổi với cô giáo nhưng lại bị từ chối, dẫn đến tâm lý bị chạm tự ái, cảm giác tổn thương lòng tự trọng nên có phản ứng như vậy.

Trường THPT Trần Kỳ Phong, nơi xảy ra vụ việc và em Y. (ảnh tròn).
Trường THPT Trần Kỳ Phong, nơi xảy ra vụ việc và em Y. (ảnh tròn).

Có lớn mà chưa khôn

Theo bà Lê Thị Túy, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc và Kỹ năng sống, những hành động tương tự như em học sinh này ngày càng phổ biến cho thấy sự lệch lạc trong giáo dục trẻ của gia đình và nhà trường. Người lớn chưa hiểu, cảm thông, chia sẻ mà vốn hay áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ. Trong khi nuôi dưỡng về thể chất rất tốt thì quên mất việc phải dạy bảo cả về tâm hồn và nhận thức đúng đắn của chúng. Nhiều trẻ nghĩ cái chết rất đơn giản và coi đó là thứ vũ khí tối thượng để “trừng trị” người lớn. Dùng cái chết để trả thù thầy cô giáo, thậm chí là bố mẹ, người thân.

Hành động cắt tay của em học sinh này cũng được lý giải về mặt nhận thức như vậy. Không được phát biểu, ấm ức khó chịu, thà chết quách đi cho xong. Trong khi đó giáo viên thì không lường được hết tình huống đó, nên không có cách cư xử phù hợp để ngăn chặn. Suy nghĩ này ảnh hưởng nhiều từ phim ảnh, từ sự non nớt về nhận thức, từ khiếm khuyết trong giáo dục. Vì thế, ngoài quan tâm về thể chất, việc giáo dục cảm xúc cho các em cũng là điều cần thiết.

TS Nguyễn Kim Quý cho rằng, về phía cô giáo cũng có trách nhiệm trong việc này. Trong giờ học cô không chấp nhận trao đổi chuyện riêng ngoài bài học là đúng; nhưng lẽ ra khi học sinh có khúc mắc, cô giáo phải tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi riêng với em đó một cách tế nhị và khéo léo. Không nên để đến khi sự việc bị mang ra trước lớp, học sinh đó không giải quyết được những bức xúc của mình, dẫn đến thái độ chống đối và phản ứng tự vệ.
 
Có thể nội tình câu chuyện là một việc nhạy cảm, hoặc là một sự hiểu lầm, nhưng giáo viên cần phải nhận thấy được vấn đề và sớm trao đổi riêng với học sinh. Đó là cách tốt nhất đảm bảo lòng tự trọng, uy tín của học sinh trong con mắt bạn bè.
 
“Trẻ không biết kiềm chế cảm xúc, phản ứng thái quá trước mọi việc trước hết là do giáo dục từ gia đình, quá nuông chiều, coi trẻ như trung tâm của vũ trụ, luôn phải được thỏa mãn mọi nhu cầu mà trẻ muốn, bất cứ việc gì, bất cứ lúc nào. Vì vậy, khi không được như ý muốn, mà cụ thể ở trường hợp này là không được thể hiện ý kiến của mình với cô giáo ngay tại thời điểm đó, dễ khiến trẻ có phản ứng bột phát”.
TS Nguyễn Kim Quý
 
Châu An
 
[links()]

Bình luận(0)