Học sinh gặp nạn ở trường: Tính mạng vẫn bị xem nhẹ?

Google News

"Trường đang chỉnh trang, hành lang hẹp, lan can lại thấp nên rất khó để chú ý hết 800 em học sinh trong giờ ra chơi..."

(Kienthuc.net.vn) - Hầu hết các vụ tai nạn liên quan đến học sinh tại trường học, nguyên nhân chính là do gia đình và nhà trường chưa chú ý đến sự hiếu động của các em để có biện pháp giáo dục cần thiết…

Tai nạn ở trường học do các em chưa biết bảo vệ mình

10h50 sáng 17/8, trong giờ ra chơi tiết thứ 4, em Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 7, trường THCS Cao Viên (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị ngã từ tầng 2 xuống sân trường. Hiện em đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông, sức khỏe vẫn trong tình trạng nguy kịch, mê man. Theo kết quả chụp phim cắt lớp, em Huy bị ảnh hưởng não bộ, phổi…

Đến trường THCS Cao Viên, nơi em Hoàng bị ngã, khuôn viên nhà trường đang được chỉnh trang xây dựng, sân trường ngổn ngang cát sỏi. Các em học sinh khi không thể xuống sân trường chơi, nên tập trung chơi ở hang lang tầng 2, bất cẩn trong lúc nô đùa với bạn bè, em Hoàng đã bị ngã.

Trường THCS Cao Viên đang xây dựng ngổn ngang, lan can hành lang thấp nên xảy ra tai nạn.

Trước đó, ngày 15/8, em Trịnh Thu Vân (học sinh lớp 1 trường Tiểu học Kim Đồng (Quận Bình Tân, TP HCM) do ham nô đùa, mất cảnh giác trong giờ ra chơi, dẫn đến tai nạn ngã từ tầng 2 trường học. Vân bị chấn thương sọ não, vùng vai và tay phải, hiện đang được điều trị tại Bệnh viên đa khoa Chợ Rẫy. Ngày 9/2 tại Nghệ An, nữ sinh Ngô Thị Thúy, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Yên Thành 2, huyện Yên Thành tử nạn trong khi dọn vệ sinh cùng bạn bè, rơi từ tầng 2 xuống tầng 1.

Cứ tưởng đến trường được an toàn, ai ngờ…?

Đa số các bậc phụ huynh đều cho rằng, đến trường các cháu sẽ được học hành và được đảm bảo an toàn tính mạng khi học tập, vui chơi tại trường. Nhưng một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại trường học, đã khiến không ít bậc phụ huynh giật mình, lo lắng.

Ngồi chăm cháu Nguyễn Huy Hoàng tại Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông, bố mẹ Hoàng không khỏi xót xa khi nhìn con mê man bất tỉnh. “Gia đình tôi cứ nghĩ, cháu đến trường là an tâm, ai ngờ cháu nghịch dại bị té ngã. Nhìn con thế này, chúng tôi đứt từng khúc ruột”, bà Trịnh Thị Liên, mẹ cháu Hoàng cho biết.

Em Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 7 trường Cao Viên bị ngã vẫn trong tình trạng nguy kịch
Em Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 7 trường Cao Viên bị ngã vẫn trong tình trạng nguy kịch

Bà Nguyễn Thị Mai (Bắc Giang), phụ huynh học sinh Nguyễn Phi Hùng bị ngã từ lan can trường năm 2011 cho biết: “Tâm lý phụ huynh nào cũng vậy, khi con đến trường là rất yên tâm. Khi nhận được tin con ngã, tôi như sét đánh bên tai. Lúc nhìn nhận lại thì sự việc cũng đã xảy ra. Sau vụ đó, trước khi con đến trường, bao giờ tôi cũng căn dặn cháu phải cẩn thận trong khi vui chơi tại trường”.

Em Giáp Quang Hiệp, Trường THCS Trần Nguyên Hãn (phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), một trong những học sinh bị ngã lan can tại trường cho biết, từ hôm xảy ra tai nạn đến giờ, em ít nghịch dại hơn. Hồi đó, em và mấy bạn ra lan can chơi, cả nhóm dựa vào lan can nghịch, đến khi lan cạn bửa ra thì bị ngã xuống sân trường.

B.S Ngô Văn Toàn-Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình BV Việt Đức khuyến cáo, các em học sinh đang trong tuổi hiếu động nên việc vui chơi ở trên hành lang nhà cao tầng, rất dễ ngã và hậu quả rất nghiêm trọng. Vì thế biện pháp tốt nhất để phòng ngừa tai nạn cho các em chính là sự nhận thức, cảnh giác của gia đình, nhà trường trước các nguy cơ có thể gây ra tai nạn.

Bảo đảm an toàn cho học sinh: phải làm nghiêm túc

Ngoài nguyên nhân là gia đình và nhà trường ít quan tâm đến sự hiếu động của học sinh, thiếu sự cảnh giác, giáo dục nhận thức cho các em về vấn đề an toàn một cách đúng đắn, còn nhiều nguyên nhân khác như chất lượng các công trình xây dựng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trường trường THCS Cao Viên

Hiệu trưởng trường THCS Cao Viên, Nguyễn Văn Dũng cho biết: “ Nhà trường vẫn nhắc nhở các em chú ý an toàn khi học tập, vui chơi ở trường tại giờ chào cờ, và trên lớp học. Tuy nhiên, trường đang chỉnh trang, hành lang hẹp, lan can lại thấp nên rất khó để chú ý hết 800 em học sinh trong giờ ra chơi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên tục giáo dục các em để bảo vệ an toàn cho học sinh khi đến trường, tránh trường hợp đáng tiếc”.

Có một thực tế đáng buồn, hệ thống y tế trường học ở nước ta hiện nay đều thiếu và yếu. Theo thống kê, hiện số trường học có phòng y tế chỉ chiếm khoảng 20% tổng số trường, khối mầm non có 7,2%. Thiếu thiết bị y tế, thiếu đội ngũ làm cán bộ y tế trong trường học nên khi xảy ra tai nạn, các trường rất lúng túng. “Khi phát hiện em Hoàng bị ngã, chúng tôi vội gọi taxi để đưa em đến bệnh viện. Hiện trường chưa có cán bộ y tế, nên khi học sinh gặp nạn rất khó khăn”, ông Dũng, hiệu trưởng trường THCS Cao Viên cho biết.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ GD-ĐT), thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến học sinh tại trường. Một phần do hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn xây dựng và văn bản pháp qui hiện hành vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục, nhất là khâu thiết kế công trình. Cần rà soát lại các qui định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trường học, nâng cao năng lực thực hiện và chất lượng thẩm định các dự án, thiết kế, tránh để các thiết kế công trình trường học chất lượng kém, chưa đúng qui cách, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến phòng chống tai nạn trẻ em vẫn được thi công xây dựng.

Ông Đoàn Hoài Vĩnh, PGĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã tiến hành khảo sát nguy cơ tai nạn thương tích trong và ngoài nhà trường tại các trường học. Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, Ngành giáo dục thành phố sẽ tiếp tục củng cố phòng y tế nhà trường với nhân lực, trang thiết bị, thuốc cấp cứu theo quy định để cấp cứu kịp thời khi học sinh bị tai nạn, đồng thời chủ động giám sát, phát hiện và có biện pháp khắc phục các nguy cơ gây tai nạn, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong nhà trường…

[links()]

Hải Ninh - Đỗ Việt

Bình luận(0)