(Kienthuc.net.vn) - Hai chị em cụ Đặng Thị Nhánh (87 tuổi) và cụ Đặng Thị Ớt (85 tuổi) cùng trú ở tổ 4, phường An Hội, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đã giữ hồn tò he đất suốt hơn 65 năm qua.
|
Hai cụ Nhánh, Ớt đã bén duyên với tò he đất suốt hơn 65 năm qua. |
Gần 25.000 đêm ra phố thức cùng nia tò he đất
Trời càng về đêm, gió từ biển mang hơi lạnh thổi vào càng lạnh buốt, tê tái. Trên bờ bắc sông Hoài, đối diện chùa Cầu, 2 chị em cụ Đặng Thị Nhánh và cụ Đặng Thị Ớt ngồi lom khom bên sọt tò he đất trên dãy phố đông đúc rực đỏ ánh đèn lồng.
Tài sản của hai cụ là nia tò he đất, một chiếc đòn quang gánh cũ, 2 chiếc nón lá đã sờn.
“Hai già này ngồi đây đã hơn 65 năm rồi. Thời trẻ, chúng tui làm thuê cho làng gốm Thanh Hà, rồi bị những chú tò he đất hút hồn... rồi quyết đi bán vừa kiếm sống vừa quảng bá…” - cụ Nhánh cho biết.
Sáng sáng, hai cụ quẩy gánh đi bộ chừng 4 cây số lên làng gốm Thanh Hà lấy tò he đất về, đến đêm lại bưng nia tò he đất ra phố. Chừng ấy thời gian, hai cụ đã chứng kiến những bước trở mình từng ngày từng giờ của phố cổ.
|
Sáng sáng, hai cụ quẩy gánh đi bộ chừng 4 cây số lên tận làng gốm Thanh Hà lấy tò he đất |
Cụ Nhánh vừa móm mém nhai trầu, vừa trò chuyện: “Siêng thì đêm kiếm được cũng 50.000 đồng… Giá rẻ lắm, chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng là đã có ngay một con tò he đất thổi chơi. Đêm nào không ra phố đêm là thấy thiếu, thấy nhớ nên cứ đêm đêm, không đau ốm thì ra đây ngồi. Nhưng bán được nhiều hay ít còn trông đợi vào vận số hên xui”.
Cụ Ớt vừa cười tếu vừa thoăn thoắt rung những chú tò he mà ngậm ngùi xót xa: “Những chú tò he đất nay cũng hết thời rồi chú ơi! Giờ đồ chơi bán nhiều có còn đứa trẻ nào còn ham hố chi với thú thổi con tò he đất quê mùa ni nữa đâu…”
Tiếng Anh học “lỏm”, nói như “rồng”
Khách Tây đi qua, hai chị em cụ Ớt lại thi nhau bập bẹ vài từ tiếng Anh chào hàng vồn vã. Miệng vừa nói, tay vừa cầm những con tò he đất rung rung, rồi thổi “Te! Te!”. Nhiều khách Tây dù đã đi qua nhưng khi nghe tiếng tò he vang lên cũng ngoảnh lại mua vài con về làm quà.
|
Khách đến, các cụ mời, giới thiệu tò he đất bằng vài câu tiếng Anh “bồi”.
|
“Không đào tạo qua trường lớp, khóa học, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng hai cụ nói tiếng Anh cũng như “rồng” - một bác xe ôm cười cho hay.
“Bữa ni, mấy con tò he đất chỉ còn khách Tây mua thôi… nên cũng cố học vài câu để mà còn nói hay giới thiệu cho khách Tây biết về những chú tò he đất một thời làm nên hồn phố Hội” - cụ Ớt tâm sự.
Hỏi về bí quyết, hai cụ cười giòn tan, khiêm tốn nói: “Có chi mô mà bí với quyết! Nhiều lúc thấy khách nước ngoài ghé lại nói toàn tiếng Tây không hiểu nên nhờ lũ trẻ, mấy bác xe ôm hay cô chú hướng dẫn viên chỉ vài câu nói chơi… Ở phố, ở chợ riết nghe họ nói chuyện rồi mình nói lại thành ra rành, quen miệng thôi. Nói rứa chứ mấy chục năm ni rồi nhưng chỉ nói được chừng ấy là cùng”.
Chị Thu, một du khách đến từ Đà Nẵng nhận xét: “Hai cụ nói tiếng Anh tuy còn ngọng nghịu, khô cứng nhưng cũng trôi chảy đấy!”
Tò he đất xuất xưởng từ lò nung 500 năm tuổi
Tò he đất là một loại đồ chơi bằng đất nung. Chúng nhỏ chỉ bằng chiếc cốc uống trà. Chúng được uốn nặn với những hình thù khác nhau như con người, động vật, hoa lá,…
Vật liệu chính để làm nên là đất sét. Trước khi cho vào lò nung cả ngày đêm ròng rã thì đã được nhào nhuyễn qua bàn tay nghệ nhân uốn nặn.
“...Trời về khuya mỗi lúc càng lạnh hơn. Gió sông Hoài thổi vào mang theo những thổn thức thoảng vào hồn người. Những “chính khách” lưu lại đêm lại thêm ấm nồng. Hình ảnh hai cụ bà ngoài 85 tuổi ngồi hiu hắt, lay lắt trong ánh đèn lồng rực đỏ của một góc phố Hội bên nia tò he đất thật hiếm hoi. Trong đêm vắng, thân già vẫn cần mẫn mưu sinh. Bóng già thưa thớt trong sương khuya. Và dường như ở cái thành phố du lịch này thì quanh năm khách Tây nhiều hơn khách Việt nên việc học ngoại ngữ, “giỏi” tiếng Anh như thể để thích nghi với cuộc sống. Đi trước, về sau dường như là “lối mòn” trên con đường mưu sinh của hai cụ” - anh Lê Phú Đức, một du khách đến từ Hà Nội, cảm nhận trong nhật ký hành trình của mình.
|
Lò nung cũng như những nghệ nhân uốn nặn tò he đất có gốc gác từ làng nghề gốm Thanh Hà hơn 500 năm tuổi.
Làng gốm Thanh Hà ra đời từ thế kỷ 16, buổi manh nha của thương cảng sầm uất nhất của xứ Đàng Trong – thương cảng Hội An. Đây là làng gốm có niên đại vào loại sớm nhất ở Việt Nam.
Theo cụ Nhánh cho biết: “Để làm nên 1 chú tò he đất bán từ 2.000-3.000đ phải trải qua 3 công đoạn chính: khâu nhào nhuyễn đất sét; khâu uốn nặn hình thư, vẽ hoa văn; và khâu cho vào lò nung ròng rả cả ngày đêm”.
Đêm tháng 8, phố Hội sương nhiều, gió thổi càng về khuya càng se se lạnh, hai cụ bà hom hem ngồi “bên phố đông người qua”. Chúng tôi cầm trên tay một chú tò he đất thổi. Thanh âm tò he đất phát ra, gieo vào lòng phố khuya những cảm giác rất riêng, rất lạ, chợt chạnh lòng xót xa.
Lưu Minh