Người đàn ông nổi tiếng nhất nhì miền đất đỏ Tây Nguyên ấy có tên Võ Văn Hải, 59 tuổi ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Ông bán cả nhà cửa, vay mượn bạn bè, dốc cạn gia tài để chơi đá cảnh và đi 63 tỉnh, thành lấy đất làm bản đồ Việt Nam. Chính vì thế mà có người gọi ông là người khùng trên cao nguyên đất đỏ.
Bán bóng bay mua kỳ thạch
Ở mảnh đất Tây Nguyên, ông Hải được người đời biết đến không chỉ với các tác phẩm nổi tiếng mà còn cả tính cách khác người của mình. Tiếng là kỷ lục gia Việt Nam với các tác phẩm "Bản đồ Việt Nam" được ghép bằng đất lấy từ 63 tỉnh, thành khác nhau, rồi các bộ sưu tập đá, gỗ có hình dáng kỳ lạ... vậy nhưng trong phong cách sống của ông thì tuềnh toàng như dân kẻ chợ - ông vẫn tự nhận là như vậy. Ông thường đi đôi dép xăng đan đã mòn đế, chiếc áo sơ mi màu cháo lòng nhàu nhĩ và chiếc quần vải sắn đến đầu gối... Hễ có ai góp ý ông nên thay đổi phong cách ăn mặc cho xứng danh "kỷ lục gia" thì ông bảo rằng "tôi thích như thế".
Ông Hải quê ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1986, ông dắt díu vợ con, gia đình lang thang đến Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk sinh sống. Nhiều người bảo ông gàn dở, nhưng ông lại lấy làm thích thú với cuộc sống đó. Để có tiền nuôi gia đình, ông phải đi bán bóng bay, cháo dạo, làm xe ôm, bán rau, kem vỉa hè...
"Giờ ngẫm lại tôi vẫn thấy thích thú với cái công việc gian truân, khổ cực đó. Bởi tôi có thể tự do lang thang khắp nơi, từ Nam chí Bắc, khắp các hang cùng ngõ hẻm mà vẫn có tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Có lúc tôi coi công việc khổ ải đó chỉ là cuộc rong chơi. Chơi chán lại đem tiền về cho vợ", ông Hải cho biết.
|
Ông Hải bên cuốn sách in hình hoa văn đá đoạt giải nhất tại Hội Xuân Huế năm 2005. |
Trong thời gian "rong chơi, xê dịch đó", ông bỗng nảy ra cái sở thích kỳ quặc. Đó là sưu tầm những hòn đá, khúc gỗ vô tri bị người đời quăng bỏ đem về nhà chất thành đống. Lúc có thời gian thì cắt, gọt thành các hình thù, dáng vẻ khác nhau... Việc làm này ban đầu theo ông Hải chỉ để chơi cho vui, chơi ngông với cuộc đời và quên đi gánh nặng gạo tiền, cơm áo. Nhưng ai dè cái sở thích đó ngấm sâu vào máu, không dứt ra được. "Có đôi lúc tôi định nghỉ ngơi, không lang thang qua đường dài phố rộng nữa vì tuổi đã 60 rồi. Nhưng mà không được đi thì chân tay cuồng dại, cứ như con hổ bị nhốt trong lồng. Vậy là tôi lại xách chiếc xe máy cũ rong ruổi khắm nơi lục tìm đất, đá và những thứ đồ có hình thù kỳ quái", ông Hải tiết lộ.
Thế rồi một ngày, bỗng dưng ông được nổi tiếng vì cái sở thích dị kỳ của mình thông qua một cuộc chơi trong Hội hoa xuân, tổ chức tại TP HCM năm 1997. Lúc đó, ông đem khúc gỗ có hình thù khác thường. Thân như ngọn núi, vân như dòng suối, màu như áng mây trôi trong chiều tà... đến Hội Xuân. Không ngờ lần này ông dành giải nhất và được một khoản tiền kha khá. Nhưng quan trọng hơn là nó đã chạm đến niềm đam mê giúp ông tiến xa hơn trong giấc mơ về những thứ dị kỳ.
Mùa xuân năm 2005, ông tiếp tục đem bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật bằng đá và cuốn sách in hình ảnh huyền ảo chụp từ đá ra Hội Xuân Huế để trưng bày. Không ngờ lần này, ông đã đoạt toàn bộ các huy chương vàng, bạc, đồng trước bao con mắt ngưỡng mộ của mọi người. Sau lễ hội, có đại gia gạ mua lại bộ sưu tập của ông với giá rất cao. Nhưng ông không bán mà tặng lại cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trưng bày, giới thiệu với công chúng.
Ông Hải cho rằng, đá cũng có vẻ đẹp và linh hồn. Vấn để là mình phải đẽo gọt để lột tả được vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Ở mỗi tác phẩm ông đều khắc thơ lên đó. Người thưởng thức ban đầu chưa thể thấu hiểu nội dung tác phẩm nhưng qua những vần thơ sát thực thì họ bắt đầu chạm tới được linh hồn của đá.
|
Ông Hải đã bán cả gia tài để xuyên Việt lấy đất ghép bản đồ. |
Bán nhà đi 36 tỉnh lấy đất ghép bản đồ
"Cách đây tròn 3 năm, tôi bỗng nghĩ đến việc sẽ làm một tấm bản đồ Việt Nam thật đặc biệt. Ngay sau đó, ý tưởng dùng đất của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước để ghép bản đồ lóe lên trong đầu. Sau đó ít lâu, tôi hiện thực hóa ý tưởng này bằng cách bán căn nhà gia đình đang ở được 350 triệu đồng rồi dành 200 triệu đồng để làm kinh phí xuyên Việt", ông Hải cho biết.
Ông bắt đầu hành trình xuyên Việt của mình từ tháng 1/2011 với địa điểm đầu tiên là Đăk Lăk. Sau đó ông đi về phía Đông Nam Bộ, ngược miền Trung, rồi ra miền Bắc. Tại mỗi địa phương, ông đều lấy một nắm đất ở nghĩa trang liệt sĩ vì cho rằng đất ở những nơi đó là thiêng nhất.
|
Hình hoa văn trên đá được ông Hải in lại và so sánh với hình người chiến sĩ trong cuốn sách lớn nhất tại Hội Xuân Huế. |
Ông Hải tâm sự: "Có những lúc đi qua đường dài heo hút, ốm đau bệnh tật mà ngã lòng. Nhưng nghĩ lại thấy chính mình đã lựa chọn công việc này, nếu bỏ cuộc thấy trong lòng day dứt, hổ thẹn với thiên hạ. Đặc biệt hơn nữa là việc làm của tôi có thể đem lại thông điệp yêu nước, kết nối đoàn kết dân tộc thông qua tấm bản đồ đặc biệt. Vì thế, tôi gắng làm bằng được việc ghép bản đồ đất".
Tuy nhiên, khi tác phẩm đặc biệt của ông sắp sửa hoàn thành thì xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến đảo Hoàng Sa. Ý tưởng ra Hoàng Sa lấy đất ghép bản đồ cũng theo đó mà gián đoạn. Nhưng thật may là có một người bạn vì ngưỡng mộ ý tưởng ghép bản đồ bằng đất mà gửi tặng cho ông một con ốc từ đảo. Vậy là ông dùng con ốc đó gắn lên bản đồ thay cho đất. Ông dự kiến đem tấm bản đồ đặc biệt này ra Đền Hùng trưng bày để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, báo ân tiên tổ, giữ lấy giang sơn, bờ cõi.
"Để hoàn thành được tác phẩm này, tôi đã phải trả giá bằng những vụ tai nạn trên đường trường, khâu hàng chục mũi trên đầu. Mọi thứ có giá trị trong gia đình đều đội nón ra đi để lấy tiền chữa bệnh. Mặc dù sức hao lực yếu nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc sưu tập đá, sách và những thứ dị kỳ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay".
Ông Võ Văn Hải