Nhờ cuốn sách này, trong khoảng 5 năm ông bà Mão đã thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ trị giá lên đến hơn 500 cây vàng.
Bí quyết bán rẻ, đẻ ra tiền
Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Hà Nội đã có một vài nhà sách tư nhân bên cạnh các công ty, xí nghiệp xuất bản của nhà nước. Nhưng không phải vô cớ mà "hiệu sách mini" chỉ hơn chục cuốn bên bờ hồ của ông bà Mão lại đông khách. Suốt mười mấy năm gắn bó với nghiệp thẩm định sách và ấn định số lượng bản in ở Tổng công ty phát hành sách Trung ương, cái tài của bà Mão khó ai cạnh tranh được là chọn sách hay và đặt giá tốt.
Về nguồn sách, nhờ kinh nghiệm thẩm định sách, lại quen biết hầu hết các nhà xuất bản nên ở đâu có sách hay, sách tốt, ông bà cũng tìm đặt mua cho kỳ được, dù ở trong Nam ngoài Bắc hay thậm chí ở nước ngoài.
|
Bản in mới cuốn Almanach - những nền văn minh thế giới, cuốn sách "thần" mang lại cơ nghiệp tiền tỷ cho ông bà Mão |
Về giá bán, thông thường sách từ NXB đến nhà cung cấp được chiết khấu 30% - 40% giá niêm yết. Nhưng sách ở nhà sách Mão, ông bà giảm cho khách đến 20-30%. Cộng ngược trừ xuôi chi phí điện, nước, thuế, nhân công… ông bà thu về vỏn vẹn 2-3% tiền công làm lãi. Hút khách đến đông, có doanh thu lớn, nên tuy mức lãi chỉ 2-3%, thì lợi nhuận thu về vẫn khá cao.
Khách đến với ông bà Mão từ ngày còn ngồi bán vỉa hè, cơ bản cũng vì giá rẻ hơn nhà sách quốc doanh 10%. Sau này nhờ giá rẻ mà người mua vẫn tìm đến đây dù cửa hàng nằm sâu trong ngõ hẻm.
Almanach – những nền văn minh thế giới: sách “thần” tậu cơ ngơi bạc tỷ
Kể về cơ nghiệp của mình sau hơn 20 năm gây dựng, bà Mão hé lộ chi tiết kỳ thú về một cuốn sách, mà theo bà, đó là cuốn sách “thần” giúp bà dựng nên cơ nghiệp sách đồ sộ như bây giờ. Đó là cuốn Almanach – Những nền văn minh thế giới, một cuốn đại từ điển, dày hơn 2.000 trang, được biên soạn công phu bởi nhiều tác giả lớn của thế giới.
Năm 1994-1995, cuốn sách biên dịch xong nhưng không nơi nào chấp nhận mạo hiểm để in ấn và phát hành tác phẩm đồ sộ cỡ đó. Nhận thấy giá trị vô giá từ cuốn sách, ông bà Mão đã quyết định xin giấy phép phát hành và đặt in từ Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin.
Theo lời kể của bà Mão, “kể từ lần đặt in đầu tiên cho đến suốt 5 năm liền (từ 1995-2000), cứ in 22.000 cuốn Almanach về đến cổng là bán hết sạch, không còn cuốn nào sót để đưa lên kho sách”. Nhờ cuốn sách “thần” ấy, cơ ngơi sách của ông bà lên như diều gặp gió.
|
Lối vào hiệu sách Mão là con ngõ sâu ở số 5 Đinh Lễ, trên gác 2 khu tập thể Đại học Y cũ |
Mỗi năm, ông bà Mão phải tậu thêm một gian nhà liền kề để bán sách, cho đến khi mua hết được cả 6 gian như hiện nay (5 gian sách và 1 gian sinh hoạt). Bà Mão nhẩm tính, mỗi mét vuông sàn, bà mua với giá 1 cây vàng, giá mỗi cây vàng khi đó khoảng 5 triệu đồng, lượng tiền mặt dùng để mua trọn 200m2 nhà hiện tại cỡ khoảng 1 tỷ đồng.
Chưa hết, theo ước lượng của bà, lợi nhuận mà cuốn sách này mang lại trong suốt 5 năm phải lên đến cỡ 2-3 tỷ đồng, quy ra vàng thời đó tương đương 500 cây vàng (!). Tiếng lành về cuốn sách đồn xa, cửa hàng nới rộng dần, khách đến nhà bà Mão ngày càng tấp nập, nhân viên có lúc lên đến mười mấy người thay phiên nhau bán sách.
Ban ngày nhân viên bán sách cho ông bà, tối họ bắt chước trải chiếu xuống vỉa hè bán theo, biến Đinh Lễ trở thành “phố sách đêm” nhộn nhịp nhất Hà Nội. Khoảng những năm 2000-2001, khi không được bán sách ở vỉa hè, những người kinh doanh thuê cửa hàng để bán, Đinh Lễ thành phố sách từ đó.
Kinh tế khó khăn: Nhờ vốn cũ, thu lãi mới
Phố Đinh Lễ ngày nay không thiếu những nhà sách lớn nhỏ, từ trong ngõ (cạnh nhà bà Mão), ra đến hầu hết các cửa hàng mặt đường, người ta mở cả CLB sách, hội chợ sách đêm... Sách lan tỏa sang 2 phố liền bên là Nguyễn Xí và Tràng Tiền với những nhà xuất bản lớn, siêu thị sách khang trang, hiện đại.
Tìm mua sách giờ đây cũng không hiếm hoi như trước, thậm chí các nhà sách phải cạnh tranh nhau về giá, về không gian, kể cả dịch vụ trông giữ xe… Ở sâu trong hẻm, nhưng những ai đến tìm sách cũ, sách giá rẻ, hay muốn tự mình cặm cụi lục, tìm trong thế giới bạt ngàn sách, vẫn tìm đến đây.
|
Almanach – Những nền văn minh thế giới, cuốn đại từ điển, dày hơn 2000 trang, được NXB Văn hóa - Thông tin tái bản |
Không chỉ có khách đến mua, nhà sách này vẫn đều đặn đóng gói các kiện sách gửi về nhiều tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Phòng, Nam Định... Bà Mão cho biết, hiệu sách của bà thuộc hàng đắt khách ở thời điểm này. Vậy mà, “doanh thu năm nay chỉ bằng 1/3 năm trước, mà năm trước đã khó khăn đi nhiều. Nhiều nhà sách nhỏ năm qua khốn đốn, sống dở, chết dở".
Đơn cử như việc kinh doanh lịch hàng năm, chỉ 3 tháng cuối năm cũng mang về lợi nhuận hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Đến năm ngoái và năm nay, kinh tế khó khăn, ai “ôm” lịch là méo mặt mà “chết”. Kinh doanh sách khó khăn hơn, phần vì người mua thắt chặt chi tiêu, phần vì thói quen đọc đang thay đổi nhờ sự cải tiến các thiết bị công nghệ. Một cách “cầm cự” mà theo ông bà chủ này mách nước, là nhờ lượng sách tồn kho lớn, nên nhà sách này luôn có hàng để bán mà không phải nhập hoàn toàn sách mới.
Sách mới được nhập cầm chừng, bán hết mới nhập tiếp. Kinh tế khó khăn nên nhiều người mua tìm đến sách cũ giá rẻ hơn. Phần lãi mới từ sách cũ vừa để bù đắp phần nào chi phí và vừa chống đỡ mức doanh số sụt giảm của năm nay.
Nghề bán sách cũng có mùa theo từng thời điểm trong năm: 3 tháng cuối năm là mùa lịch tấp nập; 3 tháng khai xuân, người lớn dư dả, trẻ con có tiền mừng tuổi, sách bán chạy; đầu năm học mới là lúc bán sách giáo khoa, sách tham khảo, giáo trình đại học…; mùa nghỉ hè, 1/6, Trung thu bán sách, truyện cho thiếu nhi… Cứ như vậy, những người giữ lại văn hóa đọc đáng quý của người Việt như ông Luy, bà Mão quanh năm ngày tháng xoay vần với sách.
(Theo TTVN)