Từ hai bàn tay trắng, nhờ chăm chỉ trồng cây trên đồi, kết hợp với chăn nuôi gia súc, ông Nguyễn Văn Tần (62 tuổi ở xóm Cao, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã trở thành tỷ phú đất Lương Sơn. Khi có vốn ông thành lập công ty, mở nhà máy chế biến lâm sản tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương.
Về thị trấn Lương Sơn hỏi thăm ông Tần tỷ phú hầu như ai cũng biết, ông nổi tiếng là giàu có, tiền của như nước. Cái sự giàu có của ông không phải xuất thân trong gia đình đại gia hay tiền của từ trên trời rơi xuống, mà từ chính bàn tay, khối óc của mình làm ra.
|
Nhà hàng và khung cảnh do ông Tần thiết kế. |
Gần 20 năm trước làm nhà to nhất huyện
Chúng tôi gặp tỷ phú chân đất đúng vào lúc ông đang loay hoay sửa đường ống dẫn nước tưới cây, dáng người nhỏ thó ông mặc bộ quần áo lao động nhàu nhĩ, chiếc quần xắn lên tận đầu gối, đôi chân đi đôi dép tổ ong. Gặp ông ngoài đường chắc chắn chả ai ai nghĩ ông là một tỷ phú.
Để nguyên bộ dạng đó, ông mời tôi và nhà uống nước rồi kể: Ông vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông từng có nhiều năm công tác tại Công ty Cổ phần Bê tông Xuân Mai. Nhưng sau một tai nạn lao động, ông được công ty cho nghỉ chế độ mất sức. Tình thế buộc ông phải về quê vợ làm ăn sinh sống.
“Tôi lên đây tăng gia sản xuất, khai hoang trồng trọt từ năm 1988. Khi đó, đất đai rừng đồi còn hoang hóa nhiều, chưa phân cho cá nhân nào sở hữu mà đều thuộc quản lý của lâm trường Trường Sơn. Để được khai hoang đất đai trồng trọt, tôi đã làm đơn xin phép lâm trường. Gia đình tôi chỉ được 10% lợi tức trồng trọt trên diện tích đất đai khai hoang còn 90% trả cho lâm trường”, ông Tần kể.
Đó là những tháng ngày gian nan nhất của ông cùng gia đình, thời điểm đó nhiều người nhìn thấy gian khó, nên họ chẳng dại gì mà lao vào khai hoang trồng trọt, để rồi chỉ thu được một phần từ sức lực mình bỏ ra. Nhưng ông Tần cho rằng, có tư liệu sản xuất ắt sẽ có hướng phát triển kinh tế và làm giàu trên chính mảnh đất đó. Nghĩ là làm, ngày đêm ông vác cuốc xẻng lên rừng khoang hoang vỡ đất để trồng cây. Có lúc ông đấu thầu diện tích đất đồi rừng của lâm trường lên tới 20ha.
|
Ngôi nhà hai tầng của ông Tần khi làm hoành tráng nhất huyện Lương Sơn. |
Ông Tần cho hay, năm 1990 khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng cho các hộ dân ông là người tiên phong trong công tác khai hoang đất đai để trồng rừng. Vì thế, diện tích canh tác của gia đình ông lên tới 70ha.
Có đất rừng ông bắt tay ngay vào việc trồng cây keo, kết hợp với chăn nuôi bò. Có thời điểm số lượng đàn bò gia đình ông nuôi lên tới hàng trăm con. Một năm bán bò giống, bò thịt gia đình ông cũng thu nhập vài trăm triệu đồng. Những năm 1999 nhận thấy nhiều tỉnh miền Bắc có phong trào làm gạch thủ công, rất cần phên nứa để che nắng mưa. Vì thế, ông quyết định mua ô tô, thuê người đan tấm phên, mang đến các tỉnh bán cho các chủ lò gạch. Cách kinh doanh này nhiều năm trước tạo cho ông nguồn thu nhập rất lớn.
Nhưng nguồn thu nhập lớn nhất của tỷ phú chân đất vẫn là từ cây keo, với 70ha keo, trồng trong 10 năm, khi thu hoạch ít nhất ông cũng có 7 tỷ đồng bỏ túi.
Ông Tần bảo, những năm 1996 trong nhà ông đã có tiền tỷ trong nhà. Vợ chồng ông xây dựng căn nhà hai tầng hết 300 triệu đồng thuộc vào dạng “khủng” nhất huyện Lương Sơn ngày đó.
Ông Tần bảo, tất cả những thành quả ngày nay ông có, nhờ vào bàn tay, khối óc của mình. Tuy là người có tiền tỷ trong tay, nhưng ông không nhận mình là người giàu có. Ông chỉ thừa nhận mình thành công trong việc phát triển kinh tế đồi rừng. “Để đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm qua tôi làm rất nhiều việc từ trồng trọt cây keo, cây nứa đến buôn bán sản xuất lâm sản. Phải mở rộng sản xuất, mới có nhiều nguồn thu nhập trong gia đình”, ông Tần chia sẻ.
|
Đồi keo bạc tỷ của tỷ phú chân đất. |
Thành lập công ty tạo việc làm cho người dân
Theo ông Tần, ông thành công một phần do biết xoay vòng vốn, ông biết lấy ngắn nuôi dài chứ không để đồng tiền nằm một chỗ. Ngay cả khi có tiền tỷ ông cũng không gửi ngân hàng nhiều mà để vốn kinh doanh. “Hàng chục năm về trước, tôi đã tính toán tới việc không chỉ biết trồng cây bán để bán thu tiền mà còn phải sản xuất, kinh doanh từ chính sản phẩm mình làm ra”, ông Tần kể.
Ông Tần nhìn nhận tiềm năng để phát triển ngành lâm sản ở nơi đây là rất lớn, vì thế, từ nhiều năm trước ông đã thành lập hợp tác xã (giờ đổi thành công ty) chuyên thu mua lâm sản người dân trong vùng về chế biến. Người dân nơi đây rất hào hứng ủng hộ việc làm của ông. Vì họ sẽ không bị các tư thương ở xa đến chèn ép giá.
Các sản phẩm của đơn vị ông làm ra sẽ được bán cho các đối tác, sau đó họ sẽ xuất khẩu nó sang nước ngoài. Hàng làm đến đâu, các đối tác đến lấy đến đó, có thời điểm không có hàng để bán.
Hiện nay, công ty chế biến lâm sản của gia đình ông Tần đã thu hút rất nhiều lao động vào làm. Nhiều người trước đây nghèo khó, ông nhận vào làm việc cuộc sống ổn định.
Dù tuổi ông đã cao, nhưng ý tưởng làm kinh tế thì lúc nào cũng cháy bỏng trong ông. Mới đây người dân trong vùng bất ngờ khi ông quyết định dựng hẳn chiếc nhà sàn bên đường để làm nhà hàng phục vụ du khách. Một ý tưởng táo bạo mà không phải ai có tiền cũng dám làm như ông Tần. Nhờ sự mạo hiểm đó mà đem lại cho ông rất nhiều thành công.
Dẫn chúng tôi lên vườn cây keo sắp thu hoạch, ông nói với giá cả thị trường hiện nay, đồi keo của ông bán đi cũng thu lại trên dưới tỷ bạc.
Tuy là một tỷ phú lắm tiền, nhiều của, nhưng phong cách của ông vẫn giản dị như người nông dân chân chất. Hằng ngày ông vẫn lên đồi chăm sóc cây cối, phát quang bụi rậm. Chỉ khi vào mùa vụ thu hoạch nhiều việc thì ông mới thuê người làm. Tuy nhiên, cũng đến lúc ông phải nghỉ ngơi, nhường “sân chơi” cho lớp trẻ.
“Hiện nay tôi bàn giao công ty chế biến lâm sản và nhà hàng cho các con quản lý. Tôi chỉ đạo chung trong tất cả công việc, còn việc điều hành cụ thể từng việc tôi giao các con làm. Mấy chục ha đất trồng keo tôi cũng chuyển nhượng cho các con”, ông Tần cho biết.
Ông Tần là tấm gương làm kinh tế giỏi của xã. Nhiều năm qua ông Tần đầu tư trồng trên nhiều diện tích cây keo, cùng với đó ông kết hợp chăn nuôi bò và mở khu chế biến lâm sản xuất khẩu. Nhờ vậy, cho ông nguồn thu nhập lớn, ông là tỷ phú ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở địa phương.
Ông Hoàng Văn Thường (Chủ tịch UBND xã Cao Răm)