Sau khi rộ lên phong trào xuất ngoại, nơi đây đã xuất hiện nhiều quán karaoke, nhà nghỉ khiến cuộc sống người dân chài không còn yên ổn.
Sau khi rộ lên phong trào xuất ngoại, nơi đây đã xuất hiện nhiều quán karaoke, nhà nghỉ khiến cuộc sống người dân chài không còn yên ổn.
|
Những ngôi nhà khang trang bạc tỷ ở xã Cương Gián. |
Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được xem là xã có số lượng người xuất khẩu đi lao động nhiều nhất nước. Cuộc sống người dân nơi đây “thay da đổi thịt” từng ngày nhưng hệ lụy nó mang lại không hề nhỏ.
Sống dựa vào nguồn ngoại hối đổ về, người dân vốn xuất thân từ tầng lớp ngư nghiệp sa vào rượu chè, cờ bạc, ma túy và mại dâm. Những câu chuyện về ngoại tình, tình làng nghĩa xóm thay đổi vì sự phân biệt giàu nghèo.
Người dân quanh năm bám biển mưu sinh, đánh bắt nguồn lợi hải sản trên biển. Tuy nhiên kể từ năm 1995, ở xã bắt đầu xuất hiện phong trào xuất ngoại một cách rầm rộ nhất, nhiều người bằng mọi cách vay vốn, thế chấp tài sản ngân hàng để được sang nước ngoài làm việc.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Cương Gián, xã hiện có khoảng 14.000 dân nhưng có tới 2.500 người đi xuất khẩu lao động sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Nga, Pháp… Trung bình mỗi nhà có từ 2 đến 3 người xuất ngoại, đặc biệt có nhà 8-10 người đi, chủ yếu là tầng lớp thanh niên có sức vóc, tuổi đời còn rất trẻ.
Từ một xã nghèo khó, người dân kiếm sống không đủ no qua mùa biển động, bây giờ Cương Gián chẳng khác nào chốn phồn hoa đô hội. Điều đầu tiên dễ thấy ở xã này là hàng loạt ngôi nhà bề thế, sang trọng mọc lên trong làng, có ngôi nhà tiền đầu tư bạc tỷ. Nhiều quán ăn, dịch vụ, khách sạn hoành tráng khác cũng thi nhau mọc lên chen chúc ở xã biển.
Một lão ngư cho biết, bọn trẻ bây giờ không còn biết ra biển phụ giúp gia đình kiếm con cá, con tôm nữa, đứa nào đứa nấy tóc vàng hoe, ăn mặc sành điệu tới các quán cà phê, nhà hàng, karaoke… Trưởng thôn Bắc Mới, ông Nguyễn Ngọc Cư cho hay, do sống chủ yếu dựa vào nguồn kiều hối đổ về nên đời sống người làng có phần đổi thay.
Người dân trong thôn không còn đi biển đánh bắt nữa, họ xài bằng tiền đô, không tiêu tiền Việt. Những thành phần xuất ngoại trở về cố hương mang theo cách sống tiêu cực, ăn chơi, gây ảnh hưởng không nhỏ. Nắm bắt thời cơ, các “tú bà”, “tú ông” chuyên môi giới gái mại dâm liền mở hàng loạt quán ăn, nhà nghỉ dọc ven biển Xuân Thành để kinh doanh dịch vụ. Họ bỏ công tuyển lựa các cô gái trẻ đẹp, có gia cảnh nghèo khó, suy nghĩ khờ dại về phục vụ khách làng chơi, đa số là con em trong xã Cương Gián.
Giữa tháng 9, người dân trong vùng xôn xao vì một vụ trọng án xảy ra ở nhà nghỉ Đức Thắng, huyện Nghi Xuân. Nạn nhân là chị Đặng Thị Tâm (23 tuổi, chủ nhà nghỉ).
Hung thủ Phạm Văn Giang (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) khai nhận trước đó có đến nhà nghỉ Đức Thắng để “vui vẻ”. Tại đây, Giang được bà chủ giới thiệu cho một cô gái trẻ đẹp. Giang qua đêm với cô gái tại nhà nghỉ trong vòng 3 đêm liền mà không sử dụng biện pháp an toàn.
Trong lúc vui vẻ lần thứ 3, cô gái nói với Giang mình đã trót nhiễm HIV rồi. Quá tức giận và tuyệt vọng vì nghĩ mình rơi vào đường cùng, trong khi cô gái "làng chơi" đã bỏ trốn, Giang đã ra tay không chút tiếc thương với chị Tâm rồi bỏ trốn.
Đó chỉ là một trong vô số các vụ trọng án liên quan tới vấn nạn mại dâm xảy ra mới đây nhất tại xã Cương Gián. Nhiều khách rỉ tai nhau, về biển Xuân Thành tìm chỗ để “thư giãn” không thiếu, ngay cả dân chơi trên Vinh cũng mò tìm về đây. Đi dọc bờ biển khoảng một cây số, nhẩm tính đã có trên 30 quán nhậu, nhà nghỉ. Tất cả đều là quán trá hình, nếu khách gật đầu muốn em út thì kiểu gì cũng có. “Thượng vàng hạ cám”, từ con gái miền núi mang hương đồng gió nội đến con gái yêu kiều ở tận miền Tây.
Trước một quán nhậu, 3-4 cô gái chừng 16-17 tuổi tô son trát phấn nhoè nhoẹt, áo dây ngắn cũn cỡn. Kẻ đứng người ngồi tươi cười chào đón các vị khách lạ. Một cô gái tên Lan nũng nịu: “Các anh tới đây vui chơi thoải mái, đảm bảo không muốn về nhà luôn. Chỗ bọn em rẻ nhất đấy, đi nhanh 1 xị (100.000 đồng) thôi, còn qua đêm là 3 xị”.
Chiều đến, bãi biển Xuân Thành người người đổ về, xe cộ đông đúc, náo nhiệt hẳn lên. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là người tắm biển thì ít mà “mất hút” vào phía trong nhà theo sau chân các cô gái cùng tấm chiếu cũ sờn thì rất nhiều. Biển Xuân Thành được dân chơi gọi bằng cái tên “thiên đường sung sướng nhất” ở miền Trung.
Cũng chính vì thế, thanh niên trong làng ăn chơi suốt ngày tháng, hết tiền thì chờ bên nước ngoài gửi về. Người ở nhà dùng tiền không phải đổ mồ hôi nước mắt, tệ nạn xã hội lại “giăng bẫy” khắp hang cùng ngõ hẻm nên việc thanh niên hút chích, mại dâm càng ngày trở nên phổ biến.
Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Cư nói: “Con gái, con trai mới lớn đã đàn đúm, bỏ học. Cha mẹ đi nước ngoài lao động, không ai dạy bảo nên sinh hư. Có những đứa chưa đủ tuổi đã được người thân bỏ tiền cho đi xuất ngoại. Bởi vậy, số lượng con em đậu vào đại học, cao đẳng, học hành tới nơi tới chốn ngày càng giảm”.
Không chỉ là xã đi đầu trong cả nước về xuất khẩu lao động, Cương Gián được nhiều người cho là xã giàu nhất nước vì lượng kiều hối gửi về rất lớn. Tuy nhiên có một nghịch lý ở đây, đó là sự phân biệt giàu nghèo rõ rệt. Những nhà không có con em đi xuất ngoại nghèo “rớt mồng tơi”, quanh năm bám biển, đời sống vô cùng khó khăn. Xuất ngoại, vợ xa chồng, anh xa em, khoảng cách địa lý kéo theo bao khoảng cách về tình người, tình đời.
Những người dân ở Cương Gián kể lại không ít những câu chuyện cười ra nước mắt. Theo ông Nguyễn Ngọc Cư, chuyện người trong thôn xã có quan hệ tình cảm bất chính với nhau không có gì lạ. Tuy nhiên, khó có thể có con số thống kê cụ thể các vụ ngoại tình gây bất ổn an ninh trật tự thôn xóm.
Thực tế, nhiều vụ chồng hoặc vợ đi lao động ở xa, người ở nhà sống trong cô đơn buồn bã, thiếu thốn tình cảm dẫn đến các quan hệ không chính danh. Khi vụ việc vỡ lỡ, kẻ đánh ghen, người báo oán làm ồn ào khắp xóm làng, mất tình nghĩa giữa người với người.
Ông Cư kể câu chuyện điển hình về chồng xuất ngoại, vợ ngoại tình. Anh Phong và chị Thu cưới nhau, cuộc sống khốn khó với những chuyến đi biển dài ngày. Khi phong trào xuất ngoại nở rộ, hai vợ chồng dành dụm tiền bạc để anh Phong sang Đài Loan làm việc.
Chị Thu ở nhà bán bún kiếm thêm thu nhập. “Gái một con trông mòn con mắt”, chị Thu được cánh đàn ông, thanh niên trong làng nhòm ngó, đẩy đưa lời tình tứ.
Tin đồn chị Thu bán bún thì ít mà “bán hoa” thì nhiều nên khách khứa ngày một đông hơn. Cha mẹ chồng nghi ngờ con dâu dan díu, không chung thủy với chồng nhưng không có bằng chứng nên đành nói bóng nói gió. Họ lập mưu để bắt quả tang.
Một đêm mưa gió, cô Thu không về nhà, ở lại quán bún nhắn tin cho tình nhân đến. Khi cánh cửa cài lại, đèn ngủ bật lên, đèn sáng phụt tắt, đôi nhân tình quấn chặt lấy nhau.
Đang lúc cao trào thì bố mẹ chồng bỗng dưng xuất hiện, mở điện sáng lên. Vụ việc gây xôn xao dư luận, kẻ bàn ra, người tán vào khiến người trong cuộc xấu hổ, bậc phụ huynh cũng tủi thân, nuốt nhục. Sáng hôm sau, chị Thu lặng lẽ bắt xe đò vào Nam, biệt tích.
Ông Cư cho biết trước đó có những vụ ghê gớm hơn. Chồng về nước nghe tin vợ dan díu với người này người kia, gia đình cũng không còn hạnh phúc nữa. Lại có vụ đánh ghen thuê cả cánh giang hồ đâm chém như ở thôn Bắc Mới. Có những đêm, ông Cư phải tỉnh ngủ để đi giải quyết các vụ mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau giữa người làng này và người làng kế bên.
Ông Cư lắc đầu, chua chát nói: “Ngày chưa đi xuất ngoại, xóm làng bình yên, người dân sống hòa thuận với nhau, chung lưng đấu cật kiếm sống trên những con thuyền ra khơi. Bây giờ thanh niên hư hỏng nhiều, tệ nạn, nhân cách con người sa sút. Con em dính vào vòng lao lý cả. Đó là chưa kể số người “tan giấc mộng” vì xuất ngoại bị lừa hay làm ăn thất bát”.
(Theo Đời Sống & Pháp Luật)
Bài đọc nhiều:
[links()]