Chuyện “bắt ma, uống nước thánh” ở “Khu vườn kỳ lạ“

Google News

Dân địa phương khi nhắc đến "Khu vườn kỳ lạ" có nước thánh chữa bệnh thì đều thở dài thườt thượt: "Tội nghiệp bà con...".

- Dân địa phương khi nhắc đến "Khu vườn kỳ lạ" có nước thánh chữa bệnh thì đều thở dài thườt thượt: "Tội nghiệp bà con, chữa được bệnh tật gì đâu", "Trời ơi! Đi chi cho cực, sao không ai nói cho họ biết".
 
Bệnh nhân từ các tỉnh tới đây vì nghe tin bán tính bán nghi nên đến cho biết, có người vì khát khao khỏi bệnh mà cố tin chờ đợi phép màu. Lại cũng có người đi cho vui vì được về quê uống nước lã...

Đến đây ăn được, ngủ được!

[links(left)]Cô Cao Thị Lan (54 tuổi, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết, vợ chồng cô bị bệnh viêm xoang mạn tính nên vào đây chữa thử, mang cả thằng cháu ngoại 2 tuổi vào đây cho mau lớn. Thằng cu gầy choắt, nuôi mãi chẳng lớn được, 2 tuổi mà có 8kg.
 
Vào đây 2 tuần nhưng chưa thấy gì cả, được cái ăn được ngủ được, bệnh viêm xoang chắc phải có thời gian. Khi chúng tôi hỏi, thế cháu bé này thì cô nấu gì cho ăn cho đỡ còi. Cô Lan bảo, người lớn ăn gì thì nhai cho nó ăn cái đó. Cơm ở đây bán 18.000 - 20.000đ/đĩa, hai vợ chồng với thằng cu cũng ăn có 2 đĩa.

Chị Lê Thị Xuân (43 tuổi, Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đến khu vườn để nhờ "bắt ma" vì "con ma" luôn nhập vào miệng chị nên nói lung tung. Hôm trước bà Ngoan đã dùng phép thuật bắt "ma" cho chị Xuân và bà phán là 3 ngày nữa "con ma" sẽ thoát ra. Chúng tôi hỏi chị Xuân sao bữa nay đã qua ngày thứ tư rồi mà vẫn chưa thấy gì?
 
Chị Xuân lại lè lưỡi ra đảo quanh miệng và liếng thoắng rằng "con ma" nó nói xạo đó, nó chưa ra cứ ở trong người Xuân đấy. Mọi người có sợ không, vì có lúc là Xuân có lúc là "con ma" nó nói đấy. Gần 1 tháng sau chúng tôi quay lại vườn vẫn thấy chị Xuân cười nói vu vơ ở vườn, khuôn mặt vô hồn, vô cảm. Hỏi thăm thì chị Xuân trả lời, "con ma" nó không ra nên chị chưa được về, nhớ nhà lắm!

Dùng nước lã chữa bệnh đỡ tốn tiền

Vợ chồng ông bà Phan Thanh Cường (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cùng ông bà thông gia ở tỉnh Hải Dương, vượt cả ngàn cây số để đưa thằng cháu ngoại gần 3 tuổi vào vườn chữa bệnh não. Thấy bà Cường cứ ôm thằng cu chạy vào chạy ra khu nhà nguyện rồi ra gốc cây vệ sinh thay đồ cho cháu, tôi hỏi, sao bác không cho cháu mặc bỉm vào cho tiện.
 
Bà Cường thở dài, đeo bỉm sợ hăm, vào nhà nguyện một tí thì nó lại tè nên phải chạy ra vườn kẻo ô uế nhà nguyện. Đấy, bác xem cháu nó đẹp trai thế này mà ông giời lại bắt nó bại não nên gia đình ông bà 2 bên phải đưa cháu vào vườn "giời" để xin cho khỏi bệnh, vì nghe đồn có đứa giống cháu tôi cũng đã khỏi (?). Bố mẹ nó tốn bao nhiêu tiền đưa qua Singapore, Trung Quốc để ghép tế bào gốc nhưng họ từ chối vì thằng bé bị bại não bẩm sinh, tốn bộn tiền.
 
Hai tuần vào đây, thấy cháu nó tươi tỉnh một chút nhưng vẫn chưa có biểu hiện gì mới cả. Vất vả lắm, nhưng biết làm sao được, hằng ngày tôi lấy nước ở vườn để nhỏ vào mắt, mũi cho cháu mau khoẻ, cho cháu uống nước này luôn. Nước giếng thì không mất tiền... Lỡ vào đến đây, xa xôi nên phải ở thêm thời gian xem cháu nó có khỏi được không.

Trong đoàn đi cùng xe với tôi, đến vườn sau khi làm thủ tục vào vườn, lấy nước, xếp hàng, trải chiếu, mọi người tranh thủ đi ăn sang ở quán đối diện với khu vườn. Cả đoàn uống nước lã của vườn nên đều bị đau bụng vật vã, còn chúng tôi uống nước đóng chai nên chẳng bị làm sao. Đến trưa, mọi người sợ tiếp tục đau nên không dám đi ăn trưa mà chỉ nằm im cầu mong cho tai qua nạn khỏi để chiều về đến nhà. Có người lo mang cái bụng đau về nhà sợ mấy đứa con nó lại chì chiết là "dở hơi đi uống nước lã".
Cầu nguyện chữa bệnh.
Cầu nguyện chữa bệnh.
Về quê... hóng mát!

Đi chung đoàn với tôi có chú Huỳnh Thanh N. (phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM) là dược sĩ đã nghỉ hưu và từng bị tai biến. Khi đến vườn, tôi thấy chú chỉ ngồi ở gốc cây trong vườn hóng mát mà không đi lấy nước hay vào nhà nguyện. Tôi thắc mắc hỏi thì chú N. cười cho biết, chú đi cùng với các bác trong xóm cho vui, ở thành phố cũng không làm gì, hằng tuần đi xuống quê cho nó thoải mái và cho đỡ nhớ quê.
 
Rồi, chú kể về quê chú ở một làng quê ngoài Bắc, có giếng nước, cây đa, bến đò và nhất là những rặng tre xanh. Càng già càng nhớ quê nhưng vì chú bị tai biến nên không thể về quê xa nên đành đi xuống vườn cho đỡ nhớ. Còn vợ chú đi là để cho chú vui. Con trai của chú là bác sĩ nên nó không muốn cho cô chú đi, nhưng nhớ quê nên chú đi vì lý do đó.

Khi tôi hỏi, thế sao chú đi mấy năm rồi sao không "có điện" như bác Nh. Thì chú N. cho biết, chú cũng không biết, chỉ thấy có vài người ngồi thiền một lát là người lắc lư như "đắc khí" vậy. Khi tôi hỏi: Chú là dược sĩ sao lại đi uống nước lã như thế này? Chú cười bảo rằng, giếng ở vườn quê này mát mẻ, không bị ô nhiễm nên cũng uống cho "hòa đồng" với mọi người. Với lại, lâu lâu trở về với thời tuổi thơ một chút cũng hay!

Còn bác trưởng đoàn thì cho biết: "Lúc trước tôi đi thường xuyên nhưng mấy tháng nay chỉ đi mỗi tuần 1 ngày thôi. Đi vì nhớ bạn bè và mua gà, vịt, rau củ dưới này ngon lắm cháu ạ. Hôm nay đi thì tôi đã gọi điện đặt mua trước rồi, đến đây chỉ việc trả tiền thôi. Ban đầu tôi xuống ở thường xuyên vì ông anh trai bị ung thư ở Hà Nội vào ở trọ chữa bệnh nên phải xuống ở cùng cho vui. Nhưng ông ấy đã mất được 3 tháng nay rồi nên, tôi không đi thường xuyên nữa. Khỏi hay không cũng là phúc phận của từng người cháu ạ".

Nguy cơ mắc bệnh từ uống nước lã trực tiếp

Chúng tôi lấy nước của khu vườn này gửi về Viện Pasteur TPHCM để làm xét nghiệm về lý hóa, vi sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Kết quả là nguồn nước đó cũng giống như những giếng khác ở các vùng quê của Việt Nam. Trong đó, chỉ tiêu pH thấp hơn giới hạn cho phép theo TCVN 01:2009/BYT.

BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TPHCM cho biết, nguồn nước có độ pH thấp là có tính axit, nấu nước bằng nồi nhôm, đồng sẽ bị thôi nhiễm. “Không nên uống nước chưa qua xử lý (nước lã, nước mưa...) sẽ dễ mắc bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, nước có tính axit cao lại càng không nên”, BS Mai khuyên.
 
Kết quả xét nghiệm nước của Viện Pastuer TPHCM.
Kết quả xét nghiệm nước của Viện Pastuer TPHCM.

"Sở Y tế tỉnh Long An sẽ cho đoàn kiểm tra xuống hiện trường lấy mẫu nước để xét nghiệm và chấn chỉnh ngay việc này. Nếu người dân đến khu vườn nghỉ ngơi, nói chuyện, tập thể dục thì chúng tôi không có ý kiến, nhưng đến lấy nước giếng chữa bệnh thì không nên. Quyền lựa chọn phương cách chữa bệnh là của họ nhưng chuyện cho trẻ con uống nước lã, nhỏ mắt, mũi chữa bệnh là việc làm phản khoa học cần phải can thiệp. Ở Long An cơ quan chức năng đã khảo sát khu vực cả huyện Đức Hòa, nguồn nước không có gì đặc biệt".
BS Lê Thanh Liêm (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An)

Nhóm PV

Bình luận(0)