Những ngôi nhà tưởng chừng đơn giản, vậy nhưng nó đã khiến các nhà nghiên cứu văn hóa tốn rất nhiều công sức truy tìm lời giải cho câu hỏi. Tại sao ngôi nhà của cư dân miền núi Ê Đê lại mang những đặc trưng của cư dân miền sông nước?
Chạm vào "mật mã" Tây Nguyên
Chúng tôi men theo những con đường quanh co, lắt léo chạy dọc theo những bản làng Tây Nguyên đi tìm ngôi nhà dài của người Ê Đê. Ngôi nhà được coi là một trong những biểu tượng đáng tự hào của người dân nơi đây.
Theo một cán bộ văn hóa tỉnh Gia Lai thì cách đây khoảng 10 năm, nhà dài của người Ê Đê còn rất nhiều. Do sự tiếp biến văn hóa, cộng với "sức đề kháng" văn hóa có phần yếu ớt, nên người Ê Đê giờ ít làm nhà dài. Thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố, những ngôi nhà cao 3 - 4 tầng. Cái sự mất mát về văn hóa ấy diễn ra quá nhanh, khiến cho các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa choáng váng rồi vội vã khôi phục lại ngôi nhà truyền thống ở một số trung tâm văn hóa từ cấp thôn cho đến Trung ương làm biểu tượng, để con cháu sau này biết đến hình ảnh nhà dài Ê Đê.
Một minh chứng khác cho sự mai một nhanh chóng ngôi nhà truyền thống nơi đây, đó là số nghệ nhân biết làm làm nhà dài, đục đẽo tượng hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Những người này tuổi cao, sức yếu, sống trong những buôn làng heo hút. Mấy năm gần đây, các bảo tàng từ Nam chí Bắc về săn lùng họ rồi mời lên thành phố đẽo tượng, lợp nhà để làm vật trưng bày, có người bỗng thành "sao làng" vì lên thành phố đến mấy tháng không về.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến Buôn Buôr, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông "mục sở thị" những ngôi nhà dài trên 100 năm tuổi với đầy đủ những nét kiến trúc, văn hóa nguyên thủy của cư dân Ê Đê. Buôn Buôr nằm ẩn mình bên dòng sông Sêrêpốk với những ngôi nhà dài từ 20 - 30m, thậm chí có nhà dài tới trên 100m... Nhìn vào ngôi nhà của người Ê Đê có thể đoán biết được mức độ giầu có, anh em con cháu đông đến mức nào.
Bởi theo truyền thống của người Ê Đê, nếu con cái lập gia đình thì ngôi nhà sẽ được nới thêm ra một gian để có thêm chỗ ở. Khi bố, mẹ mất, người con cả của gia đình sẽ phải chuyển vào gian nhà mà trước đây bố, mẹ đã từng ở để quán xuyến, làm chủ gia đình. Cứ theo nguyên tắc đó, gia đình nào càng đông con cháu, càng nhiều thế hệ thì nhà càng dài, biểu trưng cho sức mạnh gia tộc trong buôn, làng. Gian giữa của ngôi nhà được bày những chiếc ghế kpan hình thuyền, chiếc ghế này thường dùng vào dịp đại sự của gia đình hoặc dùng cho đội đánh cồng chiêng ngồi trong ngày lễ, Tết.
|
Một ngôi nhà dài của người Ê Đê ở Đăk Lăk. |
Tranh luận quanh nhà dài
Theo các nhà văn hóa thì có thể nói ngôi nhà dài của người Ê Đê là một sự kỳ lạ, bởi nó mang đầy đủ đặc điểm một ngôi nhà của cư dân miền ven biển. Đây cũng là điều thú vị thôi thúc các nhà nghiên cứu văn hóa đi tìm lời giải.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Khoa Báo chí Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội giải thích: "Việt Nam nằm trong khu vực căn cơ về văn hóa nông nghiệp, có liên quan đến cư dân miền biển. Đồng thời cũng có sự giao lưu về văn hóa vùng, miền. Vì vậy, đương nhiên là nó có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Những biểu tượng hình thuyền trong ngôi nhà của người Ê Đê có thể là hình thuyền, nhưng cũng có thể là biểu tượng nào đó của Tây Nguyên khi nó pha trộn, gặp gỡ với biểu tượng văn hóa khác, nhưng cũng có thể nó là biểu tượng riêng của người Tây Nguyên".
Tây Nguyên là 1 trong 6 vùng văn hóa (theo sự phân chia của cố GS Trần Quốc Vượng), mỗi vùng này đều có đặc sản văn hóa riêng, nhưng cũng có chỗ chồng lấn với các vùng văn hóa khác. Ngoài ra, Việt Nam cũng là đất nước có đường bờ biển dài, nên nỗi ám ảnh của con người trước cuộc sống hằng ngày như mò cua, bắt cá, thiên tai... vẫn lan tỏa và tồn tại cho đến ngày nay".
|
Chiếc ghế kpan cùng với mái nhà hình thuyền tạo nên biểu tượng văn hóa của người Ê Đê. |
Nói về biểu tượng mái nhà, ghế kpan hình thuyền, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết: "Biểu tượng hình thuyền thiên về tính thủy, tượng trưng cho người mẹ (kính mẫu), thể hiện sự bao dung, khả năng sinh sôi nảy nở và phát triển. Hình ảnh này là biểu tượng của sự hỗn dung văn hóa, bởi vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, trước đây, phương tiện đi lại của cư dân phía nam chủ yếu là thuyền, bè... do đó, những hình ảnh này ăn sâu vào tiềm thức người dân và được họ "khúc xạ" lại thông qua những hình ảnh mang tính biểu tượng trên ngôi nhà".
Theo lý giải của GS Trần Ngọc Thêm trong tác phẩm "Cơ sở Văn hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, 2008, tr 26, 27" thì người Ê Đê, Giarai, Chăm... có nguồn gốc từ chủng Indonesien (Đông Nam Á hải đảo), trong quá trình thiên di của chủng người này thì có một tộc người sống ở phía Nam dãy Trường Sơn của Việt Nam ngày nay không hòa vào dòng chảy di cư nữa, họ sống biệt lập so với những tộc người khác. Chính cuộc sống biệt lập này đã giúp họ lưu giữ nhiều hơn những đặc điểm truyền thống cổ gần gũi với văn hóa của nhóm Đông Nam Á hải đảo, biểu tượng của việc này đó chính là mái nhà, ghế kpan hình thuyền của người Ê Đê.
"Hiện ở Buôn Buôr vẫn làm nhà theo lối truyền thống của người Ê Đê. Đó là mái nhà, ghế kpan hình thuyền... giống như cha ông bao đời đã làm. Chúng tôi không biết nó biểu trưng cho cái gì, chỉ thấy cha anh làm thế nào mình làm như thế. Hiện toàn Buôn Buôr có gần 100 ngôi nhà dài từ lớn chí bé, trong đó có nhà dài hơn 100m với mấy bộ ghế kpan dài hàng chục mét, ngang 1,5m thuộc hàng cổ nhất ở Tây Nguyên".
Ông Yba Êban (Trưởng Buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut)