Người dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa nước. Chính vì thế đời sống của họ cũng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hoàn cảnh éo le nhất có lẽ phải kể đến câu chuyện của bà Hoàng Thị So (70 tuổi) dân tộc Tày, hiện đang sinh sống tại thôn 10, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, Yên Bái.
|
Cụ So năm nay đã 70 tuổi. |
Men theo con đường mòn nhiều đất đá, trời mưa đường trơn trượt dễ ngã, PV Báo Người Đưa Tin được những người dân ở đây chỉ cho căn nhà mà bà So đang ở. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà tranh lợp cọ, phên vách được đan tạm từ những cây nứa chỗ kín, chỗ hở nằm um tùm dưới chân đồi toàn cây cối. Nhiều người dân ở đây không gọi nhà bà So đang ở là nhà mà gọi là “túp lều”.
Khi chúng tôi đến là lúc bà đang tranh thủ cho mấy chú gà con ăn. Bà So cho biết bà già rồi không làm được gì nên nuôi mấy con gà cho đỡ buồn.
Căn nhà mà bà đang ở nền đã được láng tạm bê tông. Trong căn nhà ấy chỉ kê đủ một chiếc giường và bộ bàn ghế nhựa vừa được chính quyền xã tặng.
|
Căn nhà chỉ kê đủ một chiếc giường. |
Trò chuyện với PV, Bà So cho biết bà là người gốc ở Minh Xuân. Hồi còn thanh niên bà đi làm dân công, làm đường ở các xã trong huyện.
Sau đó bà quen một người đàn ông ở xã khác. Bố mẹ bà cũng quyết định cho bà về nhà người đàn ông đó làm dâu. Nhưng làm dâu chưa được một tuần, bà đã bị chồng đuổi về quê ngoại với lý do không còn yêu, còn thích nữa.
Ban đầu bà không chịu, nhưng hàng ngày nghe những lời mắng chửi thậm tệ bà không thể chịu đựng nổi nữa. Bao nhiêu cay đắng, tủi nhục bà nuốt vào trong lòng và đành khăn gói về quê nhà. Kể từ đó cho đến nay bà sống một mình và không có ý định đi bước nữa.
Nhà bà So cũng có nhiều các anh chị em nhưng vì ai cũng làm nông và ai cũng phải lo cho gia đình riêng nên không giúp bà được nhiều. Trước kia bà sống một mình trong một căn nhà rách nát hơn bây giờ rất nhiều. Song nhờ có sự hỗ trợ của UBND xã nên bà cũng được trợ cấp 400 ngàn/tháng. Vật dụng trong nhà cũng được trợ cấp và thuộc diện hộ nghèo.
Thấy chúng tôi đến, người em trai cùng mẹ khác cha của bà So là ông Trịnh Công Lý (sinh năm 1960) nhà cũng ở gần đó khóc rưng rức. Ông cho biết bản thân ông vô cùng cảm động khi có ai đó đến thăm hỏi, động viên hoàn cảnh của chị gái ông.
“Là em trai nhưng gia đình tôi cũng không có điều kiện lo được cho chị nên thương chị lắm. Giờ già yếu không có con cái gì đêm hôm chị nằm một mình trong căn nhà vắng thấy lòng xót xa”, ông Lý nói.
Hàng ngày, bà So chỉ quanh quẩn ở nhà. Bà nói: “Tôi già yếu rồi không sống được bao lâu nữa nên không làm được gì nhiều, chỉ ở nhà chăm mấy con gà, đất thì cũng không có”.
|
Căn nhà tranh đơn sơ của cụ So vừa được sửa sang lại. |
Nói đến đây bà nghẹn lại. Bởi mảnh đất mà bà đang ở cũng không phải của bà So. Đây là đất mà anh em cho bà mượn tạm để sinh sống.
|
Chỗ giường ngủ của bà phên vách vẫn có chỗ kín, chỗ hở. |
Nhìn phên vách chỗ kín chỗ hở, chúng tôi buột miệng hỏi liệu mùa đông đến có sợ bị lạnh không, thì bà So vô tư trả lời: “Chắc không sao đâu vì mùa đông chưa đến mà”.
Cũng có đôi lúc bà cảm thấy cô đơn, tủi thân vì không có con cái bên cạnh. Thi thoảng ý nghĩ tìm một người bạn đời để bầu bạn ngày đêm cũng lóe lên trong đầu bà nhưng lại vội tắt ngay sau đó bởi bà nói rằng bà đã già rồi nên ở vậy cho xong.
Mong ước lớn nhất của bà lúc này là làm sao có được một căn nhà mang tên bà, khi mưa hay gió mùa về không bị lùa vào nhà để bà được an tâm sống nốt quãng đời còn lại.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):