Bắc Giang: Bé 10 tháng tuổi giằng co với rắn lục

Google News

Nghe tiếng kêu của cậu con trai 10 tháng tuổi, chị Lan ngẩng đầu nhìn lên thì thấy bé cố giằng con rắn lục đang ngậm chặt vào ngón trỏ phải.

Nghe tiếng kêu của cậu con trai 10 tháng tuổi, chị Lan (Lạng Giang, Bắc Giang) ngẩng đầu nhìn lên thì thấy bé cố giằng con rắn lục đang ngậm chặt vào ngón trỏ phải.

Tai nạn xảy ra vào cuối tháng 8. Nhà chị Lan ở cạnh rừng. Hôm đó, chị đặt con vào xe tròn tập đi, buộc xe vào gốc cây, cạnh đấy có bồn hoa, bé hay thò tay vào nghịch. Chị đang lúi húi mang gạo ra ngoài giếng để vo thì thấy nghe tiếng khóc thét của con. Ngẩng đầu nhìn lên, chị vô cùng hoảng hốt khi thấy một con rắn lục to bằng ngón tay cái đang cắn vào ngón tay phải của bé.

"Bé dùng tay trái kéo con rắn nhưng không được, thấy thế tôi chạy vội đến kéo mạnh con rắn, toạc cả da của con. Sau đó, tôi cố cầm máu, rồi chuyển con đến Bệnh viện tỉnh Bắc Giang cấp cứu", chị Lan kể lại.

 Sau 10 ngày điều trị do bị rắn lục cắn, hiện sức khỏe bé Sang đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Sau 10 ngày điều trị do bị rắn lục cắn, hiện sức khỏe bé Sang đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Tại bệnh viện tỉnh, bé Sang, con chị Lan được chẩn đoán rối loạn đông máu do bị rắn lục cắn. Cháu được truyền dịch, kháng sinh, truyền 150 ml máu nhưng máu vẫn rỉ ra ở vết cắn khiến bé thiếu máu nặng. Bé được chuyển tiếp lên khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, bé Sang nhập viện trong tình trạng xuất huyết nhiều trên da, tím bầm đặc biệt ở những chỗ tiêm chọc lấy máu, vết cắn lớn. Bệnh nhân thiếu máu nặng, lượng hồng cầu chỉ có 2,4 triệu trong khi bình thường phải là 4,5 triệu, hemoglobin cũng giảm xuống thấp.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến máu chảy liên tục là vì tỷ lệ chất đông máu giảm xuống chỉ còn 11%, trong khi bình thường phải là 80% trở lên. Bên cạnh đó, lượng fibrinogen (chất liệu chính của cục máu đông) giảm xuống rất thấp, dưới 1 g, trong khi bình thường là 2-4 g trên một lít. Đến ngày thứ hai, lượng chất này tiếp tục giảm xuống dưới 0,5 dù trước đó bé đã được truyền 250 ml máu.

Theo phó giáo sư Dũng, bé vẫn tiềm ẩn nguy cơ chảy máu. Trẻ đến viện muộn, đã vào ngày thứ năm sau khi bị rắn cắn nên không dùng được huyết thanh kháng nọc rắn lục. "Vũ khí" cuối cùng là huyết tương tươi đông lạnh, cung cấp các yếu tố tạo đông máu. Và cũng phải truyền đến 2 lần, cộng thêm truyền dịch để thải bớt chất độc, kháng sinh, vitamin K... sức khỏe cháu bé mới bắt đầu khá lên.

"Rắn lục cắn xét về độ nguy hiểm thì không độc bằng rắn cạp nong, cạp nia - vốn gây suy hô hấp ngay lập tức. Độc tố của nó tập trung chủ yếu ở hệ đông máu, làm máu không đông được, chảy máu nhiều. Điều chúng tôi sợ nhất là chảy máu trong não, tim, phổi, rất may đã không xảy ra", phó giáo sư Dũng cho biết thêm.

Bé Sang bị nhiễm trùng nên sốt, bạch cầu tăng cao. Đến nay, sau 6 ngày điều trị, sức khỏe cháu đã ổn định nhưng vẫn được theo dõi, điều trị tiếp để đưa các chỉ số xét nghiệm về bình thường. Vài ngày nữa bệnh nhi có thể xuất viện.

Rắn độc cắn là tai nạn hay gặp (đặc biệt ở nông thôn và miền núi) gây nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế. Để hạn chế chất độc, ngay sau khi bị rắn cắn, nạn nhân nên nặn hút máu chỗ vừa bị cắn rồi cố định chi bị cắn bằng băng ép vừa chặt. Cách này không áp dụng cho rắn lục cắn vì sẽ làm tăng thêm nguy hiểm, do nọc gây hoại tử tại chỗ.

Ngay sau đó, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, tốt nhất là những nơi có chuyên môn chống độc, không nên tự tìm cách giải độc theo kinh nghiệm dân gian. Nơi bị rắn cắn phải được tránh cử động tuyệt đối để không làm tăng sự hấp thụ nọc. Nếu rắn đã bị giết chết có thể mang theo bệnh nhân để nhận diện.

(Theo Tin Nhanh Việt Nam)

[links()]

Bình luận(0)