Điều đáng nói là người dân vẫn chưa biết cách phòng tránh tình trạng rò chập đường dây điện.
Ngắt điện chờ nước rút
TS Nguyễn Phan Kiên, Viện Điện tử Y sinh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, đối với những người không có nhiều sự hiểu biết về điện thì việc phát hiện đường điện bị chập, rò là điều rất khó, nhất là đối với đường điện đi ngầm trong tường. Lý do là bởi chỉ khi rò nặng mới gây giật điện, còn rò nhẹ lại không biểu lộ rõ nên khó phát hiện. Tuy nhiên, việc rò điện nhẹ cũng gây hao tổn điện năng tiêu thụ trong gia đình do bị thất thoát.
Điều đáng nói, nguy cơ bị rò, chập điện nhất là đối với đường điện đi ngầm trong tường vào mùa mưa rất cao, bởi tường bị ẩm ngấm vào đường dây điện, nhất là những đường dây sử dụng lâu năm, dẫn đến rò, chập điện. Ngoài ra, khi bị ngâm trong nước lâu thì những đầu nối cũng là một mối nguy hiểm vì chúng dễ bị dính nước.
Chống ẩm cho tường
Ngay cả sau khi nước rút, tường nhà vẫn còn ẩm ướt, khi đóng điện trở lại dễ có nguy cơ gây chập, rò điện do dây điện trong tường bị dính ẩm lâu ngày. Vì thế, người dân sau những ngày mưa, ngập cần kiểm tra chắc chắn những chỗ tường chôn dây điện phải khô ráo, không rò điện mới sử dụng các thiết bị điện để đề phòng chập điện, cháy nổ. Có thể kiểm tra bằng bút thử điện dò lên khắp mảng tường đi theo đường dây, nếu bút đỏ ở đâu phải đánh dấu lại để kiểm tra, sấy khô tường hoặc nặng hơn phải gọi thợ xử lý.
Nhiều gia đình khi phát hiện rò điện thì chỉ tính đến phương án sửa chữa chỗ bị rò, chập mà không tính đến phương án chống ẩm cho tường, trong khi đây mới chính là nguyên nhân chính gây ra rò rỉ điện. Khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ điện, nhất là vào mùa mưa, ngoài việc kiểm tra sửa chữa đường điện cần phải để ý kỹ xem chỗ đó có bị ẩm, ngấm hay không. Biện pháp nhanh nhất và có tính tình thế là ngắt nguồn điện tại chỗ, dùng máy sấy tóc, quạt để “hong” khô đoạn tường đó, nhưng về lâu về dài nên chống ẩm cho tường một cách tuyệt đối.
|
Hiện trường một vụ tai nạn điện xảy ra trên phố Trương Định, Hà Nội năm 2010. |
“Ngầm” phải đúng quy trình
TS Nguyễn Phan Kiên cho biết, hiện nay trong thiết kế đường dây điện cho hộ gia đình có hai cách là đi nổi và đi chìm. Dây điện đi chìm có ưu điểm thẩm mỹ, nhưng lại gây khó khăn khi phải kiểm tra, sửa chữa, nhất là sau nhiều năm sử dụng nguy cơ hỏng hóc rất lớn. Lúc đấy việc sửa chữa sẽ rất khó khăn vì thực tế sẽ không biết là chúng hỏng ở đâu, ở đoạn nào, hơn thế, khi phát hiện, muốn sửa chữa thì phải đục tường. Trong khi đó, việc mắc dây điện nổi rất gọn gàng và hiện nay đường dây cùng các phụ kiện đi kèm được thiết kế đẹp, lại dễ kiểm tra, sửa chữa, hoặc khi muốn thay đổi thiết kế (mắc thêm hoặc gỡ đi) cũng rất dễ dàng.
TS Nguyễn Phan Kiên cho hay, thông thường đối với đường điện đi chìm, đường dây phải được đặt trong một ống bảo vệ, khi có vấn đề xảy ra, thì chỉ cần gỡ phần vỏ (ống) bảo vệ rồi thay thế, sửa chữa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người ta chỉ đục tường sau đó “tống” thẳng dây điện vào. Điều này khiến cho khi bị rò rỉ sẽ gây nguy cơ cao. Vì vậy, khi mắc chìm đường điện cần đảm bảo mắc đúng quy trình và thường xuyên kiểm tra để tránh hiện tượng rò rỉ mà không biết.
Quy tắc “thiết kế trên cao”
KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm cho hay, người dân ở các vùng thường xuyên có bão lũ, ngập úng nên tuân thủ quy tắc “thiết kế trên cao” đối với mạng điện gia đình, nghĩa là có một cầu dao tổng cho toàn bộ mạng điện và lắp ở trên cao, cao hơn mực nước cao nhất có thể ngập tới. Khi có nước tràn vào nhà, việc đầu tiên là ngắt cầu dao này để cắt hẳn khỏi lưới điện. Đường điện đi ngầm trong tường và các ổ cắm điện cũng đều phải ở trên cao, không được đặt ở vị trí thấp có thể bị ngập khi mưa lớn. Các mối nối dây điện cũng cần chú ý nối từ trên cao sau đó dong xuống thấp để giảm thiểu các nguy cơ rò điện từ mối nối khi có nước ngập.
Theo TS Nguyễn Phan Kiên, với vùng hay bị ngập úng, khi bắt đầu mùa mưa, nên nhờ một người có sự hiểu biết nhất định kiểm tra lại toàn bộ đường điện xem có bị chập, rò ở đâu. Một cách khác phát hiện rò rỉ điện là để ý hóa đơn tiền điện, nếu hóa đơn bất ngờ tăng nhanh thì khả năng rò rỉ điện là rất cao bởi khi điện bị thất thoát lớn, công tơ điện sẽ “chạy như ngựa”. Khi gặp những trường hợp này cần phải tiến hành kiểm tra ngay.