1.250 tấn gà dai nhập từ Hàn Quốc

Google News

Hiện nay, có 6 nhà máy của Hàn Quốc đăng ký xuất khẩu sản phẩm qua Việt Nam với loại gà nguyên con...

Số lượng gà này nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam từ đầu năm tới nay, và cơ quan chức năng khẳng định tất cả đều được kiểm duyệt, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế quy định.


Sau khi xuất hiện thông tin gà nhập từ Hàn Quốc đã hết giá trị dinh dưỡng, chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc, cùng với việc các siêu thị ngừng bán loại gà này, Công ty nhập khẩu Hoàng Long Phát (đơn vị phân phối sản phẩm) hôm nay đã chủ động gửi mẫu gà của mình cho cơ quan chức năng để kiểm nghiệm chất lượng. "Dự kiến kết quả sẽ có trong vài ngày tới", đại diện đơn vị này cho biết.

v
Cơ quan chức năng cho biết đã kiểm duyệt kỹ loại gà dai nhập từ Hàn Quốc.

Về quy trình kiểm duyệt thịt gà Hàn Quốc nhập vào Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước khi muốn nhập hàng thực phẩm vào Việt Nam thì các nhà máy của Hàn Quốc phải ký với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn của Việt Nam các tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và nhiều tiêu chuẩn khác.

Theo đó, tiêu chuẩn gà nhập vào Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu như không bị các dịch cúm gia cầm, các bệnh khác (nằm trong vùng nuôi gà với khoảng thời gian một năm). Ngoài ra, thực phẩm đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Và đây là những tiêu chuẩn mà hai nước yêu cầu bắt buộc.

Hiện nay, có 6 nhà máy của Hàn Quốc đăng ký xuất khẩu sản phẩm qua Việt Nam với loại gà nguyên con gồm cả gà thịt hoặc gà đẻ loại. "Việc này cũng tương tự như trường hợp Việt Nam muốn xuất khẩu tôm, cá hay bất kỳ sản phẩm đông lạnh nào sang các nước khác phải đăng ký các tiêu chuẩn với nước đó", ông Bình nói.

Khi sản phẩm về đến Việt Nam còn phải đáp ứng đủ các yếu cầu như hồ sơ mua bán, giấy kiểm dịch bên Hàn Quốc và ghi đầy đủ các tiêu chuẩn mà Việt Nam yêu cầu. Hàng về đến cảng Việt Nam sẽ tiếp tục được cơ quan thú y kiểm tra lại.

Ông Bình cho biết, từ năm 2010 tới nay, tất cả sản phẩm nhập khẩu đông lạnh đều để ngoài cảng cho hải quan quản lý. Sau khi lấy mẫu kiểm tra theo các chuẩn quy định của Bộ Y tế về thực phẩm Việt Nam, nếu đáp ứng mới cho nhập vào, còn không sẽ phải tái xuất. Việc kiểm tra trải qua nhiều khâu như bằng cảm quan, tức nấu chín để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn theo quy định cho phép. Thứ hai là kiểm tra 6 chỉ tiêu về vi khuẩn và phải đảm bảo tiêu chuẩn do Việt Nam quy định.

"Khi đạt các điều kiện đó rồi thì mới cấp giấy kiểm dịch và cho thông quan. Sau đó các sản phẩm này mới được nhập vào Việt Nam và cho lưu hành trên thị trường", ông Bình nói.

Trước những nghi ngại của giới chuyên gia về khả năng vẫn còn tồn dư kháng sinh trong thịt gà nhập từ Hàn Quốc, ông Bình khẳng định, các sản phẩm thịt của các nước nhập vào Việt Nam (không riêng thịt gà của Hàn Quốc) đều được kiểm tra kỹ về các chất tồn dư này. "Chúng tôi đã kiểm tra và đảm bảo các sản phẩm này không có chất tồn dư kháng sinh, kim loại nặng hay thuốc trừ sâu... ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Kết quả kiểm nghiệm đều được báo cáo lên Cục Thú ý", ông Bình nhấn mạnh.

Riêng về lo ngại giá trị dinh dưỡng không đảm bảo như nhiều chuyên gia phân tích, ông Bình cho biết, đến thời điểm này, Bộ Y tế chỉ đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. "Còn các giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm nhập khẩu trước giờ chưa có cơ quan nào quy định cụ thể", ông nói. Do đó, những quan điểm cho rằng gà nhập này không đảm bảo giá trị dinh dưỡng có thể chỉ dựa vào cảm tính chủ quan.

Ông Bình thông tin thêm, số gà từ Hàn Quốc nhập vào Việt Nam từ đầu năm đến nay khoảng 1.250 tấn, nghĩa là mỗi tháng khoảng 100 tấn. Bình quân mỗi con khoảng 1,5 kg, tức mỗi tháng nhập khoảng 60.000 con, trong khi ở TP HCM tiêu thụ một ngày trên 150.000 con gia cầm bình thường.

Đại diện Cục chăn nuôi cũng xác nhận, từ trước đến nay Việt Nam chưa từng nhập loại gà nào về làm thức ăn cho gia súc.

Tương tự, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam chưa nhập gà nguyên con hay đùi gà, cánh gà về để chế biến thành thức ăn cho gia súc.

"Gà già (gà dai) nói trên là giống nuôi với mục tiêu lấy trứng chứ không phải lấy thịt. Sau khi nuôi khoảng 550 ngày tuổi lấy khoảng 300 trứng thì gà sẽ bị loại thải", ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam phân tích.

"Gà công nghiệp trong nước nuôi 38 ngày là chúng ta lấy ăn thịt, gà thả vườn là 56 ngày, khi ăn gà chất lượng thì khả năng tiêu hóa lên đến 85%, còn gà già thì chỉ còn 55-60%", ông Vang nói.

Theo VNE
 
Bài đọc nhiều:

 

Bình luận(0)