Tự Long nói về sự cố Copy&Bơm vá: Tốt hưởng, xấu chịu

Google News

Bản thân anh khi thực hiện cũng thấy "lăn tăn" nhưng không phải lúc nào những góp ý của diễn viên cũng đồng thuận với êkip.

Diễn viên Tự Long - người đảm nhận nhân vật Phô cũng thừa nhận tiểu phẩm có một số câu từ hơi nghịch nhĩ.
Nghệ sĩ Tự Long
Nghệ sĩ Tự Long
Những hạt sạn trong tiểu phẩm Copy&Bơm vá, diễn viên Tự Long- người đảm nhận nhân vật Phô cũng thừa nhận tiểu phẩm có một số câu từ hơi nghịch nhĩ. Bản thân anh khi thực hiện cũng thấy “lăn tăn” nhưng không phải lúc nào những góp ý của diễn viên cũng đồng thuận với êkip.
 
Khó tránh khỏi “sạn”
 
Trong tiểu phẩm Copy&Bơm vá ở số 92 của anh và nghệ sĩ Trần Hạnh có sử dụng lặp lại những câu từ không được đẹp. Là một diễn viên trong tiểu phẩm đó, anh nhìn nhận thế nào?
 
- Một chương trình được phát sóng bao giờ cũng được kiểm duyệt qua rất nhiều khâu như đạo diễn, biên tập, kiểm duyệt… Tuy nhiên, là một chương trình giải trí thì cũng khó tránh khỏi những hạt sạn. Cũng có khi do tính cấp thiết của chương trình cần phải làm nhanh nên có những từ hơi khó nghe. Các phương tiện truyền thông khi góp ý cũng nên nhìn nhận mang tính xây dựng. Còn những người làm chương trình thì cũng rút kinh nghiệm, chỉnh sửa để phù hợp với công chúng hơn.
 
Nhưng một sản phẩm dở thì người bị ảnh hưởng đầu tiên bao giờ cũng là diễn viên. Vậy khi chuyển tải kịch bản, anh có góp ý với đạo diễn không?
 
- Đương nhiên là có vì khi một sản phẩm được diễn thì khán giả đâu cần biết đằng sau anh là những ai, do đạo diễn nào chỉ đạo… Người ta chỉ biết cái mặt anh chường ra, anh thốt ra những từ đó thì người ta cứ “túm” anh để phê phán cái đã. Tốt thì mình hưởng, xấu thì chìa mặt ra mà chịu. 
Riêng với tiểu phẩm đó, tôi vẫn chưa xem lại nhưng thực ra lúc làm tôi cũng thấy “lăn tăn” về những câu từ đó rồi. Nếu chưa được khán giả khen là miếng bánh ngon thì chúng ta phải chấp nhận thôi, phải tiếp thu một cách cầu thị để chương trình được tốt hơn.
 
Nghĩa là theo anh, một chương trình chưa tốt là do đạo diễn?
 
- Cũng không hẳn đâu. Bất cứ một chương trình nào cũng đều có đóng góp, trách nhiệm của tập thể. Cái tôi muốn chia sẻ ở đây là khán giả không nên chỉ quy kết cho diễn viên, bởi không phải lúc nào những đóng góp của họ cũng thuyết phục được êkip. Có khi mình bảo bỏ, họ lại nói “tôi phải nghĩ bao nhiêu ngày mới ra được kịch bản, tại sao anh lại cắt đi của tôi; ở ngoài người ta nói đầy ra đấy, sao mình lại né tránh…”. Trên thực tế, đạo diễn, biên kịch chỉ là người đưa ra cách nhìn, còn diễn viên lại diễn bằng cảm nhận riêng của họ, thành ra đôi khi có sự vênh nhau.
 
Từ nhiều đạo diễn rút xuống còn một đạo diễn
 
Anh có cho rằng, lý do để Thư giãn cuối tuần không còn được hấp dẫn như những ngày đầu là do vấn đề kịch bản đang thiếu?
 
- Thiếu kịch bản là “vấn nạn” của nhiều lĩnh vực nghệ thuật chứ không riêng gì Thư giãn cuối tuần. Và trên thực tế là chương trình đang trong tình trạng giống như ăn đong. Hiện, tiểu phẩm Copy&Bơm vá được quay 2 số/ngày. Sản phẩm khi làm nhanh thì khó có thể mang lại chất lượng tốt. Hơn nữa nó còn có nguyên nhân khác là do sự phân bổ trong Đài. Trước đây nhiều đạo diễn cùng làm. Mỗi người một hai số, theo một gu khác nhau nên chương trình được đổi món liên tục, có nhiều màu sắc. Nhưng giờ dồn lại cho mình đạo diễn Đỗ Minh Tuấn làm nên cũng có những hạn chế nhất định. Nếu khán giả không quá kỳ vọng nó phải nói lên những vấn đề thời sự mà chỉ nhìn nhận là vấn đề giải trí thôi thì sẽ nhẹ nhàng hơn…
 
Với những tồn tại như anh vừa nói, anh có nghĩ một lúc nào đó sẽ nhường nhân vật Phô lại cho người khác không?
 
- Đó là chuyện đương nhiên, khi mà một món ăn đến mình còn ngán thì khán giả nuốt sao được. Nếu có dừng lại thì đó cũng là hệ quả tất yếu của cuộc sống thôi. Sống mà không đúng tầm, cứ lay lắt thì có lẽ mình cũng không nên theo đuổi nó làm gì. Hiện nay chương trình đang có rất nhiều sự thay đổi về kịch bản, format để tìm đường hướng mới nên rất cần sự góp ý của công chúng để ngày càng hoàn thiện hơn.

Mấy số gần đây do đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đảm nhiệm nên nhân vật Phô cũng có thay đổi khác với một ông cán bộ về hưu chuẩn mực trước đó. Phô bắt đầu thâm nhập vào đời sống xã hội để hiểu hơn về lớp trẻ như đi nhảy đầm, “cứu net”… Tức là một nhân vật Phô biến chất nhưng không mất chất. Những thay đổi này đều xuất phát từ sự cầu thị của êkip và mong muốn làm đẹp lòng khán giả hơn.
 
- Xin cảm ơn nghệ sĩ Tự Long!
(Theo GĐXH)
[links()]

Bình luận(0)