Một độc giả đã gửi đến báo Một Thế giới lá thư ngỏ cho đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, người đang làm bộ phim 10 tỷ về cuộc đời Ngọc Trinh, do chính cô bỏ tiền. Dưới đây là toàn văn bức thư:
Thưa đạo diễn Vũ Ngọc Đãng
Xin giới thiệu, tôi là một người hâm mộ anh và những nhân vật nữ chính trong phim anh. Tôi đã xem hầu như không sót phim nào, từ 'Chuột" mười mấy năm trước, tới "Những cô gái chân dài" trẻ trung, "Tuyết nhiệt đới" lãng mạn, rồi "Bỗng dưng muốn khóc" trong sáng, "Ngôi nhà hạnh phúc" hài hước, "Hotboy nổi loạn" đầy bi kịch… Phim anh gây ấn tượng với tôi bởi những nhân vật nữ chính, mỗi người mỗi vẻ, nhưng có điểm chung là có cá tính mạnh mẽ, tâm hồn thiện lương, nhân hậu, trong sáng mà dù trong nghịch cảnh vẫn vươn lên mạnh mẽ. Đa số được làm một cách nhẹ nhàng, duyên dáng, cứ xoay quanh những con người, hoàn cảnh, số phận rất gần gũi trong cuộc sống hiện tại, không cần lên gân nhưng thông qua những hình tượng nhân vật nữ ấy người xem hoàn toàn cảm nhận được thông điệp nhân văn của bộ phim.
|
Ngọc Trinh, Vũ Ngọc Đãng |
Thú thực, lúc đọc tin anh nhận lời làm bộ phim về người mẫu nội y Ngọc Trinh do cô ấy bỏ tiền ra, tôi có chút ngạc nhiên và tò mò. Tôi hiểu, Ngọc Trinh có tiền để thuê người ta làm phim về mình là chuyện bình thường. Anh đồng ý nhận lời làm đạo diễn cho một dự án phim nào đó mà anh thấy thích, thấy phù hợp cũng là bình thường nốt. Và tôi cũng hiểu, với những nghệ sĩ có cá tính sáng tạo mạnh, thì nhu cầu được làm khác mình đi luôn thường trực trong họ. Khán giả đã quá quen với mô –tip các nhân vật nữ trong sáng, cá tính của anh rồi, giờ anh làm phim về một người mẫu vốn có nhiều xì-căng-đan, bị cho là không có não, nhưng ẩn sau đó là một cô gái “ngoan, thật thà, thú vị và thông minh kinh khủng” như chính anh nhận xét cũng là một thử thách nghề nghiệp thú vị đấy chứ.
Thế nhưng, trong lúc “choáng ngợp” bởi những phát hiện mới mẻ, hay ho về Ngọc Trinh (cách diễn tả của anh khi trả lời phỏng vấn báo chí về nhân vật khiến người ta có cảm giác đó), tôi tự hỏi liệu anh đã suy nghĩ kỹ về đề bài mà người bỏ tiền đặt ra cho anh chưa.
Anh từng cho biết, bạn trai của Ngọc Trinh (người cho cô ấy tiền để làm phim) khi đặt vấn đề với anh đã nói rõ: “Tôi muốn người yêu của tôi được mọi người tôn trọng”. Mục đích của bộ phim đã rõ: làm sao thì làm, sau khi xem phim xong người ta phải thấy tôn trọng Ngọc Trinh.
Thưa đạo diễn,
Theo tôi được biết, dạng phim về cuộc đời một nhân vật có thật được xếp vào thể loại “biopic” (phim tiểu sử). Phim biopic mà nhân vật chính lại do chính nhân vật ấy đóng gọi là “auto biopic” (phim tự thuật). Dù đạo diễn có thể đưa ra góc nhìn của mình để lý giải nhân vật dựa trên những dữ kiện về nhân vật đã được công chúng biết đến kết hợp với những thông tin bản thân đạo diễn thu thập được, nhưng chắc chắn rằng, với dạng phim này, yêu cầu của người xem về tính chân thực trong xây dựng nhân vật rất cao.
Hơn nữa, quan sát những nhân vật được chọn để làm phim tiểu sử trong phim Hollywood và nhiều nước, tôi thấy họ phải hội được ít nhất là 2 yếu tố sau: 1. Có sức ảnh hưởng lớn với cộng đồng. 2. Có những đóng góp đáng kể trong một lĩnh vực nào đó. Thiếu một trong 2 yếu tố trên, bộ phim có thể rơi vào thất bại vì: 1. Nhân vật không đủ sức hút để được người xem quan tâm. 2. Nhân vật không đủ tầm để được người xem quan tâm.
Anh Vũ Ngọc Đãng ạ, tôi nghĩ rằng mình nêu ra mớ lý thuyết nhặt nhạnh như trên trên sẽ là thừa thãi với dân trong nghề như anh. Nhưng thú thực, tôi thấy lo cho anh. Vì rõ ràng Ngọc Trinh của anh thiếu hẳn yếu tố thứ 2, dù rằng cô ấy có danh hiệu “nữ hoàng nội y” do ông bầu của cô ấy phong và giải “nữ hoàng nội y châu Á” đầy khả nghi kia.
Mà thôi, anh cũng có thể bảo, mọi lý thuyết đều màu xám. Vậy hãy xét về tính chân thực mà một bộ phim tự thuật như "Vòng eo 56" phải có nhé.
Qua những thổ lộ về bộ phim của anh, người xem hiểu rằng anh sẽ “kể được một câu chuyện mà ít ra là chứng minh được những phát ngôn dậy sóng của Ngọc Trinh (“không tiền cạp đất mà ăn”, “Yêu tôi tốn kém lắm”, “Tôi giỏi nhất là ngoan”) đều đúng, nhưng là đúng trong ý nghĩa nhân văn của nó”. Theo cá nhân tôi, quan điểm xử lý này phù hợp với đề bài và chấp nhận được, nó phù hợp với đề bài làm sao để người xem tôn trọng nhân vật nêu trên.
Thế nhưng, với thể loại biopic, tôi tin rằng anh khó có thể lảng tránh những dữ kiện xung quanh nhân vật được chính nhân vật công bố hoặc dư luận phát hiện gần đây. Ngọc Trinh ngoan, sao giờ lại thừa nhận cặp kè với người đàn ông đã có gia đình và xài tiền của người ấy trong nhiều năm? Ngọc Trinh chung thủy, và gọi cô gái đã “cướp” người yêu của cô là “yêu nhền nhện”, sao không nghĩ rằng mình cũng đang đánh cắp người đàn ông của một người phụ nữ khác? Ngọc Trinh “thông minh cực kỳ”, sao có thể diện đầm nhái đi dự sự kiện thời trang lớn ở Hàn Quốc và để người ta ấn vào tay mình cái cúp “Nữ hoàng bikini châu Á” tai tiếng?
Trên thế giới, những diễn viên ngôi sao bỏ tiền ra để được đóng vai chính trong một bộ phim “đo ni đóng giày” cho mình không hiếm. Nhưng có lẽ, chỉ ở Việt Nam mới có phong trào trai xinh gái đẹp bỏ tiền ra thuê đạo diễn làm phim về cuộc đời mình, một cuộc đời có rất nhiều yếu tố để công chúng “tám” nhưng lại rất ít yếu tố điện ảnh. Và anh cũng đang tham gia vào phong trào đó.
Vâng, tôi thấy lo cho anh, một đạo diễn mà tôi yêu mến. Tôi hình dung, nếu làm đúng thể loại biopic, thì bộ phim về Ngọc Trinh, với đa số đạo diễn, sẽ như miếng “kê lặc” (gân gà), bỏ đi thì tiếc, ăn vào thì vô vị. Một mặt, yêu cầu của thể loại buộc người làm phim phải tôn trọng sự thật về nhân vật. Một mặt, yêu cầu của người bỏ tiền buộc anh phải làm sao để nhân vật “được tôn trọng”.Với đầu đề của 10 tỉ đồng, phải xử lý thế nào đây? Và nhân vật nữ chính của anh sẽ mang lại thông điệp nào cho khán giả?
Sẽ có người gạt phắt đi, bảo: “Phim ảnh là để giải trí, thông điệp gì đó cho nó mệt đầu”.
Chính xác!
Nhưng nếu chỉ cần giải trí, thì riêng đọc tin tức về Ngọc Trinh hàng ngày tràn ngập trên các trang mạng cũng đủ thư giãn lắm rồi, chả cần phải làm phim và chả cần tới một đạo diễn có tài như Vũ Ngọc Đãng. Làm phim về Ngọc Trinh mà để lại những cảm xúc sâu lắng, những rung động hướng thiện, thì e là Vũ Ngọc Đãng sẽ phải tốn nhiều phấn son tô trát cho nhân vật của mình. Mà phấn son, thiết nghĩ, Ngọc Trinh cũng đã dư xài rồi…
Xin nói rõ, với tư cách một khán giả bình thường, tôi hoàn toàn không có ác cảm gì với Ngọc Trinh. Tôi còn hiểu, giữa một xã hội có nhiều cái “giả” được tôn vinh, thì sự “thật thà” “chân chất” đến ngây ngô của Ngọc Trinh được nhiều người ủng hộ có thể xem như một hình thức phản kháng với xã hội. Nhưng “cố” làm phim để “mọi người tôn trọng” liệu có dẫn tới việc tiếp tục tôn vinh những giá trị không thực?