Năm 2015 có thể được xem là năm mà các MV ca nhạc, clip giải trí qua các trang mạng, chủ yếu là YouTube, được đầu tư bài bản hơn; để tiếp tục cho năm 2016 các chương trình giải trí trên sân khấu, truyền hình dần lấn sang thế giới mạng.
Những năm trước, nhiều người khi nhắc đến MV (Music Video) phát hành qua các kênh nghe nhạc trực tuyến thường có suy nghĩ đó là những MV rẻ tiền, ít được đầu tư so với việc phát hành một đĩa nhạc. Suy nghĩ đó không sai với thị trường nhạc Việt nhiều năm trước nhưng năm 2015 chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của các MV triệu view.
|
Giải cứu tiểu thư là phim ca nhạc của Việt Nam có lượng xem cao nhất năm 2015 trên YouTube cho đến thời điểm này. Ảnh: POPS WORLDWIDE. |
MV bạc tỉ
MV của các ca sĩ được đầu tư bài bản, có câu chuyện để họ có thể tiếp nối sau MV bằng những dự án âm nhạc lớn. Gần nhất là việc ca sĩ Noo Phước Thịnh chi cả tỉ đồng để êkíp sang Maldives thực hiện MV Love in Maldives. Hay ca sĩ hiện tượng Sơn Tùng M-TP đã quyết đầu tư MV Âm thầm bên em như một câu chuyện nhưng quan trọng hơn MV này gây tò mò khán giả bằng hình thức live streaming (trực tuyến) qua kênh của Sơn Tùng M-TP trên YouTube. Không chỉ Noo hay Sơn Tùng mà hàng loạt ca sĩ đàn anh đàn chị lẫn ca sĩ trẻ đều bỏ bạc tỉ để đầu tư cho MV của mình như: Dạ khúc cho tình nhân của Đàm Vĩnh Hưng; Sẽ mãi bên nhau, What is love của Hồ Ngọc Hà; Vũ điệu cồng chiêng - Tóc Tiên; MV công nghệ 3D Xóa của Dương Triệu Vũ, Vẫn mãi yêu anh - Thủy Tiên; Love you, hate you - Hari Won…
Với số tiền tỉ, một ca sĩ có thể làm một liveshow nho nhỏ nhưng các ca sĩ này vẫn quyết đầu tư vào MV bởi sau MV là món lợi lớn hơn. Như sau khi MV Love in Maldives phát hành, cả ba ca khúc trong MV của Noo đều trở thành hit; qua MV Noo chứng minh được khả năng diễn xuất để có thể có những hợp đồng điện ảnh, quảng cáo dài hơi sau này. Hay Sơn Tùng M-TP tự đánh đấm trong MV Âm thầm bên em càng chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng của anh cho những dự án điện ảnh tiếp theo.
Những tưởng việc đầu tư MV bạc tỉ rồi phát hành qua mạng là cuộc chơi phí tiền hoặc có hiệu quả thì không phải hiệu quả thấy ngay được nhưng thực tế không phải vậy. Bên cạnh phần tiếp thị hình ảnh cá nhân thì nếu MV của các ca sĩ hay video clip phát hành trực tuyến có lượt view (người xem) cao thì họ sẽ tiếp tục một lần nữa hưởng lợi từ những hợp đồng quảng cáo.
Triệu view sẽ có tiền triệu
Đơn cử như mạng xã hội YouTube với ba đối tác tại Việt Nam là POPS Worldwide, Zing, Yeah1… được xem là đầu ra lớn nhất của các MV, video clip đang là nơi hái ra tiền cho nghệ sĩ. Các nghệ sĩ mọi lĩnh vực đều có kênh riêng trên YouTube thông qua các đối tác này. Mỗi MV, video clip họ thực hiện đạt một lượng người xem nhất định nào đó sẽ được YouTube ấn định quảng cáo, số tiền từ quảng cáo này sẽ được YouTube và đối tác, nghệ sĩ chia theo tỉ lệ 3-7 hoặc 4-6 tùy thỏa thuận. Theo một đối tác của YouTube tại Việt Nam, có nhiều cách tính tiền ăn chia phần trăm từ quảng cáo nhưng lượt view là một trong những tiêu chí đầu tiên để tiền về túi hay nói ngắn gọn có view là có tiền. Một đơn vị cho biết cách tính của họ dựa trên lượng view, cụ thể một triệu view của một clip sẽ được tính là 5 triệu đồng. Hay một trong các đối tác của YouTube tại Việt Nam là Yeah1 đã treo giải cho cuộc thi Yeah1 Super Star với giải MV đạt 10 triệu lượt xem trong vòng 30 ngày sẽ được giải 1 tỉ đồng.
Hiện tại phim ca nhạc thu hút cộng đồng mạng nhất thuộc về nhóm Hồ Việt Trung và Hồ Quang Hiếu. Chỉ trong một thời gian ngắn phát hành, phim ca nhạc Giải cứu tiểu thư của nhóm này đã đạt hơn 50 triệu lượt xem. Nhóm nhanh chóng nhận được cúp chứng nhận của YouTube Việt Nam cho MV có lượt xem nhiều nhất trên YouTube trong sáu tháng đầu năm 2015. Không chỉ các ca sĩ, các nhóm hài có triệu view trên mạng hiện nay nở rộ: DamTV, Ghiền Mì Gõ… Và các nghệ sĩ hài: Trấn Thành, Thu Trang, Trường Giang… cũng kết hợp YouTube thông qua các đối tác tại Việt Nam để sản xuất và phát hành những chương trình hài dành riêng cho cộng đồng xem, nghe qua mạng này.
Có thể nói sự nở rộ của việc phát hành các sản phẩm giải trí qua mạng cũng như những nguồn lợi được mang lại từ mạng đã làm các đơn vị sản xuất chương trình giải trí trở mình. Như trong năm 2016, các chương trình tìm kiếm tài năng như The Voice - Giọng hát Việt, The X-Factor - Nhân tố bí ẩn… bên cạnh các vòng thi như truyền thống sẽ mở rộng thêm vòng thi digital. Tức sẽ có vòng thi mà thí sinh đăng ký trực tuyến qua các sản phẩm âm nhạc trực tuyến, giám khảo chấm trực tuyến và khán giả xem trực tuyến. Thí sinh được lựa chọn từ vòng này cũng sẽ bước vào các đêm thi ở vòng liveshow như các thí sinh tuyển sinh truyền thống lâu nay.
Về phía khán giả, họ sẽ bất cần biết phát hành sao, đầu tư như thế nào nhưng khi có nhiều kênh phát hành nở ra: truyền hình, sân khấu, trực tuyến… khán giả càng có nhiều chọn lựa, các sản phẩm từ mạng cũng dần trở thành những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu khán giả chứ không còn là những sản phẩm đăng tải qua loa để quảng bá tên tuổi cá nhân.
Vọng cổ cũng thi online
Mùa thi Vọng cổ online vừa khép lại. Có thể nói lần đầu tiên Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức cuộc thi Vọng cổ online mùa đầu tiên. Thí sinh Sơn Thị Hiền - người đồng thời cũng nhận cú đúp khi đạt hai giải cao nhất là giải nhất chung cuộc và giải thưởng của ban giám khảo.
Cuộc thi Vọng cổ online trải qua tám tuần đã thu hút hơn 500 clip dự thi từ khắp bốn phương cả trong và ngoài nước, đặc biệt có một gia đình ba thế hệ cùng tham gia đầy đủ các tuần thi.