Nỗi đau sau những nụ cười của các danh hài

Google News

Cũng như những danh hài - những người hay cười, hay đùa giỡn, giễu cợt mình và cuộc đời nhất - lại thường không phải là những người hạnh phúc.

Cũng như những danh hài - những người hay cười, hay đùa giỡn, giễu cợt mình và cuộc đời nhất - lại thường không phải là những người hạnh phúc. Những kẻ tếu táo ấy đôi khi là những kẻ bị cuộc đời chua chát quăng đập đến độ họ không còn đủ nước mắt để khóc, mà buộc phải cười, phải giễu cợt chính mình...
Nước mắt danh hài.
Khi buồn, người ta có xu hướng thích xem hài kịch, vì mong được cười. Nghệ sỹ hài, vì thế, rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc, bởi còn gì đáng trân trọng hơn những người sẵn lòng đem lại niềm vui cho công chúng. Thế nhưng, phía sau những con người làm nên nụ cười ấy, lại không ít những cuộc đời đầy bi kịch.
Ít ai biết, danh hài Hoài Linh từng trải qua thuở thiếu thời bán mía ghim, bắp luộc ở bến xe Dầu Giây, với hai bàn tay lúc nào cũng rướm máu và phồng rộp. 
Hoài Linh là người có cuộc đời bi ai như thế! Tuổi thơ vất vả, sóng gió, khi cha đi tù cải tạo vì phục vụ cho chế độ cũ. Ngôi sao hôm nay từng trải qua thuở thiếu thời bán mía ghim, bắp luộc ở bến xe Dầu Giây, với hai bàn tay lúc nào cũng rướm máu và phồng rộp. Gia đình anh từng bị tranh chấp căn nhà ở Cam Ranh, rồi sau đó anh mưu sinh ở Mỹ bằng việc làm công nhân trong một hãng thịt đông lạnh. 
Ngày ngày chạy ra chạy vào kho lạnh dưới 0 độ đã khiến cơ thể gầy gò của anh không chịu nổi. Anh cũng từng thẫn thờ vì thất nghiệp không biết sẽ sinh sống bằng cách nào. Có lần, Hoài Linh hé lộ chuyện gia đình, rằng có người vợ tảo tần và yêu thương hết mức, rằng anh có một con gái, rằng vợ anh vẫn sống ở Mỹ,... Tuy nhiên, công chúng gần như không bao giờ thấy anh xuất hiện cùng gia đình, nhưng lại quá quen với hình ảnh Hoài Linh tất tả chạy show chỉ một mình!. Bản thân anh nhiều lần tâm sự, rằng anh không cô đơn, nhưng đầy cô độc: “Đã là diễn viên thì diễn bi hay hài đều bạc. Cười đó rồi khóc đó. Tâm lý không ổn định, cảm xúc cứ bấp bênh. Người diễn viên hài trải lòng với khán giả bằng tiếng cười, còn nỗi buồn phải giữ lại, ép lại”.
Có lẽ vì vậy mà tiếng cười Hoài Linh càng về sau càng sâu cay. Từ anh chàng chỉ chuyên diễn tấu hài, Hoài Linh đã có những vai diễn buộc khán giả phải khóc cười cùng mình như vai ông già trong Dạ cổ hoài lang, Người nhà quê, Nhà dột từ nóc,… Cười đó, mà cũng khóc đó, như một cảm xúc ám ảnh cuộc đời Hoài Linh, ám ảnh cả những khán giả trung thành của anh.
Còn buồn hơn cả Hoài Linh là nghệ sỹ hài Văn Hiệp. Hoài Linh dẫu sao vẫn có gia đình lớn làm điểm tựa, một sự nghiệp tỏa sáng khi đã được công chúng ngầm công nhận anh là ông hoàng của hài kịch Việt. Còn "ông trưởng thôn" Văn Hiệp đã diễn hơn 1,100 vai diễn trong suốt cuộc đời, nhưng chưa bao giờ được vinh danh như một ngôi sao. Trong cuộc sống riêng, suốt hai mươi năm, ông sống cảnh gà trống nuôi con, sau khi vợ đi xuất khẩu lao động ở Đức và chưa bao giờ trở lại ngôi nhà cũ. Cuối đời, ông mang trong mình vô số bệnh tật, nhưng gia cảnh chẳng mấy khấm khá. Thậm chí, trước khi mất, ông còn dặn dò con cái, rằng nếu bố có chuyện gì thì chỉ để thở oxy một hai hôm rồi thôi, vì nhà chẳng có tiền...
 Văn Hiệp cũng có một cuộc đời nhiều buồn tủi sau những vai diễn để đời.
Thế nhưng những ai từng gặp Văn Hiệp đều cảm nhận về một con người hay cười. Không chỉ diễn trò trên sân khấu, ông còn là người hài hước, hay chêm vào những câu bông đùa, một con người giản dị và đáng mến như chính vai diễn “trưởng thôn Văn Hiệp”. Có lẽ cuộc đời bi đát đã khiến ông dễ cười hơn, nghĩ giản dị hơn, tha thứ hơn để giấu hết những nỗi cay đắng trong lòng?
Theo V.Style

Bình luận(0)