Nghe con ’tố’ nhau, Đức Hải cũng rất đau đầu nhưng nhờ có con, bố như trẻ lại.
Nghe con ’tố’ nhau, Đức Hải cũng rất đau đầu nhưng nhờ có con, bố như trẻ lại.
Cuộc hẹn lúc 8h30 sáng làm tôi bất ngờ… Ở nghệ sĩ Đức Hải – ông bố của bốn đứa trẻ - thấp thoáng bóng dáng của một công chức dù nét duyên hài hước vẫn còn nguyên trong suốt cuộc trò chuyện.
Mới gặp, anh chìa ra “khoe” với tôi những ngón tay còn lem màu mực tím vì ngồi học cùng con và chia sẻ: “Các con làm tôi thấy mình trẻ hơn rất nhiều…”.
|
Gia đình nghệ sỹ Đức Hải. |
Phải chi tôi có… ba đầu, sáu tay
- Thật khó hình dung anh sẽ chăm con thế nào trước 3 đứa con ra đời cùng một ngày…
Điều đó cũng nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ban đầu, tôi thấy lạ lẫm, rồi trăn trở, rồi hoảng hốt và bối rối. Nhưng cuối cùng cuộc sống vẫn là cuộc sống, tự mình phải sắp xếp cho nó vào quy luật của nó.
Ví dụ, trong một đêm mình xi con tè, trong đầu mình cứ nghĩ là mình chỉ xi đứa con ấy thôi chứ có hình dung là khi mình đang nhẹ nhàng xi một đứa thì đồng loạt cả mấy đứa cùng tè đâu vì đứa nào cũng tưởng là mình xi nó.
Mà tôi có hai tay thôi chứ có được 3 đầu, 6 tay đâu… nên không thể chống đỡ được. Đấy, nó cứ tích từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi cũng dần quen. Rồi ví dụ như bị ốm, cũng ốm đồng loạt, cũng phải “tổ chức” cho “cả nhóm” đến bệnh viện thế nào cho hiệu quả, phải huy động bao nhiêu người để chăm sóc.
- Chuyện những em bé sinh đôi, sinh ba thường ốm đồng loạt kiểu đấy, dưới góc độ một người cha anh hiểu chuyện đó như thế nào?
Người ta có nhiều cách giải thích điều đó. Nhiều người tin vào yếu tố huyền bí tâm linh, nhưng tôi nói luôn là không phải vậy. Những bệnh con nít thường mắc như cúm, đi ngoài…. thường lây nhiễm, mà các cháu sống trong một nhà, nhiều khi bố mẹ không tinh ý là đồ đạc hay bị lẫn như thìa, bát, khăn mặt, bàn chải đánh răng… Thậm chí bố mẹ có để ý lắm cũng vẫn có khi bị lẫn nên các cháu thường lau cho nhau thôi.
- Vậy còn về hình thức và tính tình, bọn trẻ nhà anh có giống nhau không?
Không, mọi người cứ nói sinh đôi, sinh ba thường giống nhau như hai, ba giọt nước nhưng nhà tôi thì mỗi đứa mỗi nét khác nhau. Cô chị thì hiền lành, đơn giản, dễ ăn, dễ ngủ, cứ ăn xong là nằm ệch ra ngủ… Ai mà nói cháu “cháu chỉ ăn với ngủ không thôi” là trả lời rất hồn nhiên “kệ côi” (tôi).
Còn cô thứ hai thì điệu rơi điệu rụng, tiểu thư kiểu cách từ cách nói chuyện, đi đứng. Mỗi giai đoạn, con bé sẽ tự nghĩ ra một loại bệnh nào đó và bảo bố mẹ rằng mọi cách phải chữa bệnh cho con.
Tôi ngạc nhiên vì cháu có một trí tưởng tượng rất lạ lùng. Lúc đầu, hai vợ chồng tôi tá hỏa, đưa con đi khám hết chỗ này chỗ kia, làm đủ xét nghiệm… nhưng chả tìm ra bệnh gì cả.
Còn cậu con trai út thì rất nam tính, mạnh mẽ và đầu gấu nhất nhà, bắt nạt cả ba bà chị. Cháu rất thích đá bóng, luôn cắp một quả bóng ở nách và đi sang nhà hàng xóm gõ cửa rủ các bạn chơi cùng.
Vừa rồi cháu được trúng tuyển vào đội Câu lạc bộ các cầu thủ nhí và được đi Anh để thi đấu đấy. Bây giờ cháu bắt đầu thích bơi… và tôi thấy con cũng thật sự có năng khiếu.
- Ba cô con gái nhưng chỉ có một cậu con trai út, liệu có hay không sự ưu tiên của bố mẹ?
Về nguyên tắc là công bằng nhưng trên thực tế đúng là tôi chiều cháu hơn các chị. Tôi biết làm như thế không tốt nhưng vì cháu là cháu đích tôn được cả dòng họ mong chờ nên sự chiều chuộng là đương nhiên và tôi sẽ điều chỉnh nó dần dần.
- Anh có sợ việc cưng chiều sẽ khiến bé ý thức được vị trí của mình mà ngang bướng hơn?
Sợ chứ! Tôi nhìn thấy nhiều tấm gương trước mắt mình về chuyện này lắm rồi nhưng tôi nghĩ mình có thể điều chỉnh được. Tôi cũng bắt đầu đưa cháu vào guồng kỷ luật rồi.
Con giúp mình sống lại tuổi thơ
- Có khi nào anh cảm thấy bị stress hay mệt mỏi trước sự ồn ào của bọn trẻ?
Nhiều khi tôi cũng đau đầu nghe chúng “tố” nhau để bố phân xử. Nói chung rất vất vả nhưng các con cho mình cảm giác được sống lại tuổi thơ, thấy con mình như trẻ lại…
- Nhiều khán giả tiếc vì hoạt động nghệ thuật của anh thời gian sau này lắng lại, cuộc sống gia đình đã kéo anh xa rời nghệ thuật?
Cũng có một phần, khi chưa vợ con thì tôi hoàn toàn tự do, thời gian là của mình, cách sống thoáng hơn và hướng ngoại nhiều, bạn bè cứ gọi một câu là “lên đường”. Nhưng khi có con rồi, tôi muốn hướng nội nên việc trở về nhà, chăm sóc con cái đương nhiên phải được ưu tiên.
- Nhưng chuyện anh không làm thêm nghề tay trái có ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình?
Không, vì kinh tế gia đình tôi tương đối ổn. Tôi không đòi hỏi nhiều, tôi có nhà, có ít tài sản dành dụm.
Nói chung, cuộc sống của tôi không khó khăn đến mức bỏ cả nghề để lao vào kinh doanh. Thỉnh thoảng, tôi vẫn diễn ở sân khấu Phú Nhuận và tham gia những bộ phim thích hợp.
Phải thay đổi rất nhiều vì con
Để giáo dục các con, tôi đã phải kiên nhẫn và thay đổi không ít thói quen vì nền giáo dục của mình ngày xưa khác nền giáo dục bây giờ nhiều. Ngay cả việc ngồi học cùng con để uốn từng nét chữ một cho từng cháu đã là một nỗ lực phi thường của tôi.
Phần nữa, lâu nay mình đã quên mất cái khuôn phép quy định bắt đầu tập viết, ví dụ chữ l thì kéo dài bao nhiêu… mà chỉ viết theo thói quen nên giờ cũng phải ngồi kiểm tra từng chữ một. Thế nên tôi cũng động viên bản thân rằng đây là một cơ hội để mình tập viết lại cho đẹp. |
Theo Mẹ yêu Bé
[links()]