Trong tập 4 vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt nhí 2015 phát sóng tối 8/8, giọng hát mượt mà, cảm xúc của cậu bé đờn ca tài tử Thế Thanh nhận được nhiều lời khen từ khán giả. Với ca khúc "Phương xa nhớ mẹ", cậu bé 13 tuổi đến từ Bình Chánh (TP HCM) tạo không ít sóng gió giữa bộ tứ huấn luyện viên. Họ thậm chí “công kích” nhau để có thể mời được em về đội mình.
Thế Thanh chia sẻ, em đam mê cải lương từ nhỏ, do đó trước lời đề nghị hát thử đoạn ca cổ của giám khảo Cẩm Ly, em không ngần ngại thể hiện. Cũng chính tình yêu dành cho loại hình âm nhạc truyền thống này giúp cậu học sinh lớp 7 trường THCS Bình Chánh tạo được màu sắc riêng với thí sinh khác.
|
Thế Thanh The Voice Kids biểu diễn ca khúc "Phương xa nhớ mẹ" trong vòng Giấu mặt. |
Xa ba mẹ từ lúc 6 tháng tuổi
So với bạn bè trang lứa, học trò của huấn luyện viên Cẩm Ly sống xa vòng tay cha mẹ từ những tháng đầu đời. Tuy nhiên cậu bé lại được bù đắp bởi tình cảm vô bờ bến của cô Út - Nguyễn Ngọc Thúy. Ở nhà, Thế Thanh gọi cô là “mẹ”.
Ba mẹ Thế Thanh chia tay gần 10 năm trước. Do hoàn cảnh khó khăn, họ quyết định bỏ đi xa kiếm tiền bằng công việc bỏ mối trái cây. Kể từ đó, hai cậu con trai Thế Thanh và Hải Thanh (10 tuổi) dọn về ở chung cùng bà cố, nội và cô Út. Thỉnh thoảng, ba mẹ về thăm em, gửi chút tiền, nhưng ưu tiên cho em trai Hải Thanh.
Căn phòng trọ ọp ẹp nằm sâu trong con hẻm ở huyện Bình Chánh là nơi gia đình 4 thế hệ sinh sống, thu nhập chủ yếu nhờ 2 hàng bột chiên bình dân. “Mỗi ngày, cả gia đình kiếm được khoảng 400.000 đồng, trừ tiền thuê nhà mỗi tháng vẫn đủ sinh hoạt và chi tiêu cần thiết. Không dư dả nhưng cũng không thiếu thốn bất cứ thứ gì”, cô Út tâm sự.
|
Ba mẹ chia tay, Thế Thanh và em trai Hải Thanh sống với cô Út từ nhỏ. |
Không tránh khỏi sự thiếu thốn vật chất, nhưng bù lại ở đây, Thế Thanh vẫn nhận được đầy đủ tình thương, sự quan tâm chăm sóc của người thân. Trên hết, em còn được tạo điều kiện để bay xa, chạm đến ước mơ trở thành nghệ sĩ cải lượng trong tương lai.
Hỏi Thế Thanh có muốn về ở với ba mẹ ruột không, cậu bé rụt rè từ chối vì em cảm nhận mình rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Cô Út kể, vài lần ba mẹ em hỏi ý nhưng Thế Thanh luôn tìm cách khước từ với nhiều lý do, khi thì bận học, khi lại nhớ bà nội. Nhiều năm qua, cậu bé cũng chưa bao giờ khóc hay có cảm giác tủi thân vì không sống cùng ba mẹ.
Ở nhà, nếu không bận học, Thế Thanh chăm chỉ phụ giúp gia đình chuẩn bị nguyên liệu hoặc ra quán bưng bê. Nhưng vì thương cháu, cô Út ít khi để bé phải làm quá nhiều mà căn dặn tập trung học hành.
Không chỉ bù đắp sự thiếu thốn tình cảm, chính cô Út Ngọc Thúy cũng là người đầu tiên phát hiện tài năng đặc biệt của cháu trai và giúp em phát triển.
Chỉ thích hát ca cổ, thờ ơ nhạc trẻ
Cô Út kể từ lúc 4 tuổi, Thế Thanh đã bộc lộ sở thích khác biệt với bạn bè đồng trang lứa. Em tỏ ra thờ ơ nhạc thiếu nhi, nhạc trẻ, chỉ một mực thích nghe ca cổ. Mỗi khi cô Út ca, em cũng nghêu ngao hát theo thứ âm nhạc có sức quyến rũ kỳ lạ này. Lớn hơn một chút, Thế Thanh có thể khiến mọi người phải “mủi lòng” với những màn trình diễn cây nhà lá vườn bên dàn karaoke.
Thấy cháu có năng khiếu, cô đăng ký cho Thế Thanh tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử ở địa phương. Sau, em được thầy Tư Hồng - nghệ sĩ đờn ca có kinh nghiệm trong xã - nhận làm học trò và dạy miễn phí. Như cá gặp nước, Thế Thanh tiến bộ rất nhanh. Có những đoạn người khác phải tập rất lâu, nhưng cậu bé chỉ cần vài ngày là ca được.
Năm 11 tuổi, Thanh chính thức tham dự cuộc thi Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới cấp thành phố tổ chức tại huyện Bình Chánh. Cậu giành giải nhất đơn ca và là tài tử nhỏ tuổi nhất. Sau đó, em lần lượt bước vào những sân chơi lớn hơn như Liên hoan đờn ca tài tử TP HCM, giải Hoa Sen, Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới huyện Củ Chi…
Cuộc thi nào, Thế Thanh cũng nhận huy chương cũng như được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM khen tặng.
|
Thế Thanh trình diễn trong Liên hoan đờn ca tài tử TP HCM. |
Tuy nhiên, cũng vì thành tích quá ấn tượng trong lĩnh vực ca cổ nên khi xin phép cô Út cho tham gia The Voice Kids đến lần thứ ba em mới được đồng ý. Cô em nói: “Tôi sợ thằng Thanh chỉ hát vọng cổ làm sao đi thi được. Nhưng thằng bé nói sẽ làm được nên tôi để cháu thử sức một lần”. Không ngờ, trong vòng Giấu mặt, Thế Thanh lại khiến mọi người say mê đến vậy.
Nói về tình yêu dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử, Thế Thanh thể hiện sự quyết tâm: “Dòng nhạc của con kén chọn người nghe, phần lớn chỉ những người lớn tuổi nghe thôi. Dù vậy, con vẫn muốn theo đuổi đam mê trở thành nghệ sĩ”.
Dù mới 13 tuổi, Thế Thanh ít nhiều có thể đỡ đần cô Út từ số tiền nhỏ em kiếm được nhờ tham gia các cuộc thi hay biểu diễn tại các liên hoan ca nhạc.
Cậu bé nói: “Ngày trước con được mời đi hát nhiều, có khi một tuần hát một lần. Gần đây do bị vỡ giọng nên cô Út không dám nhận. Tiền đi hát con bỏ ống heo đóng học, mua đồ diễn, dụng cụ học tập. Con ước mơ sau này sẽ hát thật hay để được đi diễn. Trước tiên thỏa mãn đam mê, nhưng cũng muốn có ít tiền phụ cô Út, lo cho bà nội, bà cố vì kinh tế gia đình khó khăn”.