Trong cuốn sách Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận, người Mĩ đều cảm nhận được rằng nền kinh tế quốc gia - và cả chính phủ - đều nghiêng về phía các công ti lớn, nhưng theo Joseph E. Stiglitz tình hình còn thảm khốc hơn. Một số tập đoàn lớn đến mức thống trị hoàn toàn một lĩnh vực kinh tế, góp phần gia tăng bất bình đẳng và giảm tốc độ tăng trưởng.
|
Sách Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận. |
Độc quyền chính là cách ngành tài chính sử dụng để tự viết nên các quy định điều tiết, các công ti công nghệ dùng để thu thập thông tin cá nhân không bị giám sát, và chính phủ Mĩ đàm phán những thỏa thuận kinh doanh không đại diện cho lợi ích của người lao động. Quá nhiều kẻ kiếm lợi bằng cách bòn rút của cải thay vì tạo ra của cải. Nếu không có các chính sách mạnh tay hơn, sự phát triển của công nghệ mới sẽ còn làm gia tăng thêm tình trạng bất bình đẳng và thất nghiệp, và khiến tình cảnh của người dân ngày càng tồi tệ hơn.
Gần như ở khắp mọi nơi, mọi người đều quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng ngày càng gia tăng, đặc biệt là với tầng lớp thượng lưu. Gần như ở khắp mọi nơi, suy thoái kinh tế đã làm cho tình hình trở nên tồi tệ, đặc biệt là với tầng lớp trung lưu và tầng lớp dưới. Nhưng ở mỗi quốc gia, cuộc tranh luận lại tập trung vào những vấn đề khác nhau...
|
Tác giả Joseph E. Stiglitz. |
Với Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận, Stiglitz cho thấy một thế giới thay thế là hoàn toàn khả thi, và hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể đảo ngược lộ trình thảm khốc này. “Mục tiêu của tôi trong cuốn sách này đầu tiên, và trên hết, là nhằm gia tăng hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc thực sự (real sources) làm nên của cải của một quốc gia; và làm thế nào đảm bảo thành quả của việc củng cố nền kinh tế sẽ được chia sẻ công bằng”, Stiglitz chia sẻ.
Tác giả cho biết, cuốn sách này dựa vào và gom lại những kiến thức từ các cuốn sách trước đó của ông, trong đó có bốn cuốn về toàn cầu hoá và ba cuốn sách về sự bất bình đẳng. Những cuốn sách này dựa trên nhiều bài báo học thuật.
Stiglitz cũng nhấn mạnh: “Trong cuốn sách này, tôi không chỉ tập trung vào kinh tế học mà còn bàn đến chính trị. Trong thời khắc hiện nay, chắc chắn là phải làm như vậy. Từ lâu tôi đã cho rằng nhân tố trung tâm quyết định sự thành công của một nền kinh tế là các quy tắc của nó, và các quy tắc này do chính trị đặt ra”.
Trước Nhân dân, quyền lực và lợi nhuận, Stiglitz được bạn đọc Việt Nam biết đến với tác phẩm Cái giá của sự bất bình đẳng, sách do Nxb Tri thức phát hành năm 2021. Hai cuốn đều nhấn mạnh đến những vấn đề nổi bật trong đời sống kinh tế, xã hội, những vấn đề về bất bình đẳng tại Mĩ.
Joseph E. Stiglitz là Giáo sư kinh tế học tại Đại học Columbia, từng đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc và chuyên gia phân tích kinh tế chính của Ngân hàng Thế giới. Ông giành giải John Bates Clark năm 1979 và giải Nobel Kinh tế năm 2001.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất như Freefall, Globalization and Its Discontent, Making Globalization Work, và The Three Trillion Dollar War (Linda Bilmes là đồng tác giả).