Việc sử dụng thanh trượt tuyết trong quân sự đã được biết đến từ thời cổ đại. Cùng với sự lớn mạnh của quân đội của các nước, đã xuất hiện cả những đơn vị đặc biệt được đào tạo kỹ năng trượt tuyết điêu luyện. Chẳng hạn, quân đội Pháp và Italia ngay từ thế kỷ 19 đã có những đại đội lính trượt tuyết Alps (Anpơ). Họ có nhiệm vụ hoạt động tại vùng băng tuyết vĩnh cửu trên dãy núi Alps, tiến hành các hoạt động trinh sát. Sau đó, quân đội của những nước khác cũng đã thành lập các đơn vị trượt tuyết tương tự.
|
Lính trượt tuyết Liên Xô. |
Lính trượt tuyết có đặc điểm hoạt động theo mùa, tùy thuộc vào từng mùa trong năm mà họ được điều động từ binh chủng này sang binh chủng khác. Mùa đông, khi tuyết bao phủ, các đơn vị và binh đoàn trượt tuyết trở nên linh động, được mệnh danh là “những kỵ binh trên tuyết”. Sự linh động của họ phù hợp với các đơn vị kỵ binh, trong khi khả năng vượt địa hình thậm chí còn cao hơn. Lính trượt tuyết có thể hoạt động trong những điều kiện đường sá khó đi và địa hình gập ghềnh, có thể vượt qua những khu rừng thông thường. Tuy nhiên, vào những lúc không có tuyết, lính trượt tuyết quay trở lại nhận nhiệm vụ làm bộ binh.
Đội quân trượt tuyết được thành lập tại một số ít quốc gia, do còn phụ thuộc vào những đặc điểm về địa hình của quốc gia đó. Hồng quân Liên Xô bắt đầu thành lập quy mô lớn những đơn vị trượt tuyết vào mùa đông năm 1941. Đó là những tiểu đoàn trượt tuyết riêng biệt, được thành lập từ quân số có sẵn trong các đơn vị quân đội. Tính đến tháng 3/1942, Hồng quân Liên Xô đã có 230 tiểu đoàn trượt tuyết.
Các tiểu đoàn trượt tuyết của Liên Xô được sử dụng như những đội quân linh động, thường tham gia vào các tập đoàn quân xung kích nhằm tiến hành hoạt động đánh chiếm và bao vây kẻ địch. Thông thường, trong thành phần của mỗi tập đoàn quân như vậy có 1-2 lữ đoàn xe tăng, 1-2 sư đoàn kỵ binh và 3-5 tiểu đoàn trượt tuyết. Đáng chú ý, một sư đoàn kỵ binh lúc đó sánh bằng sức mạnh của 3 tiểu đoàn, nhờ nòng cốt chính là đội quân trượt tuyết.
Việc thành lập đại trà đội quân trượt tuyết của Liên Xô diễn ra đến mùa đông năm 1942-1943. Từ các tiểu đoàn riêng biệt người ta chuyển sang các lữ đoàn. Mỗi lữ đoàn trượt tuyết gồm có 4 tiểu đoàn trượt tuyết và 2 tiểu đoàn súng cối, 1 tiểu đoàn tiêu diệt-chống tăng, 1 đại đội súng máy, 1 đại đội công binh và 1 đại đội trinh sát. Lữ đoàn có 3.000 quân, 18 khẩu đại liên và 55 khẩu trung liên, 25 khẩu súng cối 60mm và 48 khẩu 82mm, 54 khẩu chống tăng và 12 pháo chống tăng. Đến tháng 3-1943, Hồng quân Liên Xô có 42 lữ đoàn trượt tuyết.
Về phía quân đội Đức Quốc xã, tháng 9/1943, từ 4 tiểu đoàn thợ săn riêng biệt, phát xít Đức đã lập ra Lữ đoàn thợ săn trượt tuyết (Skijäger-Brigade). Thành phần lữ đoàn này gồm có 2 trung đoàn thợ săn trượt tuyết (mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn súng cối (36 súng cối 120mm), 1 tiểu đoàn pháo hạng nặng (12 pháo chống tăng 75mm, 12 giàn pháo cao xạ tự hành 20mm, 6 pháo phòng không 88mm), 1 tiểu đoàn pháo tiến công (gồm 2 đại đội, mỗi đại đội có 10 pháo tự hành StuG III).
Một năm sau, lữ đoàn này được mở rộng thành sư đoàn, có tên gọi là “Sư đoàn thợ săn trượt tuyết”. Lữ đoàn này gồm có 2 trung đoàn thợ săn trượt tuyết (mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn), 1 tiểu đoàn trượt tuyết bắn súng, 1 tiểu đoàn pháo hạng nặng, 1 trung đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn chống tăng và 1 tiểu đoàn công binh. Tiểu đoàn pháo hạng nặng có đại đội thứ nhất được trang bị xe tăng T-34 là chiến lợi phẩm thu được từ phía Liên Xô, đại đội thứ hai được trang bị dàn pháo cao xạ tự hành, đại đội thứ ba trang bị pháo chống tăng tự hành và đại đội thứ tư có pháo bộ binh tự hành “Grille” 150mm. Ngoại trừ lính trượt tuyết, tất cả những đơn vị của Sư đoàn thợ săn trượt tuyết đều được cơ giới hóa.