Trực thăng tấn công Mi-28NE sắp xuất kích đánh IS

Google News

(Kiến Thức) - Những chiếc trực thăng Mi-28NE của Quân đội Iraq đã sẵn sàng để có thể triển khai trong cuộc chiến chống IS.

Tạp chí Jane's Defence Weekly đưa tin hôm 3/11, Quân đội Iraq sẽ sớm triển khai các trực thăng tấn công Mi-28NE mà nước này mua từ Nga, trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Thông tin trên cũng đã được Bộ quốc phòng Iraq xác nhận vào cuối tháng 10 vừa rồi, được biết Iraq đã tiến hành tiếp nhận những chiếc Mi-28 đầu tiên từ Nga vào cuối tháng 8. Và sau quá trình chuyển giao cũng như huấn luyện cơ bản, cuối cùng “thợ săn đêm” của Quân đội Iraq đã sẵn sàng cho việc đối đầu với lực lượng phiến quân Hồi giáo IS.
Hình ảnh của những chiếc Mi-28NE được chuyển giao cho Quân đội Iraq vào cuối tháng 8 vừa rồi.
Đích thân Bộ trưởng quốc phòng Iraq – Ông Khalid al-Obeidi và cùng nhiều cán bộ tướng lĩnh cao cấp của quân đội nước này, đã đến thị sát một buổi huấn luyện bay sẵn sàng chiến đấu của những chiếc Mi-28 do các phi công Iraq điều khiển. Điều này càng chứng tỏ vai trò của Mi-28 trong chiến chống IS đối với Quân đội Iraq, hiện tại thông tin về kế hoạch triển những chiếc Mi-28 tại khu vực nào vẫn chưa được tiết lộ nhưng có nhiều khả năng là quận Taiji, nằm ở phía bắc Baghdad.
Mi-28NE được NATO định danh là Night Hunter (thợ săn đêm), nhưng ở Iraq lại được gọi với cái tên là Gazelle. Nó là một phần trong hợp đồng mua sắm vũ khí trị giá 2,4 tỷ USD giữa Baghdad và Moscow được ký vào năm 2012. Theo hợp đồng thì Iraq sẽ mua ít nhất 15 chiếc Mi-28NE, tuy nhiên hiện tại số trực thăng chính xác đã được Nga chuyển giao vẫn chưa công bố. Bên cạnh Mi-28, Quân đội Iraq còn mua thêm 40 chiếc trực thăng tấn công đa năng Mi-35M cũng do Nga sản xuất.
Ngoài các trực thăng tấn công mua từ Nga, chính phủ Iraq còn lên kế hoạch mua ít nhất 24 chiếc AH-64E Apache Guardian của Boeing và thuê thêm 6 chiếc khác đã qua sử dụng. Hiện chính phủ Mỹ vẫn đang xem xét việc bán số trực thăng trên cho Iraq.
 Quân đội Iraq đang lên kế hoạch mua số lượng trực thăng chiến đấu từ cả Nga lẫn Mỹ.
Nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất, Quân đội Iraq đã phải điều động một số lượng lớn máy bay trực thăng vũ trang gồm: 6 chiếc Mi-35M; 24 chiếc trực thăng vũ trang của Bell 407 JetRanger; 20 chiếc EC635 của Airbus, và 6 chiếc trực thăng trinh sát và tấn công hạng nhẹ Aerospatiale SA342M Gazelle, nhằm ngăn cản bước tiến của IS đang ngày càng mở rộng khu vực chiếm đóng trên khắp các vùng lãnh thổ của nước này.
Mặc dù được trang bị tốt và áp đảo trên không, nhưng Quân đội Iraq lại tỏ ra yếu kém về kỹ năng cũng như khả năng tác chiến trên không. Và dẫn tới hậu quả là hàng loạt trực thăng vũ trang của Iraq bị IS bắn hạ, trong đó có cả trực thăng tấn công Mi-35M.
Đánh giá của Jane’s
Năng lực yếu kém luôn là vấn đề lớn nhất đối với Quân đội Iraq, điều này đã được chứng minh trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống IS, khi Quân đội chính phủ Iraq được trang bị tốt hơn và quân số cũng áp đảo nhưng lại đại bại dưới tay vài trăm tay súng IS. Việc được vào trang bị Mi-28 có thể sẽ giúp Quân đội Iraq bớt đi một phần gánh nặng nào đó về mặt hổ trợ hỏa lực trên không, mặt khác đặt ra vấn đề sử dụng số trực thăng trên một cách có hiệu quả và không mắc những sai lầm tương tự như Mi-35.
Bên cạnh đó, để có thể đảm bảo khả năng tấn công chính xác khi hổ trợ hỏa lực cho lực lượng bộ binh dưới mặt đất, đa số phi công Iraq đều sử dụng chiến thuật bay thấp và chậm, đó là còn chưa kể đến hướng bay của họ thường cố định. Hiển nhiên chiến thuật bay như trên sẽ là cơ hội tốt cho tên lửa phòng không vác vai tầm thấp và vũ khí phòng không của IS phát huy hiệu quả.
 Nếu không nâng cao được khả năng tác chiến của phi công, thì số phận của những chiếc Mi-28NE cũng sẽ như người anh em của nó là Mi-35M tại chiến trường Iraq.
Tổn thất về lực lượng không quân của Liên quân do Mỹ đứng đầu tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan kể từ năm 2001 là tương đối ít, chủ yếu là do các tay súng Hồi giáo không được trang bị tốt. Tuy nhiên việc IS sở hữu trong tay kho tên lửa phòng không vác vai với số lượng lên tới hàng trăm đơn vị từ tay Quân đội Syria lại đặt ra một vấn đề khác cho lực lượng không quân non kém của Iraq.
Tính đến nay, Quân đội Iraq đã mất tổng cộng 3 chiếc trực thăng gồm: 1 chiếc trực thăng Bell 407, 2 chiếc Mi-35M và tất cả đều bị bắn hạ bằng tên lửa. Đây là dẫn chứng cho mối nguy hiểm luôn rình rập đối với các phi công Iraq, nếu như họ không nâng cao được khả năng tác chiến trên không của mình.
Iraq chọn Mi-28NE một phần vì nó có giá thành thấp hơn so với những chiếc Apache của Mỹ, bên cạnh đó lại sở hữu đầy đủ tính năng của một trực thăng tấn công tiên tiến. Mi-28 còn được trang bị hệ thống phòng vệ khá tốt với hệ thống mồi bẫy nhiệt và giáp bảo vệ chống lại các loại đạn phòng không.
Trà Khánh

Bình luận(6)

Minh Hiền

Hùng Cường

Mi-28NE là thợ săn đêm thì sao hệ thống phòng thủ tên lửa vác trên vai của IS đỡ được chứ, cứ đêm đến cho dàn máy bay này đi càn quét phiến quân là thắng chắc rồi

Minh Hiền

Hùng Cường

Irap đầu tư mua Mi-28 vì giá rẻ nhưng đầy đủ tính năng, có lẽ đây là giải pháp chưa hợp lý, liệu Mi28 có đủ sức chịu đựng lại lực tấn công của đạn phòng không ?

Minh Hiền

Toan Nguyen

Mi-28NE máy bay thế hệ mới hiện đại hơn tối tân hơn Mi-35M nhưng kém theo đó là chi phí mua cao hơn và khó sử dụng hơn,trong cuộc chiến với IS cần phải có những phi công giỏi thì mới đánh bại được phiến quân hồi giáo tàn ác này

Minh Hiền

Hùng Cường

Bao giờ Việt Nam mua được nhiều mẫu máy bay MI-28NE này để trang bị cho quân đội nhỉ

Minh Hiền

Hùng Cường

Mỗi khi có chiến tranh là các nước sản xuất vũ khí như Mỹ Nga rất được lợi, vì thế mà sao mỹ hay đứng đầu ủng hộ các nước tiêu diện các phiến quân nổi loạn

Minh Hiền

Hoàn Khánh

Cần phải dẹp và xóa sổ hoàn toàn phiên quân lổi loạn IS khỏi thế giới, việc này cần các nước đầu tư mạnh hơn không chỉ về không quân mà cần cả về bộ binh để kết hợp một lần dứt điểm loại đi những kẻ ác tính này