Theo tờ India & Russia Report, những bất đồng về lãnh thổ hay căng thẳng chính trị hiện nay giữa Nga và Phương Tây hoàn toàn không đủ để có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tại Bắc Cực. Tuy nhiên không phải về thế trong tương lai khu vực sẽ tránh được lửa chiến tranh và các bên liên quan cần phải có một nổ lực nghiêm túc hơn để bảo vệ hòa bình ở vùng cực này.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin kiêm Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về phát triển Bắc Cực của Nga cho biết, Bắc Cực là một trong số ít các khu vực sự hợp tác quốc tế giữa Nga và một số nước Phương Tây không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị hiện tại, dù vậy một số động thái quân sự giữa bên có liên quan gần đây đã làm xấu đi sự hợp tác này.
Bất cứ quốc gia nào có lợi ích tại Bắc Cực đều muốn hiện diện tại đây khu vực vốn được đánh giá có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học tin rằng, Bắc Cực đang nắm giữ tới 13% trữ lượng dầu chưa được khai thác trên toàn thế giới cùng với đó là 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 10% trữ lượng hải sản. Và với quá trình tan băng nhanh ở vùng cực như hiện tại thì thời gian khai thác các tài nguyên này đang đến gần hơn bao giờ hết.
|
Các lợi ích về tài nguyên sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang ở Bắc Cực hơn là vì tranh chấp chủ quyền. Nguồn ảnh: AP.
|
Về mặt pháp lý, các vùng biển của Bắc Cực thuộc quyền của năm quốc gia gồm: Nga, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch và Canada. Tuy nhiên, biên giới phân định giữa các khu vực này vẫn chưa được xác định rõ ràng kết quả là dẫn tới tranh chấp kéo dài giữa các quốc gia.
Năm 2015, Nga đã nộp đơn lên Liên Hợp Quốc (LHQ) để mở rộng vùng lãnh thổ ở Bắc Cực của nước này lên thêm 1.2 triệu km vuông và vùng mở rộng này đều nằm chống lấn lên trên các khu vực Canada và Đan Mạch tuyên bố chủ quyền. Hiện tại đề xuất của Nga lên LHQ vẫn đang được xem xét, trong khi đó Canada tuyên bố sẽ có hành động đáp trả tương xứng càng khiến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này kéo dài.
Khu vực phòng thủ chung
Với nguồn tài nguyên khổng lồ của Bắc Cực và các vấn đề tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết thì việc xung đột vũ trang nổ ra ở khu vực này là điều hoàn toàn có thể, thậm chí nó có thể dẫn tới một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và NATO. Còn Phương Tây thì đang cáo buộc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở vùng thềm lục địa Bắc Cực hay xa hơn là khơi mào một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Giáo sư Igor Petrenko - chuyên gia phân tích quân sự thuộc Học viện quân sự Nga cho rằng, Moscow không có sự hiện diện quân sự rõ ràng ở Bắc Cực do đó việc nói Nga tăng cường hoạt động quân sự tại đây là không chính xác. Mặc dù Quân đội Nga đã cho xây dựng một căn cứ quân sự mới tại vùng thềm Bắc Cực vào năm 2014 hay cải tạo các sân bay quân sự trong khu vực nhưng tất cả các căn cứ quân sự này đều đã có từ thời Liên Xô và chúng đều nằm trong vùng lãnh thổ của Nga.
|
Trong ảnh là "The Shamrock" khu căn cứ quân sự lớn nhất của Nga ở vành đai ngoài của Bắc Cực nhưng nó vẫn nằm trong lãnh thổ từ trước tới nay của Nga trên quần đảo Frantz Joseph. Nguồn ảnh: English Russia.
|
Chuyên gia này cũng cho biết, Quân đội Nga hiện nay còn không được triển khai tại các khu vực Liên Xô từng đóng quân trước đây thì không có cơ sở nào để nói rằng Nga có lợi thế về mặt quân sự trước NATO tại Bắc Cực. Và các đơn vị vũ trang Nga tại Bắc Cực đa phần chỉ để phòng vệ hơn là tấn công một ai đó.
Dmitri Tulupov – chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế thuộc Đại học St. Petersburg nhận định, “quân sự hóa Bắc Cực” hay “Chiến tranh Bắc Cực” chỉ là lời nói sáo rỗng của truyền thông Phương Tây nhằm gây sức ép với Moscow và cái giá phải trả cho một cuộc chiến ở Bắc Cực sẽ không hề rẻ đối với tất cả các bên bên cạnh đó nó còn đe dọa sinh thái toàn bộ khu vực này.
Nga và Phương Tây cần có môt cơ chế đối thoại riêng trong tranh chấp tại Bắc Cực bao gồm cả việc sử dụng các nguồn tài nguyên ở đây. Và rất khó để tưởng tượng rằng có một quốc gia nào đó có đủ nguồn lực để độc chiếm Bắc Cực như những gì truyền thông Phương Tây tuyên bố.
Trong tình huống xấu nhất nếu Chiến tranh Bắc Cực nổ ra Nga và Phương Tây sẽ không có một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại đây vì Bắc Cực không có con tốt hy sinh nào dành cho Phương Tây như những gì họ đang làm ở Trung Đông. Và không quốc gia nào muốn một cuộc chiến trực tiếp với Nga nhưng khả năng về một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Phương Tây tại Bắc Cực vẫn có thể sẽ xảy ra.
|
Sẽ không có một cuộc chiến ủy nhiệm nào ở Bắc Cực và các nước Phương Tây sẽ phải tự mình đối đầu với người Nga. Nguồn ảnh: Global Research.
|
Các nhân tố mới
Theo truyền thống các vấn đề của Bắc Cực đều do các thành viên của Hội đồng Bắc Cực gồm Nga, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Canada, Mỹ, Thụy Điển và Phần Lan thảo luận. Tuy nhiên, hội đồng này lại được mở rộng vào năm 2013 với sự tham gia của 12 nước quan sát viên trong đó có cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, điều này phản ánh một phần nào đó sự quan tâm của các quốc gia không thuộc khu vực này nhưng lại có lợi ích tại đây.
Nhất là khi trong tương lai các tuyến đường biển ở vùng cực phía bắc xuất hiện kết nối trực tiếp Châu Á tới Châu Âu và dĩ nhiên các nước lớn ở Châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ dành sự quan tâm đặc biệt tới tuyến đường này. Cách tiếp cận dễ nhất của Bắc Kinh lên Hội đồng Bắc Cực là thông qua Nga còn Nhật Bản là thông qua Mỹ.
Theo đánh giá thời gian dành cho tuyến hàng hải phương Bắc sẽ ngắn hơn tuyến hàng hải phương Nam từ Châu Á sang Châu Âu là 12 ngày, bên cạnh đó nó cũng ít rủi ro hơn tuyến đường hiện tại vốn đầy rẫy cướp biển.
|
Tuyến hàng hải phương Bắc sẽ đóng góp rất lớn vào sự thay đổi của Bắc Cực trong tương lai gần. Nguồn ảnh: FedNav.
|
Trong một bản báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải Nga, số lượng hàng hóa đi qua tuyến hàng hải phương Bắc từ 4-5 triệu tấn vào năm 2015 sẽ tăng lên đến 65 triệu tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt ở phía bắc nước Nga vẫn chưa thể đảm bảo được khả năng vận hành thông suốt của tuyến vận tải đặc biệt này. Ngoài ra nó cũng không phải có thể hoạt động quanh năm khi thường xuyên bị đóng băng và điều này chỉ có thể thay đổi sớm nhất trong 50 năm nữa khi băng ở vùng cực tan đi một phần.
Việc quốc tế hóa các lợi ích ở Bắc Cực là điều không thể tránh khỏi và sẽ sớm trở thành vấn đều chung của thế giới như từng xảy ra với không gian vũ trụ hay mạng Internet. Để duy trì hòa bình ở Bắc Cực các quốc gia có liên quan chắc chắn phải cần tới một cơ chế quản lý chung cho các hoạt động kinh tế lẫn quân sự sẽ diễn ra tại đây.