Bạn đọc Nguyễn Quang Thao (Hải Phòng) hỏi: Dựa vào yếu tố gì khi xem tuổi làm nhà người ta thường lấy tuổi ông, cha (bố) thay vì tuổi bà, mẹ. Liệu ngày nay khi nam nữ bình đẳng, quan niệm này có thay đổi không?
|
Ảnh minh họa. |
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, Công ty Cổ phần Nhà Xuân, trong việc “khai môn lập hướng” tính phong thủy cho một ngôi nhà người ta ít khi lấy tuổi đàn bà mà coi tuổi người đàn ông như một tiền đề để định cát hung. Thực tế, xét cho cùng cũng bởi thuyết Âm dương Ngũ hành với nguyên lí Âm thuận tòng dương. Đối với một gia đình chỉ có hai vợ chồng thì lý thuyết này coi người chồng là dương vợ tính là âm. Bởi vậy người xưa mới có câu “lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”.
Trong một đại gia đình, các thành viên có quan hệ huyết thống, vai trò người cha, người ông được xem như gốc rễ của cái cây phả hệ, nên nguời đứng đầu trong gia đình đặc biệt quan trọng. Thuyết Âm dương Ngũ hành coi người đứng đầu như ông, cha trong gia đình như một chủ thể đại diện.
Và những ảnh hưởng, tương tác mạnh nhất đối với vai vế đó. Còn các vai vế khác trong gia đình như vợ, con, cháu… nằm trong mối quan hệ phụ thuộc. Có thể hiểu rằng người đứng đầu trong gia đình (ông, cha) mang thuộc tính dương được ví như chiếc đầu tàu kéo theo những toa thành viên còn lại trong gia đình đi theo. Lý thuyết này không thay đổi cho dù ở bất cứ thời đại nào, dù là chế độ chính trị khác nhau.