Tiết Thanh minh là ngày đầu tiên trong tháng 3 theo lịch Tiết khí, tức lịch Mặt trời: Tháng 1 bắt đầu từ Lập Xuân, tháng 2 khởi từ Kinh Trập, tháng 3 bắt đầu từ Thanh Minh, tháng 4 từ Lập Hạ...
Thông thường Tiết Thanh minh rơi vào ngày 4 hoặc 5/4 dương lịch tùy từng năm. Năm 2016, Tiết thanh minh rơi từ ngày 4/4 dương lịch (Thứ 2). Tuy vậy, tới nay vẫn còn nhiều người nhầm lẫn cho rằng tiết Thanh minh tính theo âm lịch.
Ý nghĩa của phong tục tảo mộ
Tục tảo mộ có từ trước thời nhà Tần, nhưng không áp đặt đúng vào tiết Thanh minh. Bản chất của nghi lễ này là phải đến tận mộ gia tiên, nhưng tùy theo điều kiện của từng gia đình mà phương thức tảo mộ cũng khác. Do ảnh hưởng của Đạo giáo, người dân còn đốt quần áo giấy để gửi cho người đã khuất. Hay do ảnh hưởng của Phật giáo, người ta đọc "chú vãng sinh", cầu mong cho vong hồn được siêu thoát dễ dàng hơn.
|
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng (Ảnh minh họa). |
Với những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.
Bên cạnh đó cũng có những người xa quê làm ăn hay vì lý do khác nên bớt chú trọng lễ tảo mộ, gửi gắm hết cho các dịch vụ làm thay. Nhiều người cho rằng mình đang làm ăn tốt, kiêng đầu năm gặp vong hồn nên không muốn đi tảo mộ đầu năm.
Có thể nói, tục tảo mộ là một truyền thống tốt đẹp của người Việt, nhưng tới nay không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của phong tục này.
Tưởng nhớ tổ tiên:
Người Việt ta có câu “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”, do đó để tưởng nhớ công lao trời biển của đấng sinh thành, tổ tiên vào những ngày này con cháu từ phương xa lại quay về quê hương để thắp nén nhang, thăm viếng mồ mả, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, người thân của mình. “Cao nấm ấm mồ” đó là câu cha ông vẫn thường dặn dò con cháu đời sau. Do vậy, dù có đi đâu về đâu chúng ta vẫn luôn hướng về quê hương với một tấm lòng thành kính.
Truyền thống tâm linh: Người Việt tin rằng, tảo mộ sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho gia đình họ, và mang tính dòng tộc rõ nét. Đặc biệt, những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Nét đẹp văn hóa muôn đời: Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình cho rằng mỗi dịp tảo mộ cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên và cầu xin những may mắn tốt lành cho cả gia đình. Đây cũng là thời điểm kết thúc thời điểm “ăn chơi” để nghiêm túc hơn cho công việc trong năm mới.
Với cư dân thành thị, những người đã khuất được mai táng trong các nghĩa trang ở thành phố, do vậy thường khó duy trì việc những người trong gia đình, dòng họ khi khuất núi được chôn cất gần gũi, đầm ấm với nhau như ở thôn quê. Tuy thế, mỗi dịp xuân về Tết đến, họ vẫn sắp xếp thời gian để đến thăm viếng chăm sóc phần mộ của ông bà, người thân thể hiện tấm lòng hiếu thuận.
Không chỉ có phong tục đi tảo mộ mà một số nơi vẫn bảo lưu tập tục ăn đồ nguội, không thắp lửa trong ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, vì họ cho rằng không làm như vậy dễ có tai ương. Một số nơi người ta sau khi mang đồ đi cúng lễ thì lấy chia phần mang về hoặc cùng nhau ăn. Khi tảo mộ mang bánh tự làm sẵn đi cúng lễ, xong xuôi các thủ tục tảo mộ lại mang về thụ lộc.
Ngoài tục tảo mộ, ăn đồ nguội người Việt ta còn gọi “Mùa xuân là tết trồng cây”. Bởi lẽ, trước và sau Thanh minh, mưa xuân có ở nhiều nơi, sức sống của cây cũng mãnh liệt, vì thế từ xưa đến nay người ta có thói quen trồng cây vào mùa xuân. Nhiều người còn gọi tiết Thanh minh là tết trồng cây. Phong tục này được lưu truyền đến tận ngày nay.
Mời quý độc giả xem video: