Hệ thống kiến trúc tháp Champa trên vùng Tây Nguyên là một hình ảnh của nền văn hóa Việt Nam đa sắc tộc trong lịch sử.
- Hệ thống kiến trúc tháp Champa trên vùng Tây Nguyên là một hình ảnh của nền văn hóa Việt Nam đa sắc tộc trong lịch sử.
Vùng đất Tây Nguyên trải dài trên địa bàn 5 tỉnh từ Kom Tum đến Đăk Nông, nằm về vị trí phía Tây và Tây Nam Trung Bộ (phía Tây dãy Trường Sơn) nơi có núi cao, thác dữ, cùng núi rừng đại ngàn tít tắp. Những cuộc khai quật khảo cổ học tại Kom Tum (Lung Leng); Gia Lai (Trà Duôm, Biển Hồ); Đăk Lăk (Buôn Triết, Chư Ktu); Đăk Nông (Cư Dút ); Lâm Đồng (Cát Tiên, Lâm Hà) đã cho biết nơi đây từ thời Tiền - Sơ sử đã có những cộng đồng người sinh sống, quản lý vùng đất Tây Nguyên. Nhiều di chỉ cư trú rộng hàng vạn mét vuông với nhiều loại hình hiện vật: các công cụ sản xuất đồ đá, các loại hình đồ gốm minh chững cho sự tồn tại lâu đời, nhiều thế hệ của các cộng đồng người ở đây.
Bước vào thời kỳ lịch sử, khi tộc người Chăm sau nhiều lần đấu tranh chống phong kiến Trung Hoa giành được độc lập tự chủ, xây dựng nên nhà nước Lâm Ấp, quản lý dải đất ven biển miền Trung xây dựng nên nền văn minh Champa rực rỡ, thì người Chăm gắn bó chặt chẽ với vùng đất Tây Nguyên và văn minh Champa tỏa sáng trên vùng đất cao nguyên.
|
Tháp Yang Prong sau khi trùng tu tôn tạo. |
Nằm ở vị trí chiến lược trên bán đảo Đông Dương, phía Tây giáp 2 nước Lào và Campuchia, phía Đông giáp dải đất ven biển Trung Bộ và phía Nam giáp khu vực Đông Nam Bộ. Địa hình Tây Nguyên đa dạng, phức tạp, chủ yếu là cao nguyên với núi cao ở độ cao từ 250 - 2.500m, với đỉnh Ngọc Linh (Kom Tum) sừng sững phía Bắc có độ cao gần 3.000m và đỉnh Lanbiang (Lâm Đồng) cao vút phía Nam. Tây Nguyên được ví như nóc nhà của Đông Dương. Đây là nơi cư trú của các tộc người Gia Rai, Ra đê, MơNông, Ê đê, Mạ, STiêng, Chu ru... những tộc người gắn bó chặt chẽ với người Chăm trong lịch sử.
Nếu người Chăm quản lý, khai thác kinh tế biển là thế mạnh, thì các tộc người ở Tây Nguyên khai thác kinh tế rừng là chủ yếu. Sự kết hợp kinh tế rừng và biển là yếu tố cộng sinh gắn bó giữa người Chăm và các dân tộc Tây Nguyên. Khi người Chăm xây dựng nền văn hóa phát triển rực rỡ thì mối giao lưu văn hóa được mở rộng, văn hóa Champa có điều kiện tỏa sáng trên vùng đất Tây Nguyên theo suốt dặm dài lịch sử.
|
Tượng chim gắn trang trí tháp Yang Prong. |
Trong quá trình tồn tại và phát triển của văn hóa Champa, từ ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, người Chăm đã đã xây dựng hàng trăm đền tháp thờ thần trên dọc dải đất ven biển miền Trung. Những kiến trúc Champa to lớn về kích thước, bền vững về vật liệu, chạm khắc đẹp như một tác phẩm mỹ thuật khổng lồ được xây dựng từ thế kỷ VII - XVII cho đến nay vẫn tỏa sáng và ảnh hưởng đến các nền văn hóa xung quanh.
|
Tượng thần Champa ở KonTum. |
Theo truyền thống kỹ thuật xây dựng tháp Champa, vật liệu xây dựng tạo nên hồn kiến trúc là hàng vạn viên gạch màu đỏ rực được xây cất với kỹ thuật riêng biệt khéo léo tạo thành. Các viên gạch xây thành khối liền khít, không thấy mạch vữa tạo nên những kiến trúc Champa đỏ rực huyền bí như những điểm son tỏa sáng trong màu xanh núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Trải qua hàng trăm năm, những biến động của xã hội, sự can thiệp khắc nghiệt của tự nhiên, những tháp Champa hầu như bị đổ nát, nhưng giữa màu xanh ngằn ngặt của đại ngàn, những tháp còn lại vẫn đỏ son, là những bằng chứng kể về một quá khứ vàng son nay dần tắt.
(còn nữa)
Lê Đình Phụng