Tu viện quân sự Thiếu Lâm Tự: Truyền võ khắp dân gian

Google News

Danh hiệu Thiếu Lâm hiện đang bị lạm dụng. Chỉ riêng ở nội địa Trung Quốc đã có hơn 60 loại sản phẩm mang thương hiệu Thiếu Lâm

- Đến đời Kim, Giác Viễn hòa thượng cùng các cao thủ Bạch Ngọc Phong và cha con Lý Tẩu diễn luyện, nghiên cứu võ công Thiếu Lâm, viết ra bộ "Ngũ quyền tịnh yếu". Giác Viễn phát triển La Hán thập bát thủ thành La Hán thất thập nhị thủ (72 thế) rồi tăng thành La Hán nhất bách thất thập tam thủ (173 thế)... Đến đời Minh, Thiếu Lâm Tự lấy côn pháp làm bửu bối trấn sơn, vang danh bốn bể.

Diệt bạo trừ gian

Đời Minh, danh tướng Thích Kế Quang trong tác phẩm "Kỷ hiệu tân thư" nổi tiếng nói rằng "Côn pháp của Thiếu Lâm Tự nổi tiếng đời nay". "Võ bị chí" của Mao Nguyên Nghi chép "Trăm nghề võ khởi từ côn, côn khởi từ Thiếu Lâm". Võ tướng đời Minh Trình Tông Du từng học côn pháp tại Thiếu Lâm Tự 10 năm, viết nên "Thiếu Lâm côn pháp xiển tông", trong đó có nói đến Khẩn Na La là hòa thượng Thiếu Lâm Tự cuối đời Nguyên đầu đời Minh, rất giỏi về côn pháp, được xưng là "Thiếu Lâm côn pháp chi tổ".
 
a
Võ tăng Thiếu Lâm thường được xem là chủ công trong các cuộc chiến đấu chống cướp biển, bảo vệ vùng duyên hải Giang - Triết, bảo vệ cương thổ.

Lúc này, nhiều tự viện lấy võ công vang danh, theo "Minh sử" thì "Tăng binh có Thiếu Lâm, Phục Ngưu, Ngũ Đài", nhưng chỉ có Thiếu Lâm Tự là nổi tiếng nhất. Nguyên nhân là ngoài việc Thiếu Lâm côn pháp đã hình thành lưu phái riêng còn có nhân tố chính trị. Sử còn chép công lao của các võ tăng Thiếu Lâm Tự Huệ Uy (Thái Triệu), Huệ Lâm (Trịnh Khả) thống lĩnh quân triều đình nhiều phen đại phá quân Kim.

Võ tăng Thiếu Lâm thường được xem là chủ công trong các cuộc chiến đấu chống cướp biển, bảo vệ vùng duyên hải Giang - Triết, bảo vệ cương thổ. Theo "Giang Nam kinh lược" thì các võ tăng Thiếu Lâm Tự là Thiên Chân, Thiên Trì suất lĩnh hơn 40 tăng binh, nhiều lần giao chiến, đại phá cướp biển Nhật (Oa khấu). Các địa phương trong nước chiêu mộ hương binh đến Tùng Giang chống cướp Nhật, trong đó "tăng binh Thiếu Lâm Tự là kiêu dũng nhất, từng chém hơn 80 tên cướp ở Yên Kinh"...

Danh nho Cố Viêm Võ trong "Nhật tri lục - Thiếu Lâm tăng binh" tán thán rằng: "Khoảng năm Gia Tĩnh, Thiếu Lâm võ tăng là Nguyệt Không nhận hịch của đô đốc Vạn Biểu đánh bọn giặc cướp ở Tùng Giang, đồ đệ hơn 30 người, cầm gậy sắt tung hoành, giết giặc rất nhiều. Sau bị hãm giữa trùng vây, chiến đấu cả ngày, đều hy sinh cả. Than ôi! có thể cầm vũ khí bảo vệ giang san, hùng khí động sơn hà".

Mất vị thế chính trị, truyền võ khắp dân gian

Từ cuối đời Minh đến đời Thuận Trị, Khang Hy nhà Thanh, võ công Thiếu Lâm phát triển cực thịnh. Nhưng đến đời các hoàng đế Ung Chính, Càn Long vì lo ngại hội kín nên tìm mọi cách triệt thoái đặc quyền vũ trang của Thiếu Lâm Tự, không cho tụ tập luyện võ. Nhiều di thần võ tướng nhà Minh đã ẩn nhẫn nơi sơn dã, đợi thời cơ "phản Thanh phục Minh", trong đó có nhiều ẩn sĩ liên hệ mật thiết với Thiếu Lâm Tự.
 
a
Từ cuối đời Minh đến đời Thuận Trị, Khang Hy nhà Thanh, võ công Thiếu Lâm phát triển cực thịnh.

Tôn thất nhà Minh là Chu Đức Trù sau khi nhà Minh mất đã ẩn cư Thiếu Lâm Tự, xuống tóc làm tăng, sau làm trụ trì, pháp hiệu là "Thống thiền thượng nhân". Trong "Thiếu Lâm thập giới" 10 điều do ông đề ra thì có đến 4 điều về việc lập chí "phản Hồ phục Hán". Như  điều 1 nói: "Người học thuật này phải lấy việc khôi phục trung nguyên làm chí nguyện, sớm tối chuyên cần, không được xao lãng", hay điều 3: "Lúc luyện tập, thối lui 3 bước rồi bước tới 3 bước, gọi là đạp trung cung, để biểu thị không quên Trung Quốc"... Khi luyện công thì bắt buộc không được quay mặt về phương Bắc (vì người Mãn Thanh ở phía Bắc).

Như thế, việc phát triển vượt bậc của võ công Thiếu Lâm đời Thanh gắn liền với ý thức dân tộc. Điều này hoàn toàn tương đồng với tôn chỉ của các bang hội bí mật đương thời: Lấy tôn giáo để tổ chức quần chúng, dùng luyện võ để võ trang lực lượng. Có nhiều hội kín lợi dụng danh nghĩa, võ công Thiếu Lâm Tự và tinh thần yêu nước để hiệu triệu quần chúng, như Hồng quyền, Thiên địa hội, Hồng thương hội, Đại đao hội... Do tiến hành phổ biến bí mật trong quần chúng, mạnh ai nấy tạo cho mình một hình thức tổ chức mạnh nhất nên nhiều lưu phái ra đời, bài bản sai lệch, rất khó phân biệt đâu là võ công Thiếu Lâm chính tông.

Chính quyền triều Thanh rất để tâm đến việc các tổ chức bí mật mượn danh Thiếu Lâm Tự để "phản Thanh phục Minh". Vào đời Thuận Trị, trụ trì Thiếu Lâm Tự từng bị điều từ Bắc Kinh đến thay, lại truyền chỉ cấm luyện võ, cấm tàng trữ binh khí. Các võ tăng phải dùng hình thức hạ sơn vân du để truyền dạy võ công trong dân gian.
 
a
Danh hiệu Thiếu Lâm hiện đang bị lạm dụng rất nghiêm trọng.

Đến đời Ung Chính thì hiệu lệnh càng nghiêm. Theo "Thiếu Lâm Tự chí" thì Ung Chính đã tiến hành quản lý Thiếu Lâm Tự gay gắt. Khi Thiếu Lâm Tự tu sửa phòng ốc trong chùa, phương án vẽ thành họa đồ do Tổng đốc Hà Nam là Vương Sĩ Tuấn trực tiếp trình lên cho hoàng đế xem xét, Ung Chính phê rằng: "Trẫm thấy 25 phòng ngoài của Thiếu Lâm Tự cách quá xa chùa, theo lối "linh tinh tán ngoại" (sao lẻ tách ngoài) mà không ở trong khuôn viên chùa. Xưa nay có tăng nhân ở phòng xa chùa, không giữ thanh quy, vọng hành sinh sự, làm bại hoại cửa Thích. Nay Thiếu Lâm Tự dù có tu sửa cũng không nên làm phòng tản lạc ngoài chùa, khó bề kiểm soát". Đủ thấy chính quyền đương thời rất để ý đến Thiếu Lâm Tự.

Năm Càn Long thứ 4, tấu chương của Tuần phủ Hà Nam là Nhã Nhĩ Đồ đã nói rõ về âm mưu tạo phản của võ tăng Thiếu Lâm Tự: "Phía Nam Đại Hà, dân ở vùng núi, trẻ già có hung tục luyện tập đao kiếm quyền côn. Võ tăng Thiếu Lâm Tự lấy việc tập luyện côn quyền tụ tập bọn tà giáo vô lại, tùy ý thâu nhận làm bằng đảng". Do đó, triều đình mới có nhiều cuộc kiểm tra, thậm chí lập kế hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự nhiều phen.
 
Thiếu Lâm công phu có một hệ thống quyền thuật rất phong phú, đa dạng, chỉ riêng số bài quyền được ghi chép trong quyền phổ đã lên đến 708 bài, trong đó số bài quyền và binh khí chiếm 552, ngoài ra còn có công pháp thất thập nhị huyền công (72 tuyệt kỹ), cầm nã, giao đấu, trật đả, điểm huyệt, khí công 156 bài. Nhiều người yêu thích võ thuật trên thế giới đã quen với các tên Dịch cân kinh, Kim chung trạo thiết bố sam, Đại lực kim cang thoái, Nhị chỉ thiền, Thiếu Lâm côn, Đạt Ma kiếm, Thiếu Lâm cầm nã thủ...
Do triều đình kiểm soát gắt gao, nghiêm cấm luyện võ nên các võ tăng Thiếu Lâm Tự áp dụng nhiều biện pháp kín đáo để truyền bá võ công, như nói tránh đi là luyện tập thuật đạo dẫn hoặc mượn cớ vân du giáo hóa chúng sinh để đi khắp nơi, truyền thụ võ nghệ ở bên ngoài để tránh ảnh hưởng đến bổn tự. Các cao thủ võ lâm nổi tiếng đời Thanh được ghi vào "Thanh sử" như đại hiệp Cam Phượng Trì, Bạch Thái Quan, Lã Tứ Nương, Hồng Hy Quan, Mã hòa thượng Miễu Tăng... đều xuất thân từ Thiếu Lâm Tự hoặc được truyền thụ võ công Thiếu Lâm. Do đó, đương thời lưu hành câu nói "Thiên hạ võ công xuất Thiếu Lâm/Thiếu Lâm cao thủ tại tứ phương". Điều này nói rõ đương thời Thiếu Lâm Tự dưới sự áp bức chính trị của triều Thanh đã rời tự viện, truyền  bá võ công Thiếu Lâm khắp nơi.

Sự nổi tiếng thường đem lại không ít phiền toái. Danh hiệu Thiếu Lâm hiện đang bị lạm dụng rất nghiêm trọng. Chỉ riêng ở nội địa Trung Quốc đã có hơn 60 loại sản phẩm mang thương hiệu Thiếu Lâm với đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ nhà hàng, chân giò, lẩu hải sản cho đến nhãn bia, xe hơi, lốp xe, dụng cụ gia đình, dây điện... "Cả những bộ phim được quảng cáo là "công phu Thiếu Lâm" nhưng thật ra đó là một sự nhạo báng, mượn danh tiếng Thiếu Lâm để trục lợi", đại sư Thích Vĩnh Tín, phương trượng Thiếu Lâm Tự cho biết. Trước thực trạng này, từ đầu năm 2006, Thiếu Lâm Tự đã làm thủ tục đăng ký thương hiệu độc quyền.

Thiên Tường
[links()]

Bình luận(1)

Minh Hiền

Hùng

Một bài viết rất hay. Nhưng thật đáng tiếc, chẳng có một dòng chú thích nào, ngay cả những hình ảnh được chụp lại.