Tu viện quân sự Thiếu lâm tự

Google News

Thiếu Lâm Tự được triều Đường tin tưởng và che chở, tiếp tục duy trì đặc quyền huấn luyện tăng binh vũ trang.

- Trên thế giới hiếm có cơ sở tôn giáo nào gây "chấn động giang hồ" qua thời gian với những bí kíp võ công được lưu giữ hàng ngàn năm như Thiếu Lâm Tự.

Tổ đình Tung Sơn Thiếu Lâm Tự (ngoài ra còn có nam Thiếu Lâm Tự ở Tuyền Châu, Phúc Kiến; Bắc Thiếu Lâm Tự ở Kế Huyện, Hà Bắc) một ngôi chùa cổ ẩn dưới Ngũ Nhũ Phong, núi Thiếu Thất thuộc huyện Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chùa được thành lập từ năm Thái Hoà thứ 19 đời Bắc Nguỵ (năm 495), trụ trì là cao tăng Ấn Độ Bạt Đà. Thiếu Lâm Tự là một cổ tự nổi tiếng, lại ở gần kinh thành của hai triều Đường, Tống.

Văn nhân ít nói đến

Nhưng có điều lạ là trong văn chương đời Đường, Tống lại rất ít nhắc đến Thiếu Lâm Tự hay võ công Thiếu Lâm, chỉ một số ít ca tụng phong cảnh. Đến giữa đời Minh mới có một số văn nhân nói đến, như trong Tung du ký của Vương Sĩ Tuấn viết: "Võ tăng biểu diễn mỗi người mỗi vẻ, côn quyền vùn vụt như bay, trong có người đánh Hầu quyền, nhảy nhót múa may giống như khỉ thật".
 
a
Võ tăng biểu diễn đao pháp.

Xét qua lịch sử Thiếu Lâm Tự có thể thấy ngôi chùa này gắn liền với các nhân vật tôn giáo, chính trị, quân sự nổi tiếng Trung Hoa như Bồ Đề Đạt Ma, Đường vương Lý Thế Dân, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn, Thích Kế Quang, Du Đại Du, Trình Tông Du... Đó là một trong những điểm đặc biệt mà những nơi khác không có được, góp phần tạo nên danh tiếng "Thiếu Lâm Bắc Đẩu", hình thành một "tu viện quân sự" hùng mạnh.

Tương truyền năm 527, Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) từ Thiên Trúc theo đường biển sang Nam Hải (Quảng Châu, Quảng Đông ngày nay) hội kiến Lương Võ Đế nhưng cơ duyên không hợp nên vượt sông ngược dòng đến Thiếu Lâm Tự. Sau đó chùa dần dần mở rộng, tăng chúng ngày càng đông, danh tiếng ngày càng lớn, Thiếu Lâm Tự trở thành Tổ đình Thiền tông. Đạt Ma được tôn là Sơ tổ Thiền tông Phật giáo Trung Hoa, thiền pháp tu hành của Thiền tông gọi là "bích quán", tức tĩnh tọa đối mặt vào vách. Do ngồi xếp bằng lâu ngày rất dễ gây mệt mỏi, Đạt Ma thấy tăng chúng thân thể yếu đuối, tinh thần ể oải mới đem "Dịch cân kinh", "Tẩy tuỷ kinh"- phương pháp cường thân của Ấn Độ cổ truyền dạy. 

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, Đạt Ma đã sáng chế ra Đạt Ma kiếm, La Hán thập bát thủ, truyền dạy cho tăng chúng luyện tập. Do đó mới nói Thiếu Lâm quyền là do Đạt Ma sáng lập ra, "Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm". Kỳ thực vào thời Nam Bắc triều, tỉnh Hà Nam là nơi chiến loạn, binh lửa triền miên. Vì để bảo vệ tài sản của chùa, Thiếu Lâm Tự ngay từ khi xây dựng đã lập đội tăng binh võ trang, đương thời nhiều tự viện, miếu đường các nơi khác cũng đều như thế cả. Tăng chúng trong Thiếu Lâm Tự từng đánh đuổi một băng thổ phỉ đến cướp tự khí trong chùa, sau bị "bọn chúng lén phóng hỏa đốt tháp viện, phòng ốc bên trong đều thành tro tàn" (bia chùa Thiếu Lâm). 
 

 

 
"Thiếu Lâm Tự quyền phổ mật sao" ghi rằng: "Năm Kiền Đức thứ 1 (936), Phúc Cư chỉ thị cho các đệ tử Linh Trí, Linh Mẫn, Linh Khâu kết hợp kinh nghiệm luyện võ của Thiếu Lâm với công phu của 18 lưu phái võ lâm, làm thành bộ ’Thiếu Lâm quyền phổ" gồm 48 cuốn, trong đó quyền thuật có 173 bài, binh khí 133 bài, kỳ công mật lục (gồm điểm huyệt, cầm nã, ngự cốt đồ thủ) có 21 thiên, phụ đồ 3.895 bức".
Những khảo sát gần đây cho thấy, những chiêu thức trong Đạt Ma kiếm, La Hán thập bát thủ có phong cách tương đồng với chiêu thức quyền kiếm Trung Hoa vốn đã định hình từ đời Hán, Tam Quốc. Cuối đời Tùy, quần hùng cát cứ, Thiếu Lâm Tự ở vào giữa khu giao chiến giữa Đường vương Lý Uyên và Trịnh vương Vương Thế Sung. Vương Thế Sung có ý muốn chiếm Thiếu Lâm Tự, vì thế đội tăng binh vũ trang trong chùa được tăng cường tối đa để bảo vệ chùa. Năm Võ Đức thứ 3 (620), con Lý Uyên là Tần vương Lý Thế Dân đem 4 vạn tinh binh đông chinh đánh bại đại tướng Đơn Hùng Tín, trực chỉ Hàm Dương.

Lúc này Thiếu Lâm Tự nắm bắt thời cơ, trụ trì Chí Tháo cùng các võ tăng Đàm Tông, Huệ Dương đưa tăng binh theo hỗ trợ Đường vương, lập nhiều công lớn, nổi tiếng nhất là trận "13 côn tăng cứu Đường vương", bắt sống cháu Vương Thế Sung là Vương Nhân Tắc, bức hàng Vương Thế Sung được Lý Thế Dân ban thưởng rất hậu. Nhờ đó sau khi triều Đường thống nhất thiên hạ bèn ban cho Thiếu Lâm Tự "40 khoảnh đất, 1 bộ trục nước, nhận nhiều ân sủng, lập chốn tu hành từ đời này sang đời khác", phong Đàm Tông làm Đại tướng quân.

Chớp thời cơ

Từ đó có thể thấy, Thiếu Lâm Tự vang danh khắp nơi, khởi đầu là do các võ tăng chọn được thời cơ chính trị thích hợp, được giai cấp thống trị che chở. Theo "Tung Nhạc Thiếu Lâm Tự bi" thì Chí Tháo đại sư suất lĩnh tăng chúng đại phá quân Vương Thế Sung, bắt sống Vương Ích Tắc, chắc chắn con số võ tăng tham gia chiến trận không phải ít, sau này cho là "13 côn tăng cứu Đường vương" sợ rằng khó tránh khỏi hư cấu.
 
a
Luyện Nhị chỉ thiền

Thiếu Lâm Tự được triều Đường tin tưởng và che chở, tiếp tục duy trì đặc quyền huấn luyện tăng binh vũ trang. Vào cuối đời Đường, các phiên trấn có tình trạng cát cứ. Sách "Tư trị thông giám" của Tư Mã Quang ghi rằng: Vào năm Nguyên Hòa thứ 10 (815), võ tăng Thiếu Lâm là Viên Tịnh liên kết với Thanh Châu tiết độ sứ Lý Đạo mưu trừng phạt tham quan, định giết tể tướng, thảo phạt Đông bộ. Sau bị bộ tướng là Dương Tiến, Dương Tái Hưng làm phản, đưa quân vào Tung Sơn bắt Viên Tịnh, sai đại lực sĩ dùng dùi sắt đánh gãy chân hòa thượng nhưng cố sức mà đánh không gãy. Viên Tịnh lúc ấy đã 80 tuổi, quát lớn "Đồ chuột nhắt, bẻ chân không xong sao dám gọi là kẻ mạnh?". Trước khi hành hình, hòa thượng điềm nhiên nói: "Lỡ việc của ta, không để cho máu nhuộm Lạc Thành". Có thể thấy vị hòa thượng này đã luyện được võ công đến mức thâm hậu.

Theo "Quyền kinh quyền pháp bị yếu" thì Khai quốc hoàng đế Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn cũng từng học Thiếu Lâm Ngoại gia quyền mà lừng danh thiên hạ. "Bắc quyền hối biên" viết rằng: "Phái Thiếu Lâm ngoại gia thì Triệu Khuông Dẫn là tổ khai sơn vậy. Khuông Dẫn có tuyệt kỹ, không truyền ra ngoài, khi say mới nói cho quần thần biết sự ảo diệu của tuyệt kỹ ấy. Sau hối hận nhưng không muốn nuốt lời, khi qua đời mới giấu sách viết tuyệt kỹ ấy trong thần đàn Thiếu Lâm Tự. Tuyệt kỹ ấy lấy ngạnh công làm thượng thừa". Hình thức Sáo lộ (bài quyền) được định hình vào đời Tống mà khởi thủy là "Tống Thái Tổ tam thập nhị thế Trường quyền" (32 thế Trường quyền của Tống Thái Tổ) vì thế lại có thuyết nói quyền pháp Thiếu Lâm Tự khởi từ Tống Thái Tổ.

Những thuyết trên dù có căn cứ hay không cũng nói lên một điều: Võ công Thiếu Lâm (Ngoại gia) vang danh thiên hạ là diễn hóa từ trong thực tế chiến trận mà thành, chủ về cương mãnh để chiến đấu, không giống phái Võ Đang (Nội gia) chủ về âm nhu để dưỡng sinh luyện thần...

Đầu đời Tống, phương trượng Thiếu Lâm Tự là Phúc Cư đại hòa thượng đã ba lần mời 18 vị võ lâm cao thủ của các môn phái về hội tại Thiếu Lâm Tự để giao lưu võ công. Liên tiếp các triều đại sau, Thiếu Lâm Tự vẫn duy trì đặc quyền tăng binh vũ trang của mình, nhờ đó quyền thuật Thiếu Lâm không ngừng được hoàn thiện đến mức thượng thừa, ảnh hưởng cực lớn, được tôn xưng là "Thiếu Lâm Bắc đẩu".

Thiên Tường
[links()]

Bình luận(0)