Độ ăn chơi của các đại gia xưa khiến các đại gia ngày nay phải "ngả mũ".
Nói về thú ăn chơi của những đại gia Sài Gòn xưa, theo cuốn Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ, họ thường ăn uống cầu kỳ, đủ thứ món ngon vật lạ.
Những món ấy không không chỉ sẵn có ở địa phương mà còn mua ở nước ngoài.
|
Một gia đình giàu có ở Sài Gòn xưa. |
Rùa, rắn, trăn, cua đinh, lươn ếch, tôm càng, cua biển lột… cho tới thịt heo rừng, thịt nai, kỳ đà là lựa chọn số một của những đại gia thời xưa. Họ không chế biến đơn giản mà rất phiền phức. Và vì lẽ đó, nhà giàu nào cũng có nuôi thêm người đầu bếp riêng. Nhiều nhà có đến vài ba đầu bếp; người chuyên nấu món ăn Tàu, người chuyên nấu món ăn Tây và người chuyên nấu các món Việt Nam. Điển hình như Phước Georges (Lê Công Phước một đại gia có tiếng lúc bấy giờ). Năm 1932, đại gia này qua Pháp du lịch, đã đem theo người đầu bếp chuyên nấu món mình thích về nhà để phục vụ riêng. Giai thoại nổi tiếng nhất của Phước Georges là chuyện ông cùng với Hắc công tử (tức công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy), dùng tiền nấu chè đậu xanh để dành cô ba Trà (Trần Ngọc Trà) đã gây tiếng vang khắp vùng.
Dân nhà giàu xưa cũng rất “kết” món bò gác tréo. Món này phải lựa bò tơ, làm sạch, thui vàng, nướng nguyên con trên lửa than hồng. Con bò lăn trong trên một cây trục, hai đầu gác lên hai trụ bằng tre, xóc thành cái nạng như bắc cầu khỉ ở thôn quê. Bò được quay chầm chậm liên tục trên lửa than cháy riu riu. Khi bò vừa chín, lớp mỡ chảy xuống than nóng nghe xèo xèo, mọi người sắp hàng một, tay cầm đĩa, dao lần lượt tới vị trí con bò quay trên bếp than hồng và cắt thịt. Bước kế tiếp tiến tới chỗ để rau sống, đủ các loại, thêm chuối, khế... rồi tới chỗ lấy nước mắm pha sẵn hay mắm nêm. Cuối cùng họ tới chỗ để rượu đủ loại rồi tha hồ uống.
Không chỉ sành về ăn uống, các đại gia Sài Gòn xưa còn thích hút thuốc phiện. Cũng như rượu, người Pháp giữ độc quyền phân phối thuốc phiện trên toàn cõi Đông Dương. Nhà văn Hứa Hoành viết: Thuốc phiện được người Pháp du nhập vào nước ta từ trên Lào xuống. Họ đánh thuế nhẹ, giá rẻ gần như khuyến khích... nhằm đạt mục đích đầu độc, ru ngủ dân ta cho dễ cai trị.
Ở Sài Gòn, tại đường Lefebre (nay là đường Nguyễn Công Trứ), cạnh Ngân hàng Đông Dương ngày xưa có 3 tiệm hút. Mỗi tiệm có mặt tiền bằng ván ghép, cửa đóng kín mít. Ở cửa đi vào có khoét lỗ hình dài, phía trong có chong đèn đầu. Cạnh lỗ có treo tấm bảng bằng thiếc sơn, vùng trên có chữ nổi Régie Opium. Khách tới, đẩy cửa hông bước vào, thì thấy anh chàng khách trú ngồi đó. Qua khỏi quầy thì vào trong căn phòng dài, có kê vách tường một bộ sạp gỗ, dài cỡ 5 đến 7 thước, có bày gối bằng sành. Khách gọi thì họ đem bàn lại và hỏi “ngao tài hay ngao xỉu?”. Đây là các đơn vị thuốc phiện trong tiệm hút để hút tại chỗ.
Thuốc phiện bán tại Régie Opium được đựng trong hộp. Hộp lớn đựng một lượng (37,5g) thuốc phiện, hộp vừa đựng 5 chỉ. Còn hộp đựng á phiện có kích cỡ bằng nhau. Khách mua hút tại chỗ, có thể mua ngao tài (thứ lớn) có thể hút từ 3 tới 5 điếu, hoặc có thể mua ngao xỉu (thứ nhỏ) chỉ hút hai điếu. Hai người rủ nhau vào tiệm hút có thể mua một ngao tài chia nhau mỗi người 2 điếu hút cũng đủ say. Nổi tiếng trong số đó là tiệm hút ông Hai Thóc gần sòng bạc Kim Chung, quán Tùng Sơn trên đường Lê Văn Duyệt.
Cựu phó tổng thống Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ cũng một thời làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo giới. Đó là chuyện rước làng về dinh của ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông chơi trội tới mức dùng máy bay trực thăng riêng đậu trên sân thượng khách sạn Carvelle để tỏ tình, cầu hôn cô tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai, rồi đưa cô đi ăn tối ở Singapore, ăn sáng ở Đà Lạt...
Có thể nói, các đại gia Sài Thành xưa với những khối tài sản khổng lồ, không biết tiêu cách nào cho hết tiền, nên cứ thế thỏa sức phung phí và cờ bạc. Ngoài mục đích là tiêu khiển, các đại gia này còn muốn thể hiện đẳng cấp, sành đời mà đến nay các đại gia cũng phải trầm trồ thán phục.
Theo NĐT
[links()]