Theo những ghi chép của sử sách, mẹ ruột của Tôn Trung Sơn, Dương thái phu nhân qua đời ngày 19/7/1910 tại Cửu Long, Hồng Kông, hưởng thọ 83 tuổi. Lúc bấy giờ, Tôn Trung Sơn đang từ Singapore đi Malaysia, vì thế tang lễ của Dương thái phu nhân do La Diên Niên, một thành viên của Hội Đồng minh thay mặt tổ chức.
Từ trước tới nay, mộ của Dương thái phu nhân luôn là một vấn đề được những người yêu thích phong thủy quan tâm. Địa thế đặc biệt cũng như thời gian mai táng của ngôi mộ có nhiều điểm trùng hợp với bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Tôn Trung Sơn, đã để lại cho hậu thế rất nhiều không gian để tưởng tượng. Các nhà phong thủy ở Hồng Kông đã xếp ngôi mộ này vào một trong “10 huyệt mộ nổi tiếng của Hồng Kông”.
|
Mộ Dương Thái phu nhân. |
Tuy nhiên, có một tình huống không thể xảy ra, đó là, sau khi thi thể được chôn xuống nơi long huyệt, trong suốt một thời gian dài không phát huy tác dụng, cho tới 1.000 năm sau đó đột nhiên lại bộc phát, hơn nữa lại xuất hiện một bậc “chân long”.
Vì thế, có thể khẳng định quan điểm cho rằng, Tôn Trung Sơn trở thành tổng thống Trung Hoa Dân quốc là nhờ mộ tổ tiên của dòng họ Tôn ở Ninh Đô là hoàn toàn không có khả năng.
Ngược lại, các nhà phong thủy cũng cho rằng, những long huyệt có núi, sông ở gần chính là những huyệt có thời gian phát tích nhanh. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Giơ tay với được bàn thì phú quý ngay ở trước mắt”, nghĩa là, ngọn núi ở phía trước mộ ở gần, giơ tay là tới thì hiệu quả của phong thủy sẽ thấy ngay.
Ngoài ra, hồ ở phía trước mặt, bốn mặt đều là núi bao quanh đều là những địa thế phong thủy phát tích nhanh. Mặc dù phong thủy những câu chuyện “Dân táng Mão phát” (chôn vào năm Dần, tới năm Mão đã phát) đều mang đậm sắc thái thần kỳ, tuy nhiên, nó cũng chứng tỏ rằng, việc phong thủy của huyệt mộ phát tích nhanh không phải là không có khả năng.
Nói như vậy thì liệu mộ của Dương thái phu nhân, mẹ ruột của Tôn Trung Sơn có phải là loại phát tích nhanh hay không? Điều này không cần phải nói tới địa thế của Hồng Kông hay bản thân ngôi mộ, chỉ cần phân tích một chút về “tứ tượng” và trước sau của huyệt mộ thì không khó để trả lời.
Phi Nga Sơn hay còn gọi là Cửu Long Sơn, cao 602 mét so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất ở Cửu Long và là ngọn núi cao thứ 8 ở Hồng Kông. Khi lên mộ của Dương thái phu nhân, chỉ cần ngẩng đầu là có thể nhìn thấy đỉnh Phi Nga sừng sững tú lệ.
Từ trước mộ nhìn lên, có thể thấy rõ đỉnh núi nằm chính diện ở hướng thân, giống như một chiếc mũ đội lên ngôi mộ. Cúi đầu nhìn xuống, sẽ thấy sắc nước mênh mông, gần là hồ, xa là biển, hồ và biển như nối liền với nhau.
Ở hai bên trái phải của ngôi mộ là hai dãy núi lúc cao lúc thấp, kéo dài tới hơn 10 dặm, hình thành thế bao bọc. Căn cứ vào đó mà suy thì dù nơi đây đúng là huyệt chân long vẫn cần 3-5 năm thời gian mới có thể phát tích được.
Huống hồ, từ khi phong thủy phát tích cho tới khi hiển quý vẫn còn là một quá trình. Do vậy, việc khẳng định mộ của Dương thái phu nhân đã giúp Tôn Trung Sơn trở thành tổng thống vẫn là một quản điểm không đáng tin cậy.
Nơi đặt mộ của Dương thái phu nhân cảnh sắc rất đẹp, không khỏi khiến người ta liên tưởng tới sự nghiệp của Tôn Trung Sơn. Nếu như không phân tích một cách kỹ lưỡng từ góc độ phong thủy mà chỉ nhìn vào hình thế bên ngoài thì thế núi, sông hồ nơi đây quả thực là một nơi cảnh đẹp khó tìm thấy ở nơi khác.
Lúc bấy giờ, gia tộc họ Tôn mặc dù không phải là nhà đại phú đại quý gì, tuy nhiên, danh tiếng của Tôn Trung Sơn cộng thêm việc buôn bán của Tôn My cũng rất phát triển, vì vậy gia cảnh nhà họ Tôn không hề kém.
Thêm vào đó, La Diên Niên, người đứng ra thay mặt Tôn Trung Sơn cũng hết lòng hết sức. Dựa vào sự cố gắng của họ cộng thêm các thầy phong thủy tại địa phương, việc tìm được một mảnh đất tốt như nơi đặt mộ Dương thái phu nhân quả thực không dễ chút nào.
Chắc chắn những người chọn vị trí này cũng giống như hậu nhân đời sau, đều bị hấp dẫn bởi cảnh sắc và khí thế của nơi đây, vì thế mà đều lấy đó làm tự hào.
Vậy ngôi mộ nổi tiếng, khiến người Hồng Kông tự hào có thực sự là một nơi có phong thủy cực tốt lành hay không? Trên thực tế, mộ của Dương thái phu nhân mới nhìn có vẻ tận thiện tận mỹ, tuy nhiên, bên trong lại ẩn tàng những nguy cơ cực kỳ hung hiểm.
Có thể thấy, đỉnh núi Phi Nga là điển hình của Hỏa tinh, đỉnh nhọn, có lửa, đá núi lởm chởm rợn người. Đứng ở nơi đặt mộ mà nhìn, dãy núi liền nhau, cao ngút. Mặc dù đứng cách đỉnh núi rất xa, song vẫn cảm thấy khí thế ngút trời của nó.
Do đỉnh núi cao và dốc, do vậy cả Thanh Long và Bạch Hổ ở hai bên phải trái đều bị thu hẹp. Tại nơi kết huyệt lại không cao lên hẳn mà chỉ hơi nhú lên. Có lẽ, chỗ kết huyệt này kết hợp với thế liên hỏa của đỉnh núi, hình thành ý “hỏa luyện chân kim” nên các thầy phong thủy lúc bấy giờ mới cho rằng đây chính là nơi kết huyệt của long mạch và quyết định đặt mộ ở ngay phía dưới vị trí này.
Ngày nay, lại có người nói rằng, hình thế của ngôi mộ là thế “thổ sinh kim”, có lẽ hiểu rằng, mộc chính là đại diện của đỉnh núi cao kia.
Thực chất, ngũ hành tương sinh tương khắc trong thế long mạch không thể dồn làm một thể. Hình thái của ngũ hành bản chất là phân minh. Mặc dù thế núi có thể đa dạng, cùng lúc có tới 2 tới 3 hành hợp thành một thể, tuy nhiên, vẫn phải có một hành nào đó làm chủ, không thể lẫn lộn hay đánh đồng được.
Mộ của Dương thái phu nhân, chủ thể không phải là Hỏa Thổ, cũng chẳng phải là Thổ Kim, cũng chẳng phải Mộc mà thực chất chỉ có Hỏa.
Chiếu theo ngũ hành thì nếu như không có hỏa, không thể phát tới tam công. Vì thế, phàm là những long huyệt cực tốt thì chắc chắn mang theo hỏa. Như vậy, mộ của Dương thái phu nhân chỉ có Hỏa như vậy thì liệu có thể phát được tới chức tam công hay không? Câu trả lời là không!
Thanh Ô tiên sinh, thầy phong thủy thời nhà Hán từng nói về 7 nơi không nên đặt mộ. Bảy nơi đó bao gồm: Đồi trọc, Núi lởm chởm, Núi đá, Núi nối liền, Núi chỉ có một ngọn, Núi quá nhỏ và chật chội, Núi nghiêng.
Chỉ cần vướng vào một trong 7 loại đặc điểm trên thì tuyệt đối không nên đặt mộ. Đến đời nhà Thanh, Thẩm Tân Châu tiên sinh cho rằng, trong 5 hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ thì duy nhất chỉ có hành Hỏa là không nên đặt mộ.
Họ Thẩm nói: “Trong ngũ hành chỉ duy có hành hỏa không kết huyệt. Ta đi khắp thiên hạ đã nghiệm chứng điều này”. Nếu như lập huyệt nơi hành Hỏa thì dù phú quý cũng không bền. Nó là nơi “đại cát” nhưng cũng tiềm ẩn điềm “đại hung”. Trong thiên hạ, thực sự rất khó tìm thấy nơi nào người ta dựng mộ nơi hành Hỏa.
Tuy nhiên, mộ của Dương thái phu nhân nằm cách xa đỉnh núi tới vài trăm mét, do vậy, khí thể của lửa dường như có giảm bớt, đứng trước huyệt mộ không cảm thấy thật rõ hơi nóng của nó. Tuy nhiên, Hỏa tinh ở ngay trên đầu, hai bên lại bị đá ép chặt nên dần dần nơi đây cũng bị Hỏa tinh làm tổn thương.
Vì thế, ngọn núi mà người ta chọn làm nơi đặt huyệt mộ hoàn toàn không phải là nơi kết huyệt. Bản thân nơi đặt huyệt chẳng phải là thứ long hổ gì, vì thế, những ngọn núi ở hai bên trái phải thực tế là chỉ mượn thế mà trở thành những ngọn núi bảo vệ mà thôi.
Bản thân nơi đặt mộ không phải là huyệt chân long, Tôn Trung Sơn lại dựa vào ngôi mộ này mà thăng quan tiến chức, trở thành đại tổng thống thì chẳng khác gì cây không có rễ, nước không có nguồn.
Địa thế phong thủy của mộ Dương thái phu nhân có thể nói là một sự hô ứng đối với mộ tổ Tôn Trung Sơn ở thôn Thúy Hanh, quê Tôn Trung Sơn, cùng là kết huyệt ở hành Hỏa. Phong thủy tiên thiên và hậu thiên cùng kết hợp đã tiên định cuộc đời huy hoàng nhưng ngắn ngủi của Tôn Trung Sơn.
Có thể thấy, mộ của Dương thái phu nhân có phải là long huyệt? Có nên mai táng hay không? Đây là vấn đề không khó để trả lời.
Tuy nhiên, cũng khó mà nói rằng, đây là một nơi có địa thế phong thủy “đại hung” được. Dẫu sao, nơi đặt mộ cũng cách đỉnh núi tới vài trăm mét, thêm nữa, hai bên lại có hai dãy núi có tác dụng yểm hộ, thêm vào đó, cảnh phía trước lại có sông, có nước.
Nếu như nơi đặt mộ thực sự là long huyệt thì có lẽ không đánh mất địa thế “thủy hỏa sánh đôi” cực kỳ tốt của nơi đây. Đáng tiếc, cảnh phía trước tuy đẹp, song lại không thực. Không phải là một nơi long mạch kết tác, mộ của Dương thái phu nhân không thể tạo nên điềm đại phúc, chỉ còn cầu tránh được đại hung mà thôi.
Mộ của Dương thái phu nhân và mộ của Tôn Trung Sơn cũng có nhiều điểm tương đồng. Mặc dù mỗi nơi có một đặc điểm khác nhau, tuy nhiên, cả hai đều không phải là huyệt chân long.
Thêm vào đó, về cảnh phía trước mộ, lăng Tôn Trung Sơn không bằng được với mộ của Dương thái phu nhân. Cảnh sắc phía trước của mộ Dương thái phu nhân rất tươi đẹp, có núi có hồ, giống như một chiếc đai bằng ngọc.
Trong khi đó, phía trước lăng mộ Tôn Trung Sơn mặc dù nhìn ra sông Tần Hoài, song lại quá rộng lớn mênh mang, khó có thể có tác dụng thực tế. May mắn là lăng mộ Tôn Trung Sơn có được cái linh khí của núi Chung Sơn, ngọn núi chính là nơi xuất long khí, huyệt thổ dày dặn, hơn hẳn so với mộ của Dương thái phu nhân.
Điều thú vị chính là, ở phía Tây của ngọn núi Phi Nga, cũng là hướng Tây Nam của mộ Dương thái phu nhân chính là ngôi miếu Hoàng Đại Tiên lúc nào hương khói cũng thịnh. Ngôi miếu này dựa lưng vào núi Sư Tử, đây là ngọn núi giống như Phi Nga Sơn, tiếp nối mạch núi của Mã Yên Sơn nhưng tạo thành thế sừng trâu với ngọn núi này.
Ở vị trí đặt mộ của Dương thái phu nhân, ngay phía trên đầu chính là Hỏa tinh của Phi Nga Sơn. Nó giống như một ngọn đuốc trời, cháy cả ngày không tắt. Tuy nhiên, ở miếu Hoàng Đại Tiên thì dường như người ta không hề cảm thấy sức nóng của “bà Hỏa”.
Có thể nói, so với mộ của Dương thái phu nhân, miếu Hoàng Đại Tiên cách đó không xa lại là một nơi phong thủy cực tốt. Thực sự đáng tiếc khi người ta không chọn nơi đây làm nơi đặt mộ của Dương thái phu nhân mà lại chọn vị trí ngay dưới tầm mắt của ngọn núi Phi Nga.
Mọi người đều nói địa thế phong thủy của lăng Tôn Trung Sơn cũng như lăng mộ của Dương thái phu nhân là nơi có phong thủy đẹp. Thực tế thì đây chỉ là những nơi có phỏng cảnh đẹp mà thôi.
Sở dĩ lăng mộ Tôn Trung Sơn cũng như Dương thái phu nhân có những khuyết điểm lớn như vậy là do người chọn vị trí đặt mộ không phân biệt rõ giữa phong thủy và phong cảnh. Người ta thường cho rằng, phong cảnh đẹp tất phong thủy tốt.
Khi mẹ của Tôn Trung Sơn qua đời, Tôn Trung Sơn đang ở Malaysia, bị cấm nhập cảnh, vì thế bà được những người bạn của Tôn Trung Sơn chọn mộ rồi tổ chức an táng. Theo ghi chép của sử liệu, cho tới tận khi Tôn Trung Sơn qua đời, do bận quốc gia đại sự, Tôn Trung Sơn không có thời gian tới Hồng Kông để thăm mộ mẹ.
Về địa thế phong thủy của ngôi mộ Dương thái phu nhân ở Hồng Kông, có lẽ cũng có người đã báo cáo với Tôn Trung Sơn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ người đời đều hết lời ca ngợi địa thế phong thủy của ngôi mộ này, Tôn Trung Sơn lại không được chứng kiến tận mắt, nên có lẽ vẫn tin đó là sự thật.
Sau đó, chính bản thân Tôn Trung Sơn, một người chỉ biết xem phong cảnh chứ không hề biết xem phong thủy lại đi cười nhạo Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế luôn có tới hàng trăm thầy phong thủy lừng danh ở bên cạnh để tự chọn mộ cho mình.
Hai sự việc diễn ra ở hai nơi khác nhau nhưng lại có cùng một điểm chung, đó là sự nhầm lẫn giữa phong cảnh và phong thủy, dẫn tới những hậu quả không thể cứu vãn được.
Từ trước tới nay, đã có rất nhiều người khảo sát những vấn đề phong thủy liên quan tới Tôn Trung Sơn. Mỗi người mỗi cách vì thế các kết luận được rút ra cũng hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ cần chúng ta tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của phong thủy mà phân tích, tuyệt đối không rời xa cái gốc gác của nó thì kết luận được rút ra dù có khác nhau chút ít vẫn giống nhau về cơ bản. Đó là cái phong phú mà ảo diệu của phong thủy vậy.