Phát ngôn “khó đỡ” của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh

Google News

"Thiên hạ là tôi đây" là câu nói nổi tiếng của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh

- "Thiên hạ là tôi đây" là câu nói nổi tiếng của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh.

Nguyễn Quốc Trinh (1624 - 1674) đỗ trạng nguyên khoa thi năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2, đời vua Lê Thần Tông.

Thi đỗ cao khoa, nức tiếng thầy

Nguyễn Quốc Trinh người làng Nguyệt Áng (nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Ông làm quan đến chức Hình bộ Hữu thị lang, Lễ bộ tả thị lang, Hộ bộ hữu thị lang, Lại bộ hữu thị lang. Khi ông mất năm 1674 được Tây Định vương Trịnh Tạc truy tặng chức Binh bộ Thượng thư, tước Trì quận công, ban thuỵ hiệu là Cương Trung.

Thuở nhỏ, gia đình họ Nguyễn, gia cảnh nghèo túng, nhưng quyết chí cho hai con trai là Nguyễn Quốc Trinh và Nguyễn Đình Trụ được ăn học đến nơi đến chốn. Cả hai tìm đến một thầy đồ làng bên để học. Hằng tháng, bà chị gái tằn tiện, mang tiền gạo đến chu cấp cho hai em.

Một hôm chị đến thăm, chẳng thấy cậu Trinh học hành gì cả, mà đang chơi diều giấy ở ngoài đồng. Chị lôi cậu em vào trình với thầy học. Thầy nhìn cậu, nghiêm nghị:

- Tội anh đáng đòn. Nhân tiện có chị anh sang đây, ta cũng muốn để gia đình biết được sức học của anh. Nay thầy ra một vế đối, nếu đối được thì tha, đối không được ta sẽ đuổi về luôn.

Nói rồi thầy đọc:

Mê chơi chẳng học, quên lời chị

Nguyễn Quốc Trinh không cần nghĩ ngợi, đối ngay:

Thi đỗ cao khoa, nức tiếng thầy.

Câu đối đó làm cả thầy, cả chị đều vui vẻ. Sau vụ này, thầy còn nuôi cho hai anh em Nguyễn Quốc Trinh ăn học. Sau này Nguyễn Quốc Trinh thực hiện đúng lời đối của mình. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Kỷ Hợi (1659) triều Lê Thần Tông. Em ông là Nguyễn Đình Trụ đỗ tiến sĩ.

Quê hương trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh thôn Nguyệt Áng, Thanh Trì, Hà Nội.
Quê hương trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh thôn Nguyệt Áng, Thanh Trì, Hà Nội.

Lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ

Về cuộc đời làm quan của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh có nhiều mẩu chuyện đặc sắc, nhưng người ta nhớ nhất câu chuyện xung quanh lời phát biểu của ông đã trở thành danh ngôn hồi đó. Nhà Lê vào thế kỷ XVII trở đi chỉ là hư vị, mọi việc đều do họ Trịnh chấp chính. Nhưng nhiều ông chúa Trịnh vẫn còn nuôi ý định cướp ngôi Lê.

Chúa Trịnh Tạc, muốn thử xem lòng người có phục không, đã sai quân lính đắp một cái đài ở Thăng Long đặt tên là đài Thu Thiên. Đài đã được dựng cột đào móng, hình thành nên cái khung của vẻ quy mô bề thế. Chúa đến tận nơi xem xét, đem cả Nguyễn Quốc Trinh đi theo. Nguyễn Quốc Trinh là người rất có công với chúa Trịnh Tạc. Nhìn quang cảnh đầy triển vọng nguy nga, chúa hỏi:

- Thế nào, ý ông ra sao?

Nguyễn Quốc Trinh trả lời:

- Khải chúa thượng, xây đắp thế nào chẳng được, nhưng lòng thiên hạ không vui đâu.

Chúa tái mặt hỏi lại:

- Thiên hạ trăm nghìn người, một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng.

Nguyễn Quốc Trinh ung dung đáp:

- Thiên hạ là tôi đây, lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ. Chúa nín lặng, không nói gì lên kiệu về cung. Tối hôm ấy, một cơn bão nổi lên, sét đánh gãy mấy cây cột dài. Trịnh Tạc đành bỏ, không cho dựng nữa.

Trần Hồng Đức
 
 
[links()]

Bình luận(0)