Những thăng trầm của đất Thăng Long - Hà Nội

Google News

Cái tên Hà Nội, để chỉ vùng đô thị có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam này, chỉ mới xuất hiện vào năm 1831 thời vua Minh Mệnh.

- Cái tên Hà Nội, để chỉ vùng đô thị có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam này, chỉ mới xuất hiện vào năm 1831 thời vua Minh Mệnh.
 
Khởi thủy, nơi này chỉ là một khu làng cổ nằm ven sông Tô Lịch tựa lưng vào nùi Nùng. Từ khi mới hình thành một hạt nhân nhỏ, cho đến khi mở mang rộng lớn, vẫn dựa vào thế trước sông sau núi. Phía trước là sông Nhị Hà (sông Hồng) và phía sau là núi Tớm (Tản Viên, Ba Vì).
Tượng đức vua Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Tượng đức vua Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Khu làng cổ đầu tiên của Hà Nội có tên gọi là Long Đỗ (rốn rồng) vào thời Hùng Vương - An Dương Vương dựng nước thuộc bộ Tây Vu. Thời Bắc thuộc là đất huyện Tây Vu và Phong Khê, là đất huyện Vũ và Nam Định đời Ngô (thế kỷ III) và đời Tấn (thế kỷ VI). Từ giữa thế kỷ V, làng Hà Nội cũ phát triển thành huyện Tống Bình.

Đến giữa thế kỷ VI, Lý Bí nổi dậy chống Bắc thuộc và lập nước Vạn Xuân, khu trung tâm Hà Nội cổ đóng vai trò là một trung tâm của đất nước. Một tòa thành cổ lần đầu tiên được xây dựng tại đây. Sách "Lương thư" chép: Năm 545 Lý Bí (Lý Nam Đế) dựng thành lũy bằng tre, gỗ ở cửa sông Tô Lịch (sông Tô Lịch thông ra sông Hồng ở Giang Khẩu - Hà Khẩu nay là khu vực phố Hàng Buồm, Ngõ Gạch, Chợ Gạo).

Sang thế kỷ VIII, Tống Bình trở thành trung tâm thống trị cả miền đồng bằng Bắc Bộ của nhà Tùy. Năm 621, nhà Đường thay nhà Tùy bắt đầu xây dựng thành lũy ở Tống Bình và đến năm 679 thì đặt trị sở của An Nam đô hộ phủ khống chế cả nước ở Tống Bình. Từ đấy đến thế kỷ X, Hà Nội cổ trở thành dinh lũy của chính quyền đô hộ phương Bắc, với một vòng thành Đại La rộng lớn và từ đó Đại La trở thành một tên riêng nữa của Hà Nội.

Đầu thế kỷ X với sự kiện họ Khúc dấy nghiệp (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ), Dương Đình Nghệ và cuộc kháng chiến của Ngô Quyền, trung tâm Hà Nội cổ trở thành địa bàn đấu tranh (năm 905) là chiến trường (các năm từ 934 - 938) kết thúc thời đại ngàn năm Bắc thuộc.

Từ giữa thế kỷ X và đến cuối thế kỷ ấy, đất nước được giải phóng. Trung tâm Hà Nội cổ được Lý Thái Tổ đánh giá trong Chiếu dời đô là "ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng quấn, hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả". Đấy là lời mở đường cho miền trung tâm Hà Nội cổ trở thành quốc đô nước Đại Việt: "Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sử muôn đời". Đô thị cổ chính thức thành lập từ ấy kết thúc thời kỳ "tiền Thăng Long" bước vào thời kỳ phát triển của đô thị.

Từ năm 1010 - 1225, trong 215 năm với tên gọi Thăng Long, Hà Nội là đô thị - kinh thành của triều đại Nhà Lý. Đây là thời kỳ phục hưng toàn diện của dân tộc. Trong bối cảnh của sự phát triển đó, Thăng Long cũng đã được xây dựng một cách cơ bản, làm nền tảng cho sự phát triển của đô thị ở thời kỳ sau.
 
Một khu "thành" chính trị - hành chính mọc lên, với các cung điện, lâu đài nguy nga và một khu vực "thị" làm ăn buôn bán, dịch vụ sầm uất ngày càng mở rộng, với những hoạt động đa dạng và sôi động với tất cả mọi hoạt động của một chính thể quốc gia như hoạt động cung đình, triều chính đến những việc quốc gia đại sự như duyệt binh, xuất quân đánh giặc, dẹp loạn. Từ những công việc sản xuất kinh doanh phát triển các nghề thủ công, buôn bán đến những hoạt động văn hóa như xây dựng đền chùa, tháp, mở trường học tổ chức thi cử, lễ hội - trung tâm của một thời kỳ văn hóa rực rỡ trong lịch sử đất nước đã lưu hành tại đây, mang chính tên của đô thị "văn hóa Thăng Long"...
         
(còn nữa)

Trịnh Dương

Bình luận(0)