Những tấm bia mộ trong vườn nhà ông già Bến Ngự

Google News

Trong khu vườn ở Ngôi nhà Bến Ngự, nơi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị đưa về an trí những năm cuối đời có những tấm bia rất đặc biệt.

- Trong khu vườn ở Ngôi nhà Bến Ngự, nơi nhà yêu nước Phan Bội Châu bị đưa về an trí những năm cuối đời có những tấm bia rất đặc biệt.
 
Bản di chúc đầu tiên của Phan Bội Châu

Những năm cuối đời, Phan Bội Châu cảm thấy sức khỏe giảm sút và cái chết đến gần. Ông đã chủ động chuẩn bị cho việc “xuất dương” (từ Phan Bội Châu dùng để chỉ cái chết). Ông đã cho đúc sẵn một cỗ quan tài bằng bê tông rồi đặt vào huyệt, chỉ riêng tấm thiên của quan tài là để rời ra ngoài. Đồng thời ông cho đúc một tấm bia.

Nguyên văn chữ Hán khắc ở tấm bia mộ Cụ như sau:

“Phan Bội Châu sinh huyệt tự minh:

Dư vạn cổ trạch dã; Dư tử tức tốc tang ư thị. Thả thiết tuân như hạ, sở liệt chi chúc ngữ:

Cấm chỉ quan quách, khâm liệm, trúc phần, thiết điện đẳng nhất thiết tục lệ.

Cấm chỉ tang phục, tang nghi, khốc tục đẳng... nhất thiết hư văn.

Cấm chỉ phó tang, ai cáo đẳng... nhất thiết hư văn.

Thân bằng cố cự, hữu nhân, cố bất cập tri dư tử giả, tận khả tâm thích.

Phàm ngã hậu nhân, thành ái dư giả, duy kế chí thuật sự, thượng hĩ, dư câu bất tất.

Nam lịch. Giáp Tuất niên... nguyệt.... nhật

Tây lịch- Nhất thiên cửu bách tam thập, tứ niên... nguyệt... nhật.”

Dịch như sau:

Lời tự minh sinh huyệt Phan Bội Châu

“Đây là nhà ở muôn đời của ta. Khi ta chết thì phải chôn ngay tại đây và phải tuân theo lời dặn sau này:

- Cấm không được khâm liệm, quan quách, xây mộ, lập đền thờ, theo tục lệ;

- Cấm không được để tang, cúng tế theo lối hư văn;

- Cấm không được cáo ai, phó tang theo lối hư văn;

- Thân bằng cố hữu, vì không được biết tin ta chết, chỉ để lòng thương nhớ thôi. Phàm kẻ sau thành tâm thương ta chỉ “kế chí thuật sự”, ngoài ra chẳng cần gì khác!

Nam lịch năm Giáp Tuất, tháng... ngày

Tây lịch năm 1934, tháng.... ngày”.

Lời văn bia khắc năm 1934 này coi như bản Di chúc đầu tiên của cụ Phan.

Bia mộ con Vá và con Ky trong vườn nhà ông già Bến Ngự.
Bia mộ con Vá và con Ky trong vườn nhà ông già Bến Ngự.

“Nói thì dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó?”

Thời gian ở tại ngôi nhà Bến Ngự, Huế, cụ Phan Bội Châu có nuôi hai con chó rất có nghĩa. Một con tên Vá, một con tên Ky. Cụ mến quý hai con chó ấy vô cùng. Cho nên khi chúng chết, cụ đã dựng bia kỷ niệm.

Bia mộ con Vá, cụ đề:

Nghĩa Dũng Cẩu - con Vá chi trủng.

Và có tấm bia đá dựng cạnh nấm mộ với lời minh khắc bằng chữ Hán:

“Duy dũng giả kiến cường tắc đấu. Duy nghĩa giả tận trung ư chủ; ngôn giả đa, hành hãn cầu; nhân thả nhiên, huống ư cẩu. Ư duy nhữ bàng, nãi kiêm nhi hữu. Khởi nhược thuỳ tai, diện nhân tâm thú. Dung thị thê nhiên, thử bi như mộ!”

Ở bên phải tấm bia này là bia khắc chữ Quốc ngữ:

“Vì có dũng nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa nên trung thành với chủ; nói thì dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó?

Ôi! Con Vá này đủ hai đức đó. Há như ai kia, mặt người lòng thú. Nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó!”

Ngoài việc dựng bia con Vá, cụ Phan còn có một bài báo viết về Lịch sử con Vá (xem ở sách Phan Bội Châu toàn tập - tập 7 - NXB Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2001, tr 378-382).

“Kìa những hạng muông người”

Bia mộ con Ky, cụ đề:

Nhân trí cẩu - con Ky chi trủng

Và cụ cũng có bia khắc lời minh chữ Hán như sau:

“Cận nhân giả thường bần vu trí, cận trí giả thường bần ư nhân, nhân trí lưỡng bị nan hĩ tai! Hà vật súc nhân nãi kiêm nhi hữu. Đồng sự nhất chủ tắc cốt nhục thị chi, vô miêu cẩu chi giới, nhân dã. Kiến phi kỳ chủ tắc cừu địch chi, hoá lợi bất năng nhĩ, trí dã. Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ! Thiên hồ! Nhữ nãi bất thọ! Thủ lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ dương hà như!

Nam lịch Đinh Sửu... nguyệt... nhật

Chủ nhân Sào Nam chí”.

Bia chữ Quốc ngữ, cụ đề:

“Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; Người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm đấy! Ai ngờ con Ky này đủ hai đức đó. Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ăn dẫn dụ, thiệt là trí đó.

Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà ngươi, đến mầy mới thấy! Mầy sao vội chết? Hỡi Trời? Hỡi Trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá. Đau đớn quá! Kìa những hạng muông người?”

Giữa thời buổi có một bọn người xu quyền phụ thế, lợi lộc đem lòng lấy địch làm cha, đọc những lời bia mộ hai con chó của Cụ Phan, hẳn phải động lòng trắc ẩn?

Bia mộ 2 con Vá và con Ky hiện vẫn còn. Những lời ghi trên bia cũng nhắn nhủ khách tham quan nhiều điều suy ngẫm...
 
Chương Thâu
 

Bình luận(0)