Những chuyện tình éo le nhất trong cung đình Việt Nam (1)

Google News

Bên cạnh những thành tựu rực rỡ về quân sự, văn hóa, xã hội, nhà Trần còn được biết đến với nhiều câu chuyện tình trắc trở trong hoàng tộc…

Bên cạnh những thành tựu rực rỡ về quân sự, văn hóa, xã hội, nhà Trần (1226 – 1400) còn được biết đến với nhiều câu chuyện tình duyên trắc trở trong hoàng tộc…

Mối tình đầu ngông cuồng của Trần Quốc Tuấn

Trần Quốc Tuấn là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú. Người phụ nữ đầu tiên ông yêu là công chúa Thiên Thành, em gái của vua Trần Thái Tông. Như vậy, Trần Quốc Tuấn có quan hệ huyết thống gần gũi với người mình yêu.

Tuy nhiên, chuyện họ hàng yêu nhau ở nhà Trần không phải là lạ, vì từ lịch sử lập quốc nhà Trần đã có quy định, để tránh ngôi vua truyền ra ngoài, chỉ có người trong tộc mới được lấy nhau.

Tình thế oái oăm của Trần Quốc Tuấn là ở chỗ, khi ông đang yêu say đắm công chúa Thiên Thành, thì vào mùa xuân năm 1251, Trần Thái Tông lại dự định gả cô cho Trung Thành Vương – con trai của Nhân đạo Vương.

Dù chưa chính thức cưới hỏi, vua đã nhận sính lễ và tổ chức ngày hội lớn kéo dài trong vòng 7 ngày. Cả vua quan và bên nhà trai đều không biết rằng công chúa Thiên Thành đã dành tình cảm sâu nặng cho con trai của An Sinh Vương Trần Liễu.

Đau khổ không nguôi, Trần Quốc Tuấn quyết định mạo hiểm để lấy được người mình yêu. Vào giữa đêm, nhân lúc mọi người đang mải mê xem hội, ông đã liều lĩnh leo tường phía sau phủ đệ của Nhân Đạo Vương, vốn được canh gác cẩn mật, để đột nhập vào trong phủ và tìm đến phòng công chúa.
Công chúa đang u sầu thì thấy Trần Quốc Tuấn xuất hiện, đã vui mừng khôn xiết. Không ngại gì nguy hiểm, đôi trai gái trẻ quyết tâm đến với nhau...

Hiểu rằng Nhân Đạo vương sẽ không tha tội chết nếu mình bị phát hiện, Quốc Tuấn sai thị nữ của công chúa Thiên Thành đi cầu cứu Công chúa Thụy Bà – là chị ruột của công chúa Thiên Thành và vua Trần Thái Tông; đồng thời là mẹ nuôi của Trần Quốc Tuấn.

Nghe tin cháu lâm vào tình trạng như thế, bà vội vàng chạy vào cung, cấp báo với nhà vua. Vua Trần Thái Tông liền sai người đến phủ đệ Nhân Đại Vương ngay trong đêm, đưa Trần Quốc Tuấn về cung an toàn.

Sau khi nghe Trần Quốc Tuấn trình hết mọi chuyện, Thụy Bà tìm cách cho ông kết duyên cùng Thiên Thành. Sáng hôm sau, bà vào cung dâng lên nhà vua mười mâm vàng và năn nỉ: "Vì vội vàng quá nên không sắm được lễ vật, xin nhà vua nhận cho".

Vua bất đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn; đồng thời cắt 2.000 khoản ruộng để hoàn lại sính vật và tạ lỗi với Trung Thành Vương. Cùng ngày hôm đó, công chúa Thiên Thành trở thành vợ Trần Quốc Tuấn…

Mối tình Quỳnh Trân – Trần Khánh Dư


Trần Khánh Dư là viên tướng trẻ nổi danh trong triều Trần. Năm 1257, khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất, ông đã lập công lớn khi đánh bại một cánh quân của giặc. Sau cuộc chiến ông được phong làm Phiêu kỵ Đại tướng quân, đồng thời được vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi, được tự do ra vào nơi cung cấm.

Tại đây, ông đã gặp Trần Quỳnh Trân - con gái vua, chị ruột của vua Trần Nhân Tông sau này. Quỳnh Trân là một cô gái xinh đẹp và hiền dịu, rất được vua cha yêu quý. Không biết từ lúc nào đôi trai tài gái sắc Khành Dư - Quỳnh Trân đã phải lòng và yêu nhau say đắm.

Song sự đời thật trớ trêu. Con trai của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là Hưng Vũ vương Nghiễn cũng si mê Quỳnh Trân. Hưng Đạo vương đã hỏi xin cưới Quỳnh Trân cho Hưng Vũ vương, và vua Trần không thể từ chối một người như Trần Hưng Đạo nên hứa gả. Không thể trái lệnh cha, Quỳnh Trân trở thành vợ Hưng Vũ vương.

Nhưng không thể dứt tình, Khánh Dư và Quỳnh Trân vẫn lén lút gặp nhau. Rồi chuyện vỡ lở khiến thiên hạ đồn gần xa. Cha con Hưng Đạo vương vô cùng tức giận.

Lúc này vua Nhân Tông đã lên nối ngôi cha,vừa sợ phật ý Hưng Đạo vương, vừa thương chị gái, tiếc tiếc tài, nên cho người vờ đánh chết Khánh Dư rồi đẩy ông về quê. Từ một viên tướng, Trần Khánh Dư trở thành một anh bán than. Còn Quỳnh Trân bị trả về sống tại cung riêng.

Năm 1282, quân Nguyên lăm le xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trước tình thế khó khăn, Khánh Dư lại được mời về Thăng Long và phong làm Phó Đô tướng quân quản lãnh một cánh quân mạnh chuẩn bị chặn giặc. Khánh Dư và Quỳnh Trân lại có cơ hội gặp nhau. Do tình cũ còn sâu nặng, họ lại quấn quýt không rời.

Để chấm dứt mối quan hệ không chính danh này, vua Trần Nhân Tông buộc lòng phải lệnh cho Quỳnh Trân xuất gia ở một vùng quê hẻo lánh.

Năm 1285, để tìm cách hoãn binh, triều đình Trần dự định cử người sang gặp Thoát Hoan để cầu hòa. Ngoài các lễ vật quý giá , công chúa Quỳnh Trân được chọn để dâng cho Thoát Hoan để cầu thân. Quỳnh Trân được đón về triều, song trước sự phản đối kiên quyết của bà, vua đành để bà trở về chốn tu hành.

Từ đó Quỳnh Trân một lòng quy Phật. Mối tình với Khánh Dư bà mãi mãi chôn chặt trong lòng cho tới tận cuối đời...

Nghi án Huyền Trân Công chúa tư thông với tình cũ

Năm 1306, Vua Trần Anh Tông gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Đổi lại, Chế Mân cũng đã đem đất hai châu Ô và Lý (phần phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày nay) dâng cho Đại Việt làm sính lễ.

Nhưng chỉ mới được mười một tháng kể từ khi Huyền Trân Công chúa về nước Chiêm thì Chế Mân mất. Theo tục lệ Chiêm Thành, hễ Vua mất thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo.

Vua sợ Công chúa bị chết oan, bèn sai quan nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ là Trần Khắc Chung, cùng với An phủ sứ Đặng Văn vào Chiêm thành để tìm cách cứu Huyền Trân.

Không chỉ tinh thông kinh sử và giỏi ngoại giao, Trần Khắc Chung còn là người rất thạo thêu thùa. Ông chính là người thầy dạy công chúa Huyền Trân nghề thêu trong cung. Trong các buổi học, tình yêu đã nảy sinh giữa hai người .

Để đề phòng chuyện bất trắc, triều đình cho 6 thị nữ luôn luôn quây quần chung quanh hai người, mang danh nghĩa hầu hạ nhưng thực chất là để canh chừng. Trần Khắc Chung không một lần dám hở môi công khai tỏ tình mà Huyền Trân cũng chẳng bao giờ dám đáp lại. Vì vậy, việc Huyền Trân bị gả cho vua Chế Mân là điều đau đớn với cả hai người.

Khi vào đến Chiêm Thành, Trần Khắc Chung nói “Sở dĩ bản triều gả công chúa cho quốc vương vì hai nước cõi đất liền nhau, nên yên phận để cùng hương thái bình hạnh phúc, cũng vì thương dân, chứ không phải mượn má phấn để giữ trường thành. Nay Quốc vương từ trần, nếu đem công chúa tuẫn táng ngay thì việc tu trai không người lo liệu. Theo tục lệ nước ta, trước hãy đưa công chúa ra bãi bể chiêu đón linh hồn, rồi mới vào hỏa đàn sau”.

Với lý lẽ tục lệ hai nước khác nhau, người Chiêm Thành đành phải nghe. Nhưng khi thuyền của Công chúa Huyền Trân ra đến giữa biển thì Trần Khắc Chung đã đem thuyền cướp Công chúa rồi trốn chạy.

Vì lý do nào đó mà cuộc chạy trốn từ Chiêm Thành về tới Thăng Long đã kéo dài tới hơn 1 năm, khiến thiên hạ đồn đoán là Trần Khắc Chung đã cho thuyền đi lòng vòng trên biển để thỏa chí gần gũi với tình cũ của mình mà không bị soi mói bởi tai mắt của triều đình…

Bình luận(0)