Những binh lính Lê dương người Nga đầu tiên tại VN

Google News

Một cựu binh Lê dương hồi tưởng lại chuyện bạn đồng ngũ của mình đang canh gác thì bị hổ vồ tha vào rừng rậm, hài cốt vĩnh viễn không tìm thấy. 

Nhiều người Nga từng đến thăm đất nước nhiệt đới phương Nam từ giữa thế kỷ 19. Trong số đó có các học giả và văn sĩ, nhà ngoại giao và thủy thủ, nông dân và bá tước. Còn nhóm đặc biệt nữa là những người lính và sĩ quan Nga trong Quân đoàn Lê dương Pháp. Cơ cấu này được tạo lập theo sắc lệnh của Hoàng đế Pháp Louis-Philippe năm 1831. Cả những binh sĩ không phải là người Pháp cũng có thể tòng ngũ phục vụ trong quân đoàn nhưng chỉ được sử dụng trong những cuộc xung đột quân sự ở bên ngoài ranh giới nước Pháp.


Văn bản (đề cập trước hết đến những binh sĩ Lê dương người Nga đóng quân ở Việt Nam) là cuốn nhật ký lữ hành của bá tước Nga Vyazemsky, đến thăm đất nước Việt vào năm 1892. Vị bá tước đã gặp những người lính đồng hương tại Lạng Sơn, chuyên gia Việt Nam học Anatoly Sokolov cho biết.

Tiến sĩ Anatoly Sokolov nói: “Tổng cộng có bốn làn sóng người Nga gia nhập quân đoàn viễn chinh nước ngoài tại Đông Dương. Đầu tiên là hồi cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Làn sóng thứ hai là những năm 20 của thế kỷ trước. Thứ ba là trong thời kỳ Thế chiến II và làn sóng thứ tư là những năm trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất”.

Lính Lê dương trong làn sóng đầu tiên chủ yếu là những người tới từ miền tây của đế chế Nga, rời bỏ đất nước vì những nguyên cớ kinh tế-xã hội hoặc dân tộc-tín ngưỡng và xung vào đoàn quân Lê dương ở Pháp. Riêng có sinh viên Dmitry Yazev 100 năm trước đã trực tiếp gia nhập quân đoàn Lê dương trên đất Việt Nam. Thời ấy, Dmitry và bạn bè du ngoạn khắp Trung Quốc, rồi từ đó họ đến Bắc Bộ. Dmitri hết sạch tiền bạc nên đã đăng ký gia nhập lính Lê dương, nơi hàng tháng binh sĩ nhận khoản trợ cấp 100 franc – tức là bằng khoảng 500 gram bạc. Dmitry phục vụ đầy đủ hạn hợp đồng 5 năm. Quay lại Nga, ông kể rất nhiều về đất nước Việt Nam, về thiên nhiên xứ nhiệt đới lạ kỳ. Cựu binh Lê dương này thường hồi tưởng lại chuyện một lần bạn đồng ngũ trong đại đội ông đang canh gác thì bị hổ vồ tha vào rừng rậm – hài cốt của người lính viễn chinh này đã vĩnh viễn không được tìm thấy.

Nhân đây cũng cần nói thêm, nếu với Dmitry, những năm tháng phục vụ tại Việt Nam trôi qua không gặp biến cố gì, thì tai họa đã theo đuổi Dmitry khi ông hồi hương và dạy toán ở Rostov. Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, ông bị đuổi việc và bị tống giam vì đã phục vụ trong quân đội nước ngoài. Không rõ chuyện gì đã xảy ra sau đó với cựu binh Lê dương này.

Làn sóng thứ hai của lính viễn chinh người Nga là đông đảo nhất. Bởi lý do thực tế là sau cách mạng năm 1917 và nội chiến ở Nga, hàng trăm nghìn người đã di tản khỏi Nga, bộ phận đáng kể trong số này thuộc giới quân sự. Nhiều người lâm vào cảnh khó khăn về vật chất đã buộc phải di cư và gia nhập đội quân Lê dương.

Cấp bậc cao nhất mà họ có thể trông đợi khi đó là hàm thiếu úy, bất kể khi tại ngũ trong quân đội Nga có người từng là sĩ quan cấp cao với quân hàm đại tá. Kể từ thời điểm nhập vào cơ số viễn chinh, họ đều mất đi tên họ cũ và quốc tịch của mình và chỉ nhận được số hiệu cá nhân.

Trong những năm 20 của thế kỷ trước, khoảng 8.000 kiều dân Nga nhận số hiệu như vậy và đã phục vụ tại các xứ thuộc địa của Pháp trên khắp thế giới. Về phần Việt Nam, thì năm 1921 lính Lê dương Nga tại đó gồm 107 người. Đến năm 1929, dành cho nhóm quân viễn chinh nước ngoài ở Việt Nam, đã tuyển 129 binh sĩ.

Làn sóng thứ ba bắt đầu vào năm 1939, khi bùng nổ cuộc Thế chiến II.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


TIN BÀI LIÊN QUAN


Theo Tiếng nói nước Nga

Bình luận(0)