Nhà Thanh chưa hề có khái niệm về chủ quyền Biển Đông

Google News

Tấm bản đồ này do Sái Thượng Chất chủ biện đài Thiên văn Xà Sơn thực hiện, được đích thân các Hoàng đế Trung Hoa chỉ đạo...

- "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" là tấm bản đồ do Sái Thượng Chất chủ biện đài Thiên văn Xà Sơn thực hiện, được tổng hợp từ kết quả điều tra, đo vẽ, bổ sung liên tục trong vòng hai thế kỷ, kể từ đời vua Khang Hy đến đời vua Quang Tự được đích thân các Hoàng đế Trung Hoa chỉ đạo.
Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ.
Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ.

Những người lập bản đồ rất cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu

Cụ thể, vào năm Khang Hy thứ 47 (1708) vua Khang Hy tuyển chọn các giáo sĩ phương Tây như Bạch Tấn, Lôi Hiếu, Tư Đỗ Đức Mỹ ban đầu với mục đích chế tác Vạn Lý thành đồ. Năm 1711, vua sai các giáo sĩ đi tới 13 tỉnh để đo đạc đất đai, tạo bản đồ "Mạch đại Thành Thang chuộng hiền"... Trải qua một năm, (vua) bốn lần đọc duyệt, quy mô bắt đầu định hình. Các giáo sĩ được triệu tập về kinh đô để họ múa bút vẽ họa, sau hai năm công việc cáo thành với bức toàn đồ 15 tỉnh, tấu trình lên vua ngự lãm" (Trích lời giới thiệu bản đồ của Sái Thượng Chất).

Từ đấy, trong gần 200 năm, các giáo sĩ phương Tây, các nhân sĩ Trung Hoa tiếp tục sưu tập, khảo cứu, gia cố, bồi tập thêm. "Duy về cương vực của các thôn ấp quận huyện ở các tỉnh có thay đổi đôi chút, cho nên xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn thì đính chính sửa sang, làm bớt sai suyễn và làm sáng sủa hơn lên, để khi nhìn vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay..." (Trích lời giới thiệu bản đồ). Cho đến năm 1904 mới hoàn thành trọn vẹn tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ". Điều ấy cho thấy sự cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu của những người lập bản đồ.

Tấm bản đồ này theo phương pháp đo đạc của các nước phương Tây, có lưới tọa độ địa lý (Kinh độ, vĩ độ), có tỷ lệ xích chặt chẽ, thống nhất trên toàn bộ bản đồ. Đặc biệt, do bản đồ quy thành hình chữ nhật (115 x 140cm) như chúng ta đã biết, trong lúc đó thì ranh giới lãnh thổ (hay nói cách khác là địa giới hành chánh) lại có chỗ lồi ra, lõm vào, nếu vẽ liền mảnh với bản đồ thì sẽ mở rộng kích thước ra rất lớn, không hợp lý.

Các nhà chế tạo bản đồ thời ấy đã khắc phục sự lồi lõm đó bằng cách cắt những phần nhô ra ngoài khung bản đồ vẽ riêng ra thành những khung bản đồ phụ và đặt vào bên trong bản đồ. Nhìn toàn bộ bản đồ, chúng ta thấy có hai vùng như thế. Đó là vùng Mãn Châu ở phía Đông Bắc. Vùng này ở trong bản đồ được ghi là He Long Kiang (tức Hắc Long Giang) và được vẽ vào góc dưới bên phải. Bản đồ phụ này vẽ đến phần phía Bắc của bán đảo Triều Tiên. Vùng thứ hai nhô ra ngoài bản đồ và được vẽ trong khung riêng là vùng Tân Cương (trong bản đồ ghi địa danh là Sin Kiang) và được đặt ở góc trên bên trái. Lúc này, vùng đất Tây Tạng chưa thuộc về Trung Quốc, nên phần đất Tân Cương nhô dài ra.

TS Mai Hồng (thứ 3 từ trái sang) trong một buổi tọa đàm về tấm bản đồ quý giá mà ông vừa hiến tặng (tác giả bài viết ngồi ngoài cùng bên phải).
TS Mai Hồng (thứ 3 từ trái sang) trong một buổi tọa đàm về tấm bản đồ quý giá mà ông vừa hiến tặng (tác giả bài viết ngồi ngoài cùng bên phải).

Nhà Thanh chưa hề có khái niệm gì về chủ quyền vùng Biển Đông

Tuy nhiên, ở trên phần biển Đông không hề thể hiện một "đường lưỡi bò" hay một đường gì tương tự để ghi nhận chủ quyền của nhà Thanh. Điều đó chứng tỏ rằng, trong suốt quá trình 200 năm điều tra nghiên cứu để lập bản đồ này, các Hoàng đế cũng như các quan lại nhà Thanh không hề có khái niệm gì về vùng biển phía Nam đảo Hải Nam, tức biển Đông của chúng ta.

Về kỹ thuật, bản đồ này ứng dụng kỹ thuật Trắc địa Bản đồ phương Tây với hệ thống kinh độ vĩ độ khá chuẩn xác, gần giống như các bản đồ ngày nay.

Về nội dung, đây là bản đồ hành chính vẽ đến từng tỉnh (trực tỉnh) trên toàn quốc (toàn đồ), vì vậy nó mang tính chính thống. Những phần lãnh thổ nhô ra ngoài giới hạn khung bản đồ đều được vẽ thành bản đồ phụ. Nếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta nằm trong cương vực lãnh thổ Trung Quốc thì các nhà lập bản đồ đã phải vẽ thêm một bản đồ phụ (như đã làm với vùng Tân Cương và Mãn Châu). Tuy nhiên, ta không hề thấy phần vẽ thêm đó.

Mặt khác, trong bản đồ bán cầu (vẽ một nửa quả đất đặt góc trái phía dưới) toàn bộ phần Biển Đông và Đông Nam Á nằm hoàn toàn trong đó, nhưng cũng không có một chỉ dẫn hay thậm chí một ký hiệu nào để chứng tỏ rằng vùng biển đảo này thuộc quyền quản lý của nhà Thanh. Điều đó chứng tỏ rằng, nhà Thanh chưa hề có khái niệm gì về chủ quyền vùng Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là giá trị đặc biệt quan trọng của tấm bản đồ này, mà các nhà nghiên cứu, các nhà làm công tác ngoại giao cần chú ý.

Phan Duy Kha
[links()]

Bình luận(0)