-
Lê Quý Đôn là người có tư tưởng cải cách tiến bộ hoài bão. Ông để lại di sản lập ngôn đến 50 bộ sách, với hàng trăm quyển, gồm cả khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên.
|
Nhà khoa học kiệt xuất Lê Quý Đôn |
Ông là cây đại thụ trong học thuật và trong lịch sử văn hoá dân tộc ông là nhà bác học vĩ đại.
Lê Quý Đôn tự Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, nguyên tên ông là Lê Danh Phương, sinh ngày 5/7 năm Bính Ngọ (1726) ở phường Bích Câu, Thăng Long, lúc cha ông đang làm quan ở Kinh đô.
Từ lúc sinh ra đến 2 tuổi tướng mạo Lê Quý Đôn đã khác hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Thân phụ Lê Quý Đôn là Lê Trọng Thứ, người làng Diên Hà, huyện Hưng Hà, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), đỗ tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 5 (1724), làm quan đến Hình bộ thượng thư được phong tước hầu.
Khi Lê Quý Đôn 5 tuổi phụ thân đưa về quê nhà, năm 11 tuổi lại đón lên Kinh Đô, rèn cặp và tầm sư học đạo.
Lê Quý Đôn nổi tiếng thần đồng từ nhỏ. Ông có trí nhớ phi phàm, 11 tuổi mỗi ngày thuộc lòng mươi trang sử, truyện và 14 tuổi học hết Tứ thư, Ngũ Kinh, Sử, Truyện và cả Bách gia chư tử, trong một ngày làm được mươi bài thơ và bài phú, không cần viết nháp không cần nghĩ nhiều.
Năm 1744, Lê Quý Đôn đi thi Hương đậu giải Nguyên. Năm 1752, ông thi Hội đỗ đầu, thi Đình cũng đỗ đầu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (thường gọi là Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn).
Ông được bổ nhiệm chức Thủ thư ở Hàn lâm viện, được sung vào Viện Quốc sử. Năm 1753 - 1756, ông phụng mệnh triều đình kinh lý Trấn Sơn Nam, phát hiện trừng trị 6, 7 viên quan tham nhũng.
Tháng 8/1756, ông tham gia diệt cuộc phản loạn của Hoàng Công Chất thắng lợi, được thăng chức Thị giảng Viện Hàn Lâm (1757).
Năm thứ 21 Cảnh Hưng (1760), Thái Thượng Hoàng (Lê Ý Tông) mất, triều đình sai sứ bộ do Trần Duy Mật làm chánh sứ, Lê Quý Đôn làm phó sứ sang báo tang và dâng lễ cống.
Năm 1761, sứ bộ đến Bắc Kinh nhập cận yết kiến Hoàng đế. Lúc bấy giờ những nho thần nhà Thanh và nhiều vị ở Hàn lâm viện, Đô sát viện nghe tiếng Lê Quý Đôn đến sứ quán thăm hỏi, sau đó có cả sứ thần Triều Tiên.
Trong chuyến đi sứ Trung Hoa, ông đã đưa các tác phẩm Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục và tập thơ Tiêu tương bách vịnh của ông cho các nho thần danh tiếng nhà Thanh cùng các sứ thần Triều Tiên xem và đề tựa, họ đều khâm phục và coi ông là bậc "Thạc học phương nam".
Họ đánh giá Lê Quý Đôn là người dám "lật lại, xét lại những mẫu mực cách ngôn, danh ngôn của bậc thánh hiền đã thành nếp" dám phá đi những điểm sai lầm đã thành thói quen lâu ngày "Trạng nguyên Triều Tiên Hồng Khải Hy khẳng định "Thật là kiến thức rất mực vượt lên nghìn đời".
(còn nữa)
Trần Hồng Đức