Theo phong tục cổ truyền của người Việt, vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, người người lại nô nức đi lễ chùa, thành tâm cầu khấn hồng ân chư Phật, chư đại Bồ tát, Đức Thánh Hiền gia hộ cho gia đình, bản thân sức khỏe, gia đạo bình an, vạn sự hanh thông….
Tuy nhiên, chưa hẳn ai cũng tỏ tường việc sắm lễ vật đi chùa đầu năm, đặc biệt là những quy định căn bản của nhà chùa về dâng lễ mặn, lễ chay trước Phật.
|
Nhiều người vẫn có thói quen dâng lễ mặn khi lễ Phật ở chùa. Ảnh: Báo Giao Thông. |
Trang Sức khỏe Gia đình dẫn lời Đại Đức Thích Tâm Kiên (trụ trì chùa Một Cột, Hà Nội) về vấn đề này: “Phật không cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần tâm thành của những người đến lễ. Vì thế nên mọi người chỉ cần bông hoa, chén nước vào dâng lễ cũng đủ. Quan trọng là vào chùa, mọi người thấy sự lắng đọng và bình an”.
Theo quy định của nhà chùa, khi dâng lễ trước Phật, chỉ nên sắm lễ chay, gồm hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè; không được dâng lễ mặn như cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả… Tuyệt đối không được dâng lễ mặn ở khu vực Phật điện, tức chính điện là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Lễ mặn thường chỉ được sử dụng khi người ta đến đình, đền, miếu, phủ. Tại khu vực chính điện chỉ nên dâng lễ chay, tịnh.
Nếu muốn dâng lễ mặn, chỉ nên dâng tại ban thờ, điện thờ Đức Ông – vị thần cai quản toàn bộ công việc của ngôi chùa, ban thờ Thánh Mẫu, tuyệt đối không dâng tại ban thờ Phật, Chư Bồ tát và Thánh Hiền. Tuy nhiên, lễ mặn khi dâng tại các ban thờ này cũng chỉ nên sắm lễ đơn giản như gà, giò, chả, rượu, trầu cau….
Ngoài ra, phật tử khi đi lễ chùa đầu năm cũng cần lưu ý không nên dâng vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật. Nếu sắm lễ này thì nên dâng ở ban thờ thần linh, Thánh Mẫu hoặc ban thờ Đức Ông. Riêng tiền thật cũng không nên dâng ở chính điện mà thành kính bỏ vào hòm công đức.