Làng “vít đầu thiên hạ“

Google News

Với nghề "cạo đầu thiên hạ", dù chẳng học cao, chẳng cần đỗ đạt thì người Đồng Lầm vẫn có thể tự hào khi khiến ai ai cũng "phải nghe" theo mình.

- "Đồng Lầm có vải nâu non/Có hồ cá rộng, có con sông dài". Lần theo câu ca ấy, tôi tìm về làng Đồng Lầm (phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) những mong tìm lại dấu tích của nghề nhuộm vải nâu xưa.
 
Ngôi làng này cũng nổi tiếng với nghề "cạo đầu thiên hạ", đến nỗi dù chẳng học cao, chẳng cần đỗ đạt thì người Đồng Lầm vẫn có thể tự hào khi khiến ai ai cũng "phải nghe" theo mình.

Đồng Lầm là chệch của đầm lầy

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, làng Đồng Lầm còn gọi là làng Kim Liên. Thời Lý, làng thuộc phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long. Đến năm 1619, dưới triều Lê Thần Tông, Đồng Lầm đổi thành Kim Hoa (bông hoa vàng). Năm 1841, làng đổi thành Kim Liên (bông sen vàng, vì kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa). Tên gọi đó còn cho đến tận ngày nay.

Ông Đinh Trọng Thêm năm nay 83 tuổi, người gốc ở làng Đồng Lầm, đã từng bỏ ra 15 năm nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu về làng. Ông cho hay, vùng Đồng Lầm trước kia là rừng rậm. Qua nhiều chấn động địa chất, rừng cây sụt xuống tạo thành khu vực đầm lầy, xen kẽ là những gò đất cao. Khi dân về làm ăn, sinh sống, lâu dần họ gọi chệch đầm lầy thành Đồng Lầm.

Cũng theo ông Thêm, làng Đồng Lầm có ít nhất từ thời Tiền Lê, bởi hiện trong làng còn chùa Thiên Phúc - niên hiệu của vua Lê Hoàn. Vì là vùng đất sình lầy nên nghề trồng hoa sen, thả rau muống và rau ngổ ở làng rất phát triển. Tuy nhiên, làng nổi tiếng nhất về hai nghề cắt tóc và nhuộm vải nâu.

Ao đình Kim Liên - được cho là nơi thầy địa lý Tả Ao trấn yểm nghề thợ cạo cho làng.
Ao đình Kim Liên - được cho là nơi thầy địa lý Tả Ao trấn yểm nghề thợ cạo cho làng.

Vải rồng chỉ còn trong ký ức

Nghề nhuộm vải có từ bao giờ, những người già trong làng đều không nhớ chính xác. Chỉ biết rằng, nó đã đi vào câu ca: "Đồng Lầm có vải nâu non, Có hồ cá rộng, có con sông dài". Ông Thêm lý giải: Vải nâu non chính là vải nhuộm từ củ nâu còn non. Hồ cá rộng là khu hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu, còn con sông dài chính là sông Tô Lịch chảy qua làng.

Nói về quy trình nhuộm vải, ông Thêm cho hay: "Vải được mua từ nơi khác về, ngâm trong nước để giũ cho hết hồ rồi mới nhuộm. Chất nhuộm lấy từ vỏ củ nâu giã nát, lọc lấy nước. Trước khi nhuộm, thợ phải lấy con sợi ra thử thuốc xem đã được chưa rồi mới cho vải vào nhuộm. Thời gian nhuộm chỉ trong vài tiếng là được. Đáng chú ý, trước khi nhuộm vải, các bà, các chị phải canh thời tiết nắng ráo, bởi nhuộm vải xong gặp lúc trời mưa sẽ khiến cho vải bị thâm, xấu đi nhiều mà không giữ được màu nâu tươi".

Cũng theo ông Thêm, làng nhuộm ba loại vải chính. Loại thứ nhất là vải nâu non may áo cánh của phụ nữ, may quần áo cho nam giới, nhuộm bằng nước quả nâu còn non. Vải có màu sắc tươi, mềm. Loại thứ hai là vải nâu sồng, mất nhiều công đoạn hơn làm vải nâu non. Sau khi giũ hết hồ, vải được ngâm vào nước bùn trong (là loại bùn múc từ khu hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu lên, khoắng lấy nước trong). Sau đó mới đem ra nhuộm nhiều nước vỏ quả nâu. Nhờ thế mà vải cứng hơn và bền hơn loại vải nâu non, được bán cho nông dân mặc làm ruộng.
 
Loại thứ ba, đặc biệt hơn cả là vải rồng. Khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội (1882), người Ấn Độ, người Pháp có bán vải voan mỏng. Dân làng mua về nhuộm màu nâu thẫm, màu cánh gián, may áo dài cho phụ nữ, nhất là con gái. Phụ nữ mặc áo yếm trắng hay hồng, áo cánh trắng, thêm tấm áo dài màu nâu mỏng mặc bên ngoài. Khi đi, gặp gió, áo bay loang loáng như hình rồng uốn khúc trên mình người phụ nữ. Thế nên mới đặt tên gọi là vải rồng. Vải nức tiếng xa gần, người làng Chèm có nên học nghề nhưng không được vì người Đồng Lầm có bí quyết pha màu riêng mà không được tiết lộ với người ngoài.

"Tuy nhiên, đến khoảng giữa thế kỷ trước, nghề nhuộm vải ở Đồng Lầm mai một dần rồi mất hẳn. Loại vải rồng chỉ còn trong ký ức", ông Thêm ra chiều tiếc rẻ.

Tấm bia: "Yểm mạch hành nghề thợ cạo"

Đồng Lầm còn nổi tiếng với nghề "vít đầu thiên hạ". Ông Phạm Trọng Cam, 85 tuổi, kể: Nghề cắt tóc ở làng có từ khoảng thế kỷ XVII. Tích truyền lại rằng, hồi ấy, dân làng cũng chỉ làm thuần nông. Một lần, các cụ trong làng ngồi ở quán nước đầu làng. Các cụ liền than thở "chẳng có nghề gì để truyền lại cho con cháu đời sau". Có ông khách lạ ngồi cùng, hỏi các cụ muốn làm nghề gì. Các cụ suy nghĩ rồi bảo "làm nghề gì mà không cần học chữ vẫn có thể làm quan thiên hạ. Ai đến thì bảo sao nghe vậy". Ông khách lạ liền nói "Thì làm nghề vít đầu vít cổ người ta", nôm na là nghề thợ cạo. Các cụ vui vẻ đồng ý. Nói đoạn, ông khách chôn vật gì đó dưới gò Sắp Ấn, đối diện ao trước cửa đình làng.
 
Sau này, người làng mới biết ông khách ấy chính là thầy địa lý Tả Ao. Hồi năm 1979, người ta làm đường Xã Đàn, trước cửa đình. Khi đào sâu xuống thì tìm thấy một cái hòm bằng đá, trong có tấm bia đề dòng chữ "Yểm mạch hành nghề thợ cạo".
Ông Cam là người già duy nhất trong làng còn bám nghề.
Ông Cam là người già duy nhất trong làng còn bám nghề.
Theo ông Cam, sở dĩ gọi là thợ cạo vì thuở trước, trẻ con để tóc thành chỏm trên đầu (tóc trái đào), đàn ông thì búi tóc, sư trọc đầu, thế nên cần đến nghề cạo. Ngày đó, đồ nghề của thợ gồm có dao, lược, một cái hòm gỗ. Đến thời Pháp có thêm chiếc tông đơ, kéo, chuyển sang gọi là nghề cắt tóc cho đến bây giờ.
 
Những năm đầu thế kỷ XX, nghề cắt tóc của làng khá thịnh. Các gia đình khá giả thì vào trong phố mở tiệm cắt tóc. Còn những người nghèo sẽ đi cắt tóc dạo ở ngoại thành. "Nhờ tên tuổi của làng mà những thợ cắt tóc dạo này cũng đủ ăn đủ tiêu", ông Cam bảo.

Trong trí nhớ của ông Cam, làm nghề thịnh nhất là hồi Pháp tạm chiếm Hà Nội. "Khoảng năm 1950, tôi bắt đầu cắt tóc ở khu bệnh viện 108 bây giờ. Ngày ấy, cạnh đó có trại lính dù. Vì cắt tóc cho cả Tây nên đồ nghề còn có thêm các loại nước hoa của Pháp. Có ngày tôi kiếm được tới 50 - 60 đồng Đông Dương", ông Cam nhớ lại.

Thế nhưng, thời hoàng kim ấy với ông Cam cũng dần lùi xa. Nghề cắt tóc cũng mai một dần. Hiện giờ, thế hệ những người già trong làng chỉ còn mình ông Cam bám nghề, nhiều người cũng đã đi vào thiên cổ. Lớp trẻ lớn lên, học hành đỗ đạt nên chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề cha ông truyền lại. Cũng phải thôi, bởi "chẳng ai giàu được với nghề này", ông Cam chép miệng.

Trước đây, bộ đồ nghề của thợ cắt tóc Đồng Lầm chỉ đơn giản như thế này.
Trước đây, bộ đồ nghề của thợ cắt tóc Đồng Lầm chỉ đơn giản như thế này.
 
"Hiện nay, nghề nhuộm vải đã mất hẳn, chỉ còn nghề cắt tóc. Chính quyền phường cũng có chủ trương gìn giữ, phát huy nghề truyền thống này của địa phương. Bằng chứng là từ năm 2000 đến nay, chúng tôi đều tổ chức Hội thi làng nghề, thu hút các thợ trong làng tham gia trong các ngày 14 - 15/3 âm lịch. Mỗi lần có khoảng 10 thợ đăng ký tham gia. Hiện, chúng tôi cũng đang chờ cấp trên phê chuẩn việc được sử dụng một phần vỉa hè trên đường Xã Đàn, dựng bạt ở đó nhằm giúp những người trong phường không có điều kiện mở cửa hiệu cắt tóc có chỗ để hành nghề".                         
Ông Phạm Gia Ngọc (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội phường Phương Liên)
Thanh Thủy
[links()]

Bình luận(0)