Khu mộ thái giám duy nhất còn lại ở Việt Nam

Google News

Trong khuôn viên chùa Từ Hiếu (TP. Huế) còn lưu giữ một khu mộ thái giám thời Nguyễn, khu mộ thái giám duy nhất còn lại ở Việt Nam.

Ở tây nam kinh thành Huế, cách Đàn Nam Giao khoảng 2km, cùng với chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu (thuộc làng Dương Xuân Thượng, P. Thủy Xuân, TP. Huế) nằm trong những ngôi chùa cổ gắn bao thăng trầm đất cố đô. Đặc biệt trong khuôn viên chùa Từ Hiếu còn lưu giữ một khu mộ thái giám thời Nguyễn, khu mộ thái giám duy nhất còn lại ở Việt Nam.

Chùa tọa lạc trên một khu đồi núi thấp khá bằng phẳng, phía trước cổng chùa là một khu đồi thông xanh mát, bên cạnh có một con suối nhỏ trong vắt quanh năm nước chảy tạo cho nơi đây phong cảnh trầm mặc, thanh tịnh đậm chất chốn thiền môn.

m
Hồ bán nguyệt sau cổng tam quan của chùa.
Bước qua cổng tam quan của chùa là một hồ bán nguyệt nước trong vắt phản chiếu bóng hình rêu phong cổ kính cùng từng đàn cá to tung tăng bơi lội... Tất cả, tạo nên một bức tranh phong thủy rất đỗi hữu tình.

Ngoài lịch sử lâu đời cùng với kiến trúc độc đáo mang đậm nét đặc trưng của vùng đất cố đô, chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng khắp trong ngoài nước bởi nơi đây còn có một nghĩa trang độc nhất vô nhị - nơi chôn cất các quan thái giám của triều Nguyễn năm xưa.

Nằm cách chính điện khoảng 50m về phía bên trái của chùa Từ Hiếu chính là khu mộ địa của các quan thái giám với hơn 20 ngôi mộ được chia thành 3 dãy rõ rệt, phía trên mỗi bia mộ đều có khắc tên tuổi, quên quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất của từng vị thái giám. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng 11 âm lịch, nhà chùa lại đứng ra tổ chức ngày giỗ chung để tưởng nhớ đến công đức những người đã mất, trong đó có các quan thái giám triều Nguyễn có phần công đức tại chùa.
Phần mộ của những vị quan thái giám triều Nguyễn năm xưa được chôn cất trong khu “nghĩa trang thái giám” nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu
Phần mộ của những vị quan thái giám triều Nguyễn năm xưa được chôn cất trong khu “nghĩa trang thái giám” nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu.
Tiền thân của chùa Từ Hiếu là An Dưỡng Am được xây dựng do nhà sư Nhất Định - là một vị tăng uyên bác, thông tuệ nội điển được cả triều đình Huế kính nể lập lên từ khoảng đầu thế kỷ XIX để làm nơi tịnh tu. Đến năm 1843, dưới thời vua Thiệu Trị, quan thái giám Châu Phước Năng do ý thức và lo lắng rằng sau này khi mình nằm xuống do không có con nối dõi, bát hương sẽ nguội lạnh trong những ngày cúng giỗ nên đã đứng ra quyên tiền góp của để trùng tu xây dựng An Dưỡng Am thành một ngôi chùa khang trang với mong muốn sau này làm nơi yên nghỉ, hương khói.

Về sau, An Dưỡng Am được vua Tự Đức sắc phong “Sắc tứ Từ Hiếu Tự”, từ đó chùa chính thức có tên là Từ Hiếu và tất cả những thái giám trong triều Nguyễn có phần công đức tại chùa sau khi mất đều sẽ được nhà chùa mai táng, chôn cất và hương khói tại chùa trong những ngày cúng giỗ. Cũng chính vì lẽ đó nên ngoài tên gọi Từ Hiếu, chùa còn có các tên gọi khác như “chùa Thái giám” hay “chùa Hoạn quan”.
v
Chùa Từ Hiếu hiện nay là một điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trong chùa, một trong những nơi thờ tự trang trọng nhất chính là án thờ của Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) - một trong những vị tướng quân xuất sắc dưới thời vua Gia Long lập quốc. Ông không chỉ là một thái giám mà còn là một nhà quân sự tài ba, một nhà chính trị xuất chúng. Chỉ vì lòng ghen ghét, đố kỵ mà ông bị kết tội oan và bị san phẳng mộ dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1841). Mãi đến đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847), ông mới được minh oan và được xây dựng lại mộ phần.

Sau này, cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) đồng thời cũng là một thái giám, Lê Văn Duyệt được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ và được xem là một trong những bậc tiền hiền có công với đất nước, dân tộc.

Giờ mỗi khi đến Huế, sau khi đã dạo bước tham quan những lăng tẩm, đền đài, dạo chơi trên sông Hương núi Ngự, không ít du khách tìm đến tham quan chùa Từ Hiếu - nơi vẫn còn lưu dấu những nét kiến trúc đặc sắc của đất cố đô xưa. Một chút lắng lòng và cũng để hiểu hơn thân thế, phận đời của những vị thái giám từng phục vụ trong cung cấm năm xưa.

Theo TTO
[links()]

Bình luận(0)