Khu lăng mộ đá lớn nhất thủ đô kêu cứu...

Google News

Lăng mộ Hoàng Cao Khải - công trình bằng đá lớn nhất miền Bắc đang bị xâm lấn trầm trọng...

Là công trình bằng đá lớn nhất miền Bắc, đồng thời là di tích đã được xếp hạng quốc gia, khu lăng mộ Hoàng Cao Khải nằm giữa thủ đô (thuộc địa phận phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) lại đang bị xâm lấn trầm trọng...

Khu lăng mộ Hoàng Cao Khải (còn gọi là ấp Thái Hà) được xây dựng năm 1893 bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải (1850 - 1933). Ông là một đại thần dưới triều Vua Thành Thái thời nhà Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam.

Khu lăng mộ là một quần thể di tích gồm dinh thự, đền thờ, lăng mộ... với trình độ kiến trúc tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Năm 1962, di tích này đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích quốc gia. Nhưng do thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng nên suốt thời gian dài, di tích gần như bị lãng quên, cộng với việc bị người dân chiếm dụng khiến quần thể di tích đã hư hại nhiều.

Công trình quan trọng nhất của khu di tích là lăng Hoàng Cao Khải, xây bằng đá cẩm thạch trắng, nay bị biến thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của Công an phường Trung Liệt. Phía trước lăng từng có hai hàng lính chầu bằng đá, mỗi hàng gồm 4 người bồng gươm, cao 1,3m, hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền ximăng trùm lên, các phần tai tượng, cánh tay cũng bị sứt mẻ. Từ chân đồi lên Nghinh Phong Quán (phía sau lăng) có một lối đi gồm 133 bậc thang, nhưng nay đều biến thành nhà dân, hoặc thành nơi chứa đồ, hồ Tẩm Nguyệt (nay người dân quen gọi là hồ bán nguyệt) thì cạn trơ đáy...

Các pho tượng còn lại hầu hết bị sứt mẻ.
Các pho tượng còn lại hầu hết bị sứt mẻ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, khu lăng mộ này có kiến trúc độc đáo, hiếm gặp ở VN. “Đây phải nói là một kỳ công của lịch sử, thời nay còn rất ít những công trình này, mà hơn nữa lại là một quần thể kiến trúc” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết. Trước thực trạng tại quần thể kiến trúc lịch sử này, nhiều người không khỏi xót xa. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lan - một người dân sống lâu năm ở đây - thở dài: “Trước, trong lăng còn có chiếc giường đá rất đẹp, nhưng giờ thì cũng bị sập rồi. Giờ lăng cũng chỉ mở cửa ngày lễ cho người dân vào thắp hương, chứ ít ai nhớ tới nữa”.

Lăng Hoàng Trọng Phu thành... nhà ở. Ảnh: Nguyễn Vũ.
Lăng Hoàng Trọng Phu thành... nhà ở. Ảnh: Nguyễn Vũ.

Phía bên phải, cách lăng mộ Hoàng Cao Khải không xa là khu lăng mộ Hoàng Trọng Phu - con trai trưởng của Hoàng Cao Khải. Đây cũng là một công trình kiến trúc bằng đá lớn. Từ năm 1972 đến nay, công trình này đã bị 3-4 hộ dân chiếm dụng, tạo thành nơi ở. Đôi rồng đá ở cửa lăng cũng dùng làm nơi để đồ; nhiều bức tường đá bị ám khói bếp, ngả màu đen kịt; mặt tiền lăng hình thành một khu chợ cóc...

Được biết, dù phường Trung Liệt cũng vài lần ra quân dỡ bỏ lấn chiếm, dẹp hàng rong quanh khu di tích, song chỉ một thời gian sau, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn. Trước thực trạng đang diễn ra tại đây, khu di tích quý giá này chẳng mấy chốc sẽ biến mất!
 
Theo Lao Động

Bình luận(0)