Chỉ không đầy 10 năm, Trung Quốc dần dần "copy" hầu hết công nghệ vũ khí tiên tiến của Nga
- Chỉ không đầy 10 năm, Trung Quốc dần dần “copy” hầu hết công nghệ vũ khí tiên tiến của Nga: hệ thống tên lửa phòng không S-300, Tor-M1, tên lửa chống hạm, tàu ngầm Kilo và đặc biệt là chiến đấu cơ đa năng Su-27 – “huyền thoại” mới của nước Nga.
Năm 1989, Liên Xô và Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau 20 năm gián đoạn kể từ cuộc xung đột biên giới 1969. Điều này đã mở đường cho một loạt hợp tác kinh tế và đặc biệt là hợp đồng buôn bán vũ khí.
Đây là điều kiện quan trọng giúp Trung Quốc tiếp cận công nghệ hiện đại nhất trên thế giới nhằm hiện đại hóa quân đội nước này khi mà Liên Xô – Mỹ và Phương Tây đã bỏ xa hàng chục năm.
Thực tế đây là việc “có đi có lại” bản thân Liên Xô và 2 năm sau là Liên bang Nga đang gặp nhiều khó khăn trong kinh tế, việc ký hàng loạt hợp đồng bán vũ khí cho Trung Quốc đem lại cho họ nguồn thu rất lớn.
Nhưng có lẽ người Nga không tính hết vấn đề khi chỉ không đầy 10 năm sau, Trung Quốc dần dần “copy” hầu hết công nghệ vũ khí tiên tiến của Nga: hệ thống tên lửa phòng không S-300, Tor-M1, tên lửa chống hạm, tàu ngầm Kilo và đặc biệt là chiến đấu cơ đa năng Su-27 – “huyền thoại” mới của nước Nga.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu hành trình Trung Quốc “sao chép” công nghệ Su-27:
Hợp tác nghiêm túc
Từ năm 1990, Trung Quốc bắt đầu đám phán mua máy bay chiến đấu thế hệ mới từ Liên Xô. Tháng 3/1991, Liên Xô đã tiến hành bay biểu diễn MiG-29 và Su-27 ở Bắc Kinh để các nhà lãnh đạo nước này đánh giá tính năng.
Khi đã xem xét kỹ lưỡng, chính phủ Trung Quốc ký hợp đồng mua 26 chiếc Su-27 (gồm 20 chiếc Su-27SK và 6 chiếc Su-2UBK dùng cho huấn luyện). Việc chuyển giao diễn ra rất nhanh và hoàn tất năm 1992, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên nằm ngoài khối CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) trang bị Su-27, loại máy bay chiến đấu tiên tiến hàng đầu thế giới thời điểm đó.
|
Chiến đấu cơ Su-2SK của Không quân Trung Quốc. |
Sau một thời khai thác sử dụng thấy được hiệu quả của Su-27, năm 1995 Trung Quốc ký thêm hợp đồng mua 22 chiếc Su-27 (gồm 16 Su-27SK và 6 Su-27UBK) với tổng trị giá 710 triệu USD. Theo nguồn tin của Nga, lô hàng có một vài cải tiến từ đề nghị Trung Quốc (gia cố bộ càng hạ cánh, thiết kế khoang chứa nhiên liệu để bán kính chiến đấu đạt 1.400km).
Từ sau hợp đồng này, Trung Quốc bắt đầu bày tỏ tới việc mua giấy phép sản xuất Su-27SK trong nước. Năm 1996, Công ty Sukhoi và Tập đoàn máy bay Thẩm Quyến ký hợp đồng đắt giá 2,5 tỷ USD sản xuất 200 chiếc Su-27SK.
Theo thỏa thuận, 200 chiếc Su-27SK lắp ráp tại Trung Quốc sẽ mang tên nội J-11. Nhưng kể từ đây, bắt đầu xuất hiện những rắc rối mà cuối cùng là sự xuất hiện J-11 nội địa hóa hoàn toàn.
Chấm dứt hợp tác
Dựa theo thỏa thuận ký năm 1996, Sukhoi có trách nhiệm cung cấp linh kiện lắp ráp máy bay ở các nhà máy của Tập đoàn Thẩm Quyến. Ngoài ra, phía Nga cũng đồng ý giúp Trung Quốc dần dần tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện J-11 để nước này độc lập sản xuất máy bay.
Cuối năm 1998, Sukhoi bắt đầu chuyển giao bộ phụ kiện đầu tiên cho Trung Quốc nhưng việc lắp ráp tới năm 2000 mới thực hiện do những vấn đề kỹ thuật. Nhưng chỉ bốn năm sau, khi hoàn thành 100 chiếc J-11 với linh kiện Nga, phía Trung Quốc đột ngột yêu cầu Sukhoi ngừng cung cấp linh kiện.
Có ba lý do dẫn tới việc này, thứ nhất trong thỏa thuận hợp tác sản xuất không bao gồm việc Nga chuyển giao công nghệ thiết bị điện tử và động cơ cho Trung Quốc. Buộc nước này “vĩnh viễn” nhập khẩu thiết bị từ Nga để chế tạo J-11.
|
Chiến đấu cơ J-11 lắp ráp tại Trung Quốc. |
Thứ hai, hệ thống điều khiển hỏa lực của J-11 không tương thích tên lửa do Trung Quốc thiết kế. Vì thế, buộc họ tiếp tục nhập tên lửa không đối không R-27, R-73 cho J-11.
Cuối cùng, phía Trung Quốc đưa ra lý lẽ Su-27SK/J-11 bị hạn chế khả năng đối đất do chỉ có thể mang bom và rocket không điều khiển.
[links(left)]Nhưng hai lý do đầu có lẽ mới chính là nguyên nhân chủ yếu Trung Quốc chấm dứt hợp đồng với Sukhoi. Dẫu sao, việc Nga phải giữ lại công nghệ cốt yếu là điều dễ hiểu.
Vì nếu họ trao tất cả và Trung Quốc nội địa hóa thành công 100% thì khi đó chắc chắn nước này không nhập gì từ Nga. Vậy chẳng hóa, Nga sẽ mất đi “nồi cơm”, không những thế có thể mất đi thị trường xuất khẩu vũ khí khi giới lãnh đạo đầy tham vọng Trung Quốc đưa J-11 ra thế giới với giá rẻ hơn so với “hàng chính hãng”.
Mà thực tế, không dưới một lần Trung Quốc định quyết định xuất khẩu J-11 nhưng đều gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ Nga. Dù vậy, không hẳn Trung Quốc chịu áp lực mà phải từ bỏ mà do một phần nước này vẫn chưa làm chủ công nghệ động cơ.
Điểm yếu muôn thuở
Sau khi chấm dứt hợp tác với Sukhoi, Tập đoàn Thẩm Quyến tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp J-11. Năm 2006, họ tiết lộ biến thể J-11B cải tiến dựa trên Su-27SK/J-11.
J-11B vẫn dùng cấu trúc khung thân tương tự Su-27SK nhưng thay đổi lớn về điện tử và vũ khí. Cụ thể, J-11B trang bị radar điều khiển hỏa lực đa chức năng có khả năng theo dõi 6-8 mục tiêu và tiêu diệt 4 trong số đó cùng lực, hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số, hệ thống tìm kiếm và theo dõi quang điện, hệ thống định vị INS/GPS, buồng lái tiện nghi với màn hình màu tinh thể lỏng. Tất cả đều do Trung Quốc tự chế tạo.
|
Biến thể “sao chép hoàn thiện” J-11B. |
Với việc dùng radar nội địa, J-11B đã có thể “thoải mái” mang vũ khí Trung Quốc sản xuất như tên lửa không đối không PL-8, PL-12. Đối với nhiệm vụ cường kích, nó mang bom có điều khiển LT-2, LS-6 hoặc tên lửa chống radar YJ-91, tên lửa không đối hải KD-88.
Vấn đề cuối cùng, “bức tường” khó vượt qua đối với Trung Quốc là công nghệ động cơ, cho tới thời điểm ra mắt J-11B họ vẫn dùng động cơ AL-31F của Nga. Cuối năm 2006, Trung Quốc giới thiệu động cơ nội địa FWS-10A dự định dùng cho J-11B nhưng sau nhiều năm dự án này vẫn bặt vô âm tín.
Hồng Phương (tổng hợp)
Nguồn ảnh: Sinodefence