Văn sớ, theo nghĩa hẹp, là các hình thức văn tự của con người cầu xin thần linh trong các nghi lễ, thủ tục tâm linh, được coi như sợi dây hay con đường kết nối tâm linh; còn theo nghĩa rộng, những văn tự tôn kính Phật, thánh, gia tiên, hay trời đất đều là văn sớ, là cầu nối giữa người thường với thế giới bên kia.
Trước đây văn sớ hay viết bằng chữ Hán, nhưng người thạo chữ ngày càng ít, đa phần các đền đình hiện nay đều có mẫu sẵn, người viết sớ viết thêm theo yêu cầu của mọi người, nhưng ít khi viết đúng. Những bản sớ Việt hóa thì mỗi nơi một kiểu, không đồng nhất, nhiều khi máy móc theo chữ Hán, không thực sự phù hợp, hoặc dịch chú trọng đến âm điệu, mà không có nội dung.
|
Ảnh minh họa. |
Dựa trên những gì được truyền dạy, đã đọc trong kinh sách, cũng như kinh nghiệm thực tế tiếp xúc với thế giới tâm linh, chúng tôi mạo muội, cố gắng tinh giản các bản văn sớ, đảm bảo đầy đủ nội dung, đủ ý, không rườm rà, quan trọng hơn khi viết hay đọc lên không bị lỗi lầm và thất lễ.
Văn sớ Ông Táo chầu trời
Kính lạy: Táo Phủ Thần Quân!
Hôm nay ngày 23 tháng Chạp
Con là:.......................................................................
Ngụ tại:......................................................................
Thành tâm bày biện hương hoa, xiêm hài mũ áo, nghi lễ cung trần, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời, Táo Phủ Thần Quân, giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước.
Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
Đồ cúng, đồ lễ
Thông thường chỉ đơn giản là bánh, kẹo, và nước trà, với mong muốn Táo công "ngọt giọng", nói những điều hay. Không cần thiết làm cả mâm cỗ, và nếu làm cỗ mặn, cũng không được đặt lên ban thờ, mà đặt ở cái bàn con bên dưới.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo công thường có: mũ ông công ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Những đồ "vàng mã" này sẽ được hóa (đốt đi) sau lễ cúng ông Táo.
Thực tế cũng không cần thiết phải dùng những đồ vàng mã này, bạn không sắm cũng không sao. Ngoài ra, để ông Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc hay cúng một con cá chép (hay cá vàng) còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời.
Sau đó sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng. Nhiều nơi không hiểu cúng cá rán là không phải.
Đặc biệt, cũng không nên tham theo trào lưu phóng sinh mà mua cả chậu cá, là điều không cần thiết.
Tại miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Vị trí đặt đồ lễ
Thường làm lễ ngay ở ban thờ thần linh gia tiên, chứ không nên đặt đồ lễ ở ban thờ Phật, hoặc lập riêng ban thờ Táo quân.
Một số nơi, nhất là miền Nam có xu hướng lập ban thờ Táo quân riêng ở bếp, là điều không cần thiết và không nên, vì trong một nhà thờ nhiều thần linh, sẽ hay xảy ra tranh cãi, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình, con cái khó bảo, hoặc có những trục trặc khác về tình cảm, tình duyên.
Đợi hương cháy đến 2/3 là có thể mang vàng mã ra hóa (nếu có), và mang cá đi phóng sinh.
Thời gian
Dân gian cho rằng bắt buộc phải làm trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, để ông Táo kịp báo cáo là không phải, vì thực tế theo truyền thuyết đến tối ông Táo mới lên trời. Chúng ta có thể làm trong ngày 23, hoặc nếu vì lý do thời gian, có thể làm từ 21-23 tháng Chạp.
Khi khấn, đa phần không cầu xin phú quý, cũng không cầu xin no đủ, mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay.