Một chiều nghe các cụ cao niên kể chuyện cổ tích về làng, nhuốm màu liêu trai, tôi thấy ly kỳ, đâm bán tín bán nghi.
Đã sang thế kỷ 21, vậy mà một chiều nghe các cụ cao niên kể chuyện cổ tích về làng, nhuốm màu liêu trai, tôi thấy ly kỳ, đâm bán tín bán nghi.
Với văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, người ta quan niệm “chết chưa phải là… hết”- người chết vẫn có mối liên hệ với người còn sống. Thậm chí, việc chăm lo mộ phần đã được mặc định, “sống vì mồ mả chứ không ai vì cả bát cơm”. Mồ mả của những người thân tộc, cùng huyết thống được con cháu đặc biệt quan tâm, không chỉ vì chuyện hiếu đễ, mà thậm chí mộ phần ấy còn ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp- tương lai của các thế hệ con cháu.
Đất làng “độc nhãn long”
Người ta nói rằng, mỗi ngôi làng quê Việt đều có một câu chuyện cổ tích. Nếu vậy thì ở ngôi làng Thái Bảo (xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh) chuyện cổ tích còn ly kỳ hơn nhiều, khi không chỉ dân làng ấy, cả khu vực ấy, mà các thầy phong thủy xưa cũng như nay đều tin rằng- ngôi làng này nằm giữa trán của một con rồng lớn. Đã sang thế kỷ 21 hơn một thập kỷ, khoa học kỹ thuật thực nghiệm và tư duy duy lý thống lĩnh mọi ngõ ngách của cuộc sống, vậy mà một chiều nghe các cao niên kể chuyện cổ tích về làng, nhuốm màu liêu trai, tôi thấy ly kỳ, đâm bán tín bán nghi.
Hòa thượng Thích Thanh Dũng- Trụ trì chùa Hàm Long giải thích cho tôi biết: “Mảnh đất hình thế hội tụ của 4 con vật thiêng bao quanh (long- ly- quy- phượng). Phía Đông Nam và Tây Nam là hình thế phượng chầu, quy bái; phía Tây Bắc là quy phục uy nghi một dải thần long cất mình rủ đầu xuống ngôi chùa Hàm Long như ngậm viên ngọc nên lấy thế đất đặt tên cho chùa”. Chùa Hàm Long được xây dựng vào thời nhà Lý, nơi tu hành của thiền sư Dương Không Lộ. Đúng như tên gọi, theo các nhà phong thủy xưa cũng như nay, chùa đặt vào đúng vào vị trí… miệng con rồng. Mặc khác, phía trước chùa có núi Thần Long án ngữ. Như bất kỳ con vật nào, con rồng cũng có 2 mắt ở hai bên trán, tuy vậy hiện tại chỉ còn một mắt. Nhà nghiên cứu Bùi Quốc Hùng cho rằng, đây là con long khá to, có một lịch sử lâu dài và bí hiểm. Tuy nhiên, hiện chỉ còn một con mắt phía phải (phía Bạch Hổ), mù mắt trái (Thanh Long) tất ảnh hưởng đến vận khí cuộc đất, ảnh hưởng đến đàn ông.
|
Rồng chỉ còn con mắt phải. |
Ông Nguyễn Quang Phục là cựu chiến binh, cả thời trai trẻ suốt từ năm1965 đến năm 1978, ông phục vụ chiến trường miền Nam và sang làm lính tình nguyện Campuchia. Khi xuất ngũ về địa phương, ông tham gia nhiều chức vụ, làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp, và nay ông là Hội trưởng hội người cao tuổi thôn Thái Bảo cho biết, đúng là từ ngày một mắt rồng bị lấp đi đã làm cho quê ông lao đao, lục đục. Giữa trưa nắng, ông Phục dẫn tôi ra tham quan và ông chỉ tận nơi chiếc giếng bên phải vẫn còn trong mát, đầy ăm ắp nước, và vị trí giếng bên trái hiện đã mất giấu tích, cây cối um tùm trùm lấp lên. Chiếc giếng bên trái bị lấp, hiện nằm ở khu vực vườn nhà ông Nguyễn Tiến Phạn- Phó ban Khánh tiết Hội Người cao tuổi thôn Thái Bảo. Trong vườn có chiếc giếng thiêng bị lấp ấy, nên dù vườn nhà ông toàn cỏ dại, cây tạp mọc, mà ông Phạn chả dám vào cuốc đất hay dọn dẹp, sợ “động”, bởi cứ khi nào mang cuốc vào vườn là y như rằng 2 con trai ông lại lục đục! Chả biết có đúng không, nhưng khi ông Phục bảo tôi vào vườn, chỉ cho tôi xem, nhưng tôi cũng… ngại vào.
Về làng quê của mình, ông Phục tự hào khoe: xã Nam Sơn, từ năm 2005 đã được phong là xã Anh hùng LLVTND, Huân chương kháng chiến hạng III… không phải vừa đâu, nhưng không hiểu sao nay khi nhiều việc bất bằng xảy ra ở thôn, ở xã, mà vẫn những con người ấy, cứ im thin thít. Từ việc trao đất ruộng cho khu công nghiệp, giá cả không thoả đáng, rồi bao chuyện khác dân ấm ức nhưng chỉ nói nhỏ với nhau thôi. Tất cả, theo ông Phục cho biết, nguyên do là những năm 1991- 1993 một đơn vị bộ đội làm con đường qua thôn đã lấp đi một con mắt rồng. Ông Phục cũng nghi, có lẽ mất một con mắt như “mũ ni che tai” hay che mắt cũng thế, thấy việc bất bình mà cứ im, sợ đấu tranh thì… tránh đâu. Trò chuyện với tôi, cụ Nguyễn Văn Lê (90 tuổi) cũng nối tiếc lắm, còn cụ Nguyễn Thị Phận cho biết trước kia cụ vẫn gánh nước ở con mắt rồng. Nước giếng trong và mát lắm. Trước kia, làm gì đã có giếng khoan, dân thôn chúng tôi toàn lấy nước giếng dùng cho ăn uống. Giếng nhỏ, những cứ múc mãi, kể cả mùa khô không mưa, giếng cũng chả bao giờ vơi cạn. Nước giếng không chỉ dùng cho nấu cơm rất ngon, và nhất là khi pha trà, nấu chè xanh thì tuyệt vời, nước xanh mà đằm. Con gái Thái Bảo, mà cả vùng này nổi tiếng là xinh, da trắng, và tiếng nói cũng nghe thanh hơn- ấy là nơi khác họ nhận xét vậy. Chứ tôi cũng không phải là tự khen mình đâu! Cụ Phận chỉ nói xa xôi, ngày xưa vậy thôi, chứ cụ cũng lảng tráng, dào người ta có ăn là ăn chung, ăn của nhà nước có riêng mình đâu!
Theo ông Phục, ngay như việc chùa Hàm Long nằm ở thôn Thái Bảo, mà công an xã thu tiền gửi xe là không được, cái đó nó vô lý sờ sờ ra, ông bàn với các cụ là phải đấu tranh dành quyền lợi về cho thôn. Tuy vậy, các cụ cứ… bàn lùi. Là người lính, tác phong nói là làm, là người đứng đầu của 160 cao niên trong thôn, ông Phục nói: “đất vua, chùa làng”. Đây không phải là việc tranh miếng ăn, mà là vấn đề danh dự, một việc làm đúng, ai cũng nhìn ra. Ông sẽ kiện…
Các cụ trong ban khánh tiết bàn với nhau là phải khôi phục lại một bên mắt trái cho rồng, không thể để rồng chỉ còn một mắt được. Đây không chỉ là vấn đề tâm linh mà còn lấy lại “hào khí” cho người Thái Bảo. Muốn có kinh phí để khôi phụ giếng cổ thì các cụ phải đấu tranh dành lại việc giữ xe ở chùa Hàm Long!
Mả táng hàm rồng có phát?
Theo như các nhà nghiên cứu phong thuỷ xưa và nay, vị trí chùa Hàm Long nằm đúng miệng con rồng lớn. Mà, xưa nay, người ta quan niệm, con cháu mà đặt mồ mả ông bà vào vị trí hàm rồng, thì con cháu rất… phát. Vì vậy, từ nhiều năm nay, ở quanh chùa H àm Long, và thôn Thái Bảo, có nhiều đại gia lai lãng vào ngó nghiêng tìm đất âm phần, “gửi nhờ” hài cốt thân tộc họ.
Bà Nguyễn Thị A (tên đã được thay đổi), có mộ của chồng và bố mẹ chồng ở cạnh một con mắt rồng. Người dân làng tin rằng, gia đình bà N.T.A mả phát nên con cái từ trước đến nay rất giàu có. Nhưng thế nào, một ngày gần đây, các con bà N.T.A lên kế hoạch quy tập dồn những ngôi mộ người thân về một khu vực, thì tự nhiên các người con đang phát đạt thì bị phá sản hết lượt. Đi xem thày, thì thầy phán là phải trả mộ về chỗ cũ thì gia đình mới hanh thông, hết lao đao được. Nghe lời thầy, những ngôi mộ được trả về chỗ cũ. Tuy vậy, gia đình bà N.T.A có 8 người con, thì 3 người con trai vẫn “không ngóc đầu lên được”, còn 5 người con gái thì từ đó rất phát đạt. Các cụ cao niên nói, như vậy là cũng chưa hoàn toàn về đúng vị trí như cũ, mà có sự sai lạc chút ít, nên lộc phát chuyển từ đằng trai sang đằng gái! Chả biết có đúng thế không, nhưng quanh con mắt trái còn lại của rồng, người ta cho đặt mộ chen chúc nhau!
Bà Th, người bán hàng ở cổng chùa Hàm Long cho biết, thoảng vẫn có người từ nơi khác đến đây, điệu bộ như người có của, dò dẫm hỏi nghĩa trang của thôn ở đâu, gửi nhờ hài cốt ở đây thì nhờ ai?! Như anh thấy, nghĩa trang Ngõ Nội đã quá tải, ở đó chỉ có mộ tròn, mà người ta từ khắp nơi vẫn lén lút “gửi” nhờ hài cốt vào đấy. Người dân phải cắt cử nhau… canh, đã đuổi mấy người lạ đi. Ở nghĩa trang này, hiện phải có hơn 10 ngôi mộ “lạ”- đất mới, điều tra ra mới biết là hài cốt của mấy ông cốp đến gửi ở đó. Có thể do quen biết, không loại trừ khả năng người ta đã hối lộ cán bộ thôn.
Nhà nghiên cứu phong thuỷ Trần Tuấn Sinh cho biết: Trong 12 con giáp, xưa nay, người ta nói chỉ có con rồng (Thìn) là con vật không có thật. Tôi thì không nghĩ vậy, rồng là có thật. Theo khía canh phong thủy, có những cuộc đất hình rồng- là nơi rồng ở thì quý địa. Tuy nhiên, rất ít người “nhìn ra” cái thế đất như vậy. Người nào có năng lượng lớn, do tu tập thiền nhiều- như vua Lý Thái Tổ nhìn thấy rồng bay lên, và đặt tên là Thăng Long cho đất Đại La. Tôi cho là có lý lắm.
Theo Báo Công lý
[links()]