Nghệ thuật "suy đồi" thực chất là gì và Hitler đã điên cuồng tới mức nào trong chiến dịch kỳ quái, sặc mùi phát xít ấy?
Sau khi trở thành Quốc trưởng của đế chế Đức quốc xã, Hitler đã nhanh chóng khẳng định quyền lực và chứng minh vị thế độc tôn của mình. Sử dụng quân đội làm vũ khí đàn áp, trùm phát xít muốn tất cả các dân tộc phải bị thuần phục dưới tay y.
Văn hóa Do Thái thành "kẻ thù quốc gia"
Từ khi "đăng quang" ngôi Quốc trưởng với thế lực ngang trời, Hitler đã ngay lập tức giáng sấm sét xuống khắp các dân tộc bị áp bức. Không chỉ tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược và diệt chủng tàn bạo, phát xít Đức còn tìm cách hủy diệt các nền văn hóa châu Âu thông qua những chiến dịch vơ vét và phá hủy các công trình văn hóa, nghệ thuật ở bất cứ nơi nào chúng đặt chân tới. Y cũng tiến hành những chiến dịch vô cùng tàn khốc nhằm xóa sổ nghệ thuật bị cho là "suy đồi" của người Do Thái.
Thực tế, đây đều là những công trình văn hóa đầy giá trị nhưng Hitler cảm thấy "ngứa mắt" và quy kết cho tội "kẻ thù quốc gia". Bất cứ tác phẩm nghệ thuật hiện đại nào, thuộc đủ các loại hình như âm nhạc, văn học, kiến trúc, điêu khắc và hội họa... tại các viện bảo tàng đều bị xem là "suy đồi".
|
Nhiều tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã tịch thu vì bị cho là "suy đồi". |
Dần dần, "cuộc chiến" lan rộng, đối tượng được mở sang cả các tài sản cá nhân, bao gồm bất cứ tác phẩm nào được người Do Thái và cộng sản sáng tạo. Theo các sử gia, nghĩa nghệ thuật "suy đồi" trong giai đoạn này được hiểu là tất cả những thứ không "thuần Đức", khiến Hitler không vừa mắt.
Tất cả các tác phẩm nghệ thuật mà Hitler cảm thấy "không thích hợp" và "sai lầm về đạo đức" đều bị sung công. Đức quốc xã thậm chí còn thành lập một ủy ban gồm 6 thành viên. Họ có quyền ra lệnh tịch thu tất cả các tác phẩm bị cho là theo chủ nghĩa hiện đại, "suy đồi" hay tiềm ẩn âm mưu lật đổ chính quyền.
Không chỉ dừng lại ở việc tịch thu, đội quân chuyên trách của Hitler còn đưa ra nhiều chiêu bài nhằm hạ nhục người Do Thái. Bởi chúng biết rằng, người Do Thái vô cùng thông minh. Những tác phẩm nghệ thuật của họ có sức lan tỏa và hiệu triệu to lớn. Để chặt đứt "mối họa" này, Hitler cho những tác phẩm "suy đồi" ra bêu riếu trước công chúng, giễu cợt như một "vết nhơ" của xã hội. Các tác phẩm đều được trưng bày tại triển lãm nhưng chỉ có điều, Hitler bố trí chúng vô cùng xộc xệch, luộm thuộm, kèm theo những chú giải và khẩu hiệu thô thiển nhằm "định hướng dư luận".
Không dừng lại ở đó, người đứng đầu đế chế phát xít còn kích động tinh thần bài trừ Do Thái trên toàn lãnh thổ. Đảng Quốc xã cho rằng, văn hóa Do Thái đang xâm nhập, làm hại văn hóa Đại Đức. Làn sóng này nhanh chóng lan khắp đế chế Đức quốc xã. Kết quả là 5.000 tác phẩm đã bị tịch thu, trong đó có những kiệt tác của đại danh họa Van Gogh, Picasso, Chagall, Ensor, Matisse, Archipenko.
Quyết tâm nhổ cỏ tận gốc, năm 1938, Đức Quốc Xã dốc toàn bộ nhân lực nhằm làm "trong sạch" hoàn toàn những phần còn lại của đất nước. Nhiều ủy ban sung công được thành lập với nhiệm vụ thanh lọc các viện bảo tàng để loại ra những tác phẩm "suy đồi", thu gom lại và chuyển tới một loạt nhà kho trên khắp nước Đức. Tổng cộng, gần 16.000 bộ sưu tập đã bị sung công. Sau chiến dịch này, các bảo tàng Đức được tuyên bố "đã trong sạch". Những nghệ sĩ bị dán mác "suy đồi" bị liệt vào danh sách "kẻ thù quốc gia", đe dọa văn hóa dân tộc.
Cũng theo tư liệu của các sử gia, cuộc thanh trừng này khiến không ít nghệ sĩ tên tuổi phải cay đắng chọn cách quyên sinh hoặc ngấm ngầm trốn khỏi nước Đức. Những nhân vật nằm trong "sổ đen" quyết tâm bám trụ lại Đức đều bị cấm giảng dạy và là đối tượng bị theo dõi của cảnh sát. Chỉ cần họ sáng tác lập tức bị tịch thu tác phẩm hoặc "xử kín".
Rất nhiều họa sĩ Do Thái phải sống mọt kiếp trong trại tập trung được lập nên khắp đất nước. Nữ họa sĩ Elfriede Lohse-Wachtler đã bị liệt vào loại bệnh nhân tâm thần và bị tiêm thuốc độc theo Nghị định T4. Đây là một văn bản buộc các bác sĩ phải tiêm thuốc giết chết những bệnh nhân vô phương cứu chữa.
|
Một số kiệt tác bị Hitler chiếm dụng làm của riêng. |
Những kiệt tác bị đánh cắp
Rất ít người biết rằng, trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Hitler là một họa sĩ học việc từng bị Học viện Nghiên cứu nghệ thuật Viên (Áo) từ chối nhận vào trường. Sau này, khi trở thành thống lĩnh đế chế Đức quốc xã, Hitler mới có cơ hội trả mối thù xưa.
Tháng 3/1938, Hitler dẫn quân đội Đức vượt biên giới, xâm chiếm nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở Áo. Gần như ngay lập tức sau khi thôn tính Áo, cuộc săn tìm các tác phẩm nghệ thuật "suy đồi" cũng bắt đầu. Không chỉ các tác phẩm từ bảo tàng, mà từ các cửa hiệu và gia đình người Do Thái cũng bị tịch thu và sung công.
Nhiều gia đình Do Thái ở Áo đã bỏ chạy khỏi đất nước, nhiều người khác tự tử vì tuyệt vọng. Những người này thường bị làm nhục công khai, bị đuổi việc, lạm dụng thể chất, bị cướp bóc tài sản và bị giết hại. Những tác phẩm thu được từ người Do Thái được chất đống trong các nhà kho, sau đó được bán, hoặc lưu giữ để sử dụng, thậm chí là tiêu hủy. Nhiều tác phẩm được đánh giá là giá trị với Đệ tam Quốc xã đã bị tống vào các nhà kho ở Linz (Áo), quê của Hitler hoặc Beclin (Đức).
Ngoài việc xóa sổ nghệ thuật "suy đồi" của người Do Thái, trùm phát xít Hitler cũng vươn cánh tay "chôm" những kiệt tác nghệ thuật trên thế giới. Khi xua quân thôn tính châu Âu trong Chiến tranh thế giới II, Hitler đã lấy trộm hơn 750.000 kiệt tác nghệ thuật. Đây được coi là thời kỳ "lỗ đen" trong cộng đồng nghệ thuật.
Trong những tác phẩm bị đánh cắp, có những kiệt tác vô giá của nhân loại như tượng Madonna of Bruges của Nghệ sĩ điêu khắc - danh họa Michelangelo, kiệt tác "Bàn Thờ Veit Stoss" của Nhà điêu khắc Veit Stoss, kiệt tác "Place de la Concorde" của Đại danh họa Edgar Degas... Nhiều tác phẩm bị tịch thu được đưa ra bán đấu giá tại Thụy Sĩ và không ít tác phẩm đã bị những nhân vật tai to mặt lớn trong Đảng Quốc xã chiếm làm của riêng.
Trong những kiệt tác ấy, có một "siêu kiệt tác" mà Đức quốc xã “chôm” được của Nga, đó là Phòng Hổ phách. Theo các sử gia, năm 1941, Đức quốc xã chiếm đóng nước Nga, cướp bóc nhiều bảo tàng, thánh đường, nhà thờ và các tư gia, vơ vét các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật tôn giáo và tài sản cá nhân.
Các cung điện ở St. Petersburg tất nhiên không phải là ngoại lệ, nhất là khi chính Hitler cũng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của Phòng Hổ phách tại Cung điện Mùa hè của Catherine Đại đế. Hitler đã cho quân tháo dỡ từng phần, xếp vào 27 kiện để đưa về Beclin.
Theo NĐT
[links()]