Chùa Côn Sơn (phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết lâu đời từ thời nhà Trần...
- Chùa Côn Sơn (phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết lâu đời từ thời nhà Trần, trong đó có huyền thoại giếng Ngọc với dòng nước ngọt, mát, trong lành, mang lại sức khoẻ và những điều may mắn cho người uống. Câu chuyện gắn liền với giấc mơ của Thiền sư Huyền Quang - vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm.
|
Chùa Côn Sơn vẫn hiên ngang trước bom đạn của kẻ thù. |
Truyền thuyết về giếng Ngọc
Ông Cao Văn Khánh, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Nhân dân ở đây lưu truyền giếng Ngọc có từ thời nhà Trần được thiền sư Huyền Quang tìm ra. Chuyện kể rằng, vào một đêm rằm tháng 7 Huyền Quang đã mơ thấy có một vị thần dẫn lối cho ông tìm thấy một viên ngọc sáng lấp lánh trên sườn núi. Huyền Quang cúi xuống nhặt viên ngọc cũng là lúc tiếng chuông chùa vang lên làm ông tỉnh giấc.
Sáng hôm sau ngẫm lại giấc mơ, ông cùng các tăng ni lên núi phát quang bụi rậm và phát hiện ra nguồn nước trong xanh như ngọc bích. Thiền sư vén lớp lá cây trên bề mặt, múc nước uống thử thấy nước ngọt, mát và trong người khoan khoái, dễ chịu. Sau đó ông đã mang nguồn nước đó về chùa khấn bái thần linh và xin được khơi sâu, mở rộng giếng. Từ đó giếng có tên là giếng Ngọc.
Ông Hoàng Hữu Lự 70 tuổi, 10 năm trông coi giếng Ngọc cho hay: "Mấy năm trước nhiều lá cây rụng xuống làm bẩn giếng, tôi huy động nhóm người đến để nạo vét giếng, nhưng lạ kỳ thay tát nước cả ngày mà giếng không cạn. Sau này mọi người phải thuê máy về để hút. Dưới đáy giếng có 4 mạch nước từ chân núi Kỳ Lân chảy ra. Những năm hạn hán, nước ở các ao hồ quanh khu vực trơ đáy. Nhưng riêng giếng Ngọc thì nước lúc nào cũng trong xanh".
Người dân xem giếng Ngọc như báu vật trong làng. Giếng không chỉ cung cấp nước cho người dân ăn uống, sinh hoạt hằng ngày mà còn mang ý nghĩa tâm linh. "Từ xa xưa, các cụ trong làng vẫn nói rằng khi dùng nước giếng Ngọc thì người trẻ càng trẻ ra, nước da mịn màng trắng hồng và khoẻ mạnh. Về Côn Sơn, du khách thường lên núi Kỳ Lân soi mình xuống giếng Ngọc, làm lễ xin nước cầu mong sức khoẻ và sự an lành. Trước đây, nước giếng Ngọc chỉ dùng để tắm rửa cho các pho tượng trong chùa, thường gọi là tắm mục dục. Các tăng ni trong chùa tắm cho các pho tượng vào đúng 12h trưa, khi mặt trời đứng bóng, âm dương trời đất giao hòa", ông Lự cho hay.
|
Người dân đang lấy nước giếng Ngọc uống cầu may. |
Người chiến binh mặc áo thầy tu
"Những năm thực dân Pháp chiếm đóng, xây dựng đồn bốt quanh vùng, bọn chúng thường xuyên tổ chức những cuộc càn quét, săn lùng đội quân du kích của ta ẩn nấp trong chùa Côn Sơn. Thầy Thích Thanh Vĩnh lúc đó là trụ trì chùa Côn Sơn, thường trèo lên các cây cổ thụ trong chùa, lấy ống nhòm để quan sát quân địch. Khi quân Pháp chuẩn bị kéo vào chùa, thầy Thích Thanh Vĩnh ra hiệu báo tin cho dân quân du kích lên núi ẩn nấp. Để tránh sự bắt bớ của kẻ thù ông đã khoét một lỗ pho tượng Phật A Di Đà khổng lồ trong chùa để ẩn nấp. Do đó khi quân Pháp vào lục soát chùa không tìm được bất kỳ ai", cụ Nguyễn Thị Phẽo, 78 tuổi kể lại.
Ông Khánh cho biết: "Những câu chuyện đó được người dân trong làng truyền lại. Hiện trong chùa có nhiều pho tượng với kích cỡ khổng lồ. Trong đó có bức tượng Phật A Di Đà cao 3,4m, ở nhà thờ chính. Có thể đó là pho tượng mà xưa kia hòa thượng Vĩnh làm nơi ẩn nấp quân Pháp".
Cụ Phẽo cho hay, trong chiến tranh, chùa Côn Sơn là mục tiêu bắn phá của quân Pháp. Bom đạn của quân Pháp nã vào khu vực chùa như mưa trút nước. Nhưng lạ kỳ thay đạn pháo của giặc hầu như chỉ bắn được đến hồ sen trước cổng chùa chứ không phá hủy được kiến trúc chùa và các pho tượng thờ.
Đại Cát