Kỳ lạ là sau một đêm khi vua mất, hàng nghìn ngôi mộ khổng lồ đã mọc lên quanh các bản làng của người La Chí.
Sau khi "kỳ nhân" cứu giúp dân được người La Chí tôn thờ là "vua" lâm bệnh qua đời, ngày hôm sau hàng loạt ngôi mộ bỗng nhiên xuất hiện một cách kỳ lạ.
Nhắc đến người La Chí ở Hà Giang, không thể không nói đến những bản làng 100% người dân tộc cư trú từ bao đời quanh sườn Tây Côn Lĩnh thuộc hai huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì. Cho đến nay, ít ai biết được trong đời sống của họ còn tồn tại những bí ẩn, truyền thuyết lạ kỳ mà mới nghe qua, ai cũng tò mò muốn biết rõ thực hư. Đó là những câu chuyện được khởi xướng từ khi xuất hiện ông Hoàng Dìn Thùng - vị "vua" của người La Chí. Kỳ lạ là sau một đêm khi vua mất, hàng nghìn ngôi mộ khổng lồ đã mọc lên quanh các bản làng của người La Chí, nơi ông từng cai quản.
Ruộng bậc thang của người La Chí đã được công nhận là danh thắng quốc gia.
Dãy núi có hàng nghìn ngôi mộ cổ
Khi những bông hoa đào bắt đầu khoe sắc phủ kín triền đồi xã Bản Phùng (xã có 100% người La Chí) thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là lúc đồng bào người La Chí đón đông về. Niềm vui càng được nhân đôi khi những thửa ruộng bậc thang hàng nghìn bậc - bức tranh nhân tạo của đồng bào La Chí được Nhà nước công nhận là danh thắng quốc gia.
Để ngắm nhìn được danh thắng quốc gia tuyệt đẹp ấy, chúng tôi được chị Tuyết Nhung, trưởng ban Văn hóa xã Bản Phùng dẫn lên một ngọn núi cao để có góc nhìn đẹp nhất.
Mặc dù, đã được ngắm nhìn ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở hai địa danh được Nhà nước công nhận danh thắng quốc gia là Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và Sa Pa (tỉnh Lào Cai), ruộng bậc thang Hoàng Su Phì có sức hút kỳ lạ đối với du khách.
Đang mải chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những thửa ruộng bậc thang, chúng tôi bỗng lạc vào một khu rừng rậm rạp với rất nhiều cây cổ thụ có dây leo bám lên chằng chịt. Theo lối mòn qua khu rừng nhỏ ấy là cao nguyên mênh mông với hàng nghìn ngôi mộ nằm chình ình được gói gọn trong tầm mắt.
Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Việt Tuân, trưởng phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì, dưới đỉnh núi Lủng Cẩu là những ngôi mộ thời "vua" của người La Chí. Người ta truyền lại rằng, khi "vua" của người La Chí qua đời, thi thể được chôn cất ở một trong hàng nghìn ngôi mộ kia. Khi chôn cất "vua", người ta chôn theo rất nhiều vàng bạc và châu báu.
Để che mắt những kẻ đào mộ trộm, họ đã sai quân lính đắp rất nhiều ngôi mộ giả nhằm qua mắt kẻ xấu. Hàng nghìn ngôi mộ ấy kéo dài từ xã Bản Phùng qua xã Bản Máy đến tận xã Bản Díu của huyện Xín Mần, Hà Giang và một số nơi như Malipho thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với khoảng cách khá đều nhau.
Đó cũng là một dấu hỏi lớn của người La Chí bởi khi "vua" mất, chỉ sau một đêm, hàng nghìn ngôi mộ khổng lồ đã được hình thành quanh các bản làng nơi ông từng cai quản. Bên trong những ngôi mộ ấy vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được biết đến.
|
Cụ Vàng Thị Dể, 82 tuổi một cao niên bản Phùng. |
Hé lộ bí mật trong dãy mộ hình tròn
Tiến lại gần những ngôi mộ, quan sát kỹ, chúng đều có bề rộng sàn sàn bằng nhau. Cứ cách khoảng chục mét lại có một ngôi mộ cao chừng hai mét, rộng từ 10 đến 20 mét vuông, điển hình có những ngôi mộ cao rộng bằng cả một quả đồi nhỏ. Nếu quan sát kỹ sẽ nhận ra tất cả những ngôi mộ khổng lồ này được đắp bằng đất. Tuy nhiên, kỳ lạ là xung quanh mộ dấu hiệu đào đất để đắp rất ít, có ngôi mộ bị mưa lũ xói mòn cũng chẳng để lộ ra bất cứ thứ gì. Để tìm hiểu rõ về nguồn gốc của dãy mộ khổng lồ này, PV đã tìm đến gia đình ông Vương Văn Sinh, phó chủ tịch UBND xã Bản Phùng. Bởi ông là người có nhiều tài liệu, sử sách nói về khu mộ cổ này nhất.
Lúc chúng tôi đến nhà ông Sinh thì được gặp cả ông Vương Đức Toàn, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bản Phùng, nguyên bí thư đảng ủy xã Bản Phùng. Ông Sinh và ông Toàn cho chúng tôi xem rất nhiều tài liệu viết tay về những ly kỳ của dãy mộ được mọc lên sau một đêm khi "vua" mất. Sự hình thành của những ngôi mộ khổng lồ ấy vô cùng bí ẩn, bên trong nó chứa đựng những gì thì đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Ngay cả khi chúng tôi tìm đến gặp những vị già làng hay thầy mo đều nhận được câu trả lời bằng cái lắc đầu nguầy nguậy đầy bí ẩn. Thực tế cho thấy, những ngôi mộ bị nước lũ xói đi một nửa hay người dân đào đường cắt qua chính giữa ngôi mộ chỉ thấy sót lại một ít than củi.
Ông Sinh kể, gần đây nhất là khi thợ đào đường qua một ngôi mộ đã phát hiện một thanh kiếm, một cái bát nhỏ và một số vật dụng bằng sành, sứ nhưng không ai dám lấy. Việc đào mộ thấy than cũng gắn liền với sự hình thành của những ngôi mộ này. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa người ta chỉ cần chọc cây gậy xuống đất và bỏ vào đó nắm than qua một đêm là hình thành mộ, do vậy, sau một đêm mới có hàng nghìn ngôi mộ mọc lên như vậy.
Qua quá trình tìm hiểu gặp gỡ nhiều người dân xã Bản Phùng, chúng tôi còn được nghe câu chuyện, một số người đã đào một ngôi mộ trong hệ thống hàng nghìn mộ được cho là mộ "vua" của người La Chí và phát hiện một số chiếc trống bằng đồng đen. Những chiếc trống đó ngày xưa được người dân La Chí đánh ba hồi mỗi khi trong làng có lễ cúng. Sau đó, chiếc trống được đem lên để ở ngôi nhà thờ "vua" trên đỉnh núi Gia Long. Một thời gian sau chiếc trống bị kẻ lạ đánh cắp, đến nay không rõ tung tích.
Còn truyền thuyết về "vua" của người La Chí được chôn cất đem theo vàng bạc, châu báu khi chết thì phần đa người dân ở Bản Phùng cho rằng, rất khó có thể biết được trong đó có vàng hay thứ gì quý không. Một số người thì cho rằng, không có gì cả vì không ít mộ đã bị kẻ xấu đào xới nhưng không phát hiện dấu hiệu có kho báu. Họ lý giải việc đắp hàng nghìn ngôi mộ trên một vùng đất rộng lớn như vậy là con cái của vị "vua" này không muốn mộ của cha mình bị đời sau khai quật nên đắp mộ giả.
Và quả thực đến bây giờ, trong hàng nghìn ngôi mộ khổng lồ ấy, không ai biết đâu là mộ thật, mộ giả. Điều kỳ lạ là qua bao năm phơi nắng dầm sương nhưng đến nay, những ngôi mộ này vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị bào mòn.
Nhân vật mà người dân La Chí tôn làm "vua" và lưu lại thành truyền thuyết chính là ông Hoàng Dìn Thùng. Người này đã giúp người dân La Chí đánh đuổi giặc cướp, dạy người dân cách làm ăn sinh sống và biết đùm bọc lẫn nhau. Cho đến bây giờ, vị "vua" này vẫn được truyền tụng, tôn thờ trong đời sống của người dân La Chí.
Cụ Vàng Thị Dể, 82 tuổi khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về dãy mộ khổng lồ, liền nhanh chân bước ra gác nhỏ trước cửa nhà chỉ về phía đỉnh núi Gia Long và nói: "Không biết những ngôi mộ đó hình thành từ khi nào vì trước đây nơi có mộ mọc ở rừng già. Rừng sâu nên không ai vào cả, sau này khi rừng bị chặt hết, người dân La Chí mới phát hiện ra hàng ngàn ngôi mộ ấy". Chính cụ Dể từ khi sinh ra đã nghe cha ông kể và tận mắt thấy những ngôi mộ đó. Còn việc bên dưới dãy mộ ấy có vàng bạc hay báu vật gì thì cụ không biết. Trong tâm thức, người dân nơi đây cũng không dám mạo phạm. |
Theo NĐT
[links()]