Để sở hữu đôi chân dài miên man - thước đo chuẩn mực cái đẹp, phụ nữ nhà Thanh đã phát mình ra loại "giày cao gót" độc đáo khó đỡ.
Để sở hữu đôi chân dài miên man - thước đo chuẩn mực cái đẹp, phụ nữ nhà Thanh đã phát mình ra loại "giày cao gót" độc đáo khó đỡ.
Khi xem “Hoàn Châu cách cách”, hẳn nhiều người rất ấn tượng với đôi giày đế gỗ lênh khênh của các công chúa xinh đẹp. Loại “giày cao gót” ấy xuất hiện vào thời gian nào và ẩn chứa bí mật gì của người Mãn?
|
Bí ẩn "chân dài miên man" của phụ nữ nhà Thanh |
Bàn chân “Kim liên tam thốn” (tức gót sen ba tấc) được xem là chuẩn mực cho nét đẹp của phụ nữ Trung Quốc xưa. Tuy nhiên, các học giả vẫn phân vân về khởi nguồn của tục bó chân ở Ngũ Đại Thập Quốc, nhà Đường hay Bắc Tống? Nhìn chung, vào thời nhà Tống, đôi chân "dị hình" ấy đã được tôn vinh là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để bình xét nét đẹp của gái Hán.
Từ chuẩn mực của cái đẹp...
Qua nhiều triều đại phong kiến, tục bó chân bền bỉ tồn tại và không hề mất đi giá trị tự thân của nó. Cho đến khi người Mãn Châu lật đổ nhà Minh, thống trị giang sơn, lập ra nhà Thanh, triều đình phong kiến mới ban hành luật lệ ngăn cấm phụ nữ tộc Mãn bó chân và những cô gái Hán cũng không được phép duy trì tập tục này.
Phải chăng "phép vua thua lệ làng"? Mọi nỗ lực của nhà Thanh hầu như không hiệu quả. Chuẩn mực sắc đẹp lấy bàn chân “kim liên tam thốn” làm thước đo đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Theo đó, những cô gái chân to không được liệt vào hàng mỹ nhân tuyệt sắc và tục bó chân âm thầm tiếp diễn trong đời sống thường ngày. Để giải quyết rắc rối này, phụ nữ Mãn tộc bèn “phát minh” ra một kiểu giày vô cùng đặc biệt với phần đế cao lênh khênh, giúp đôi chân được giấu kín trong lớp xiêm y dài và không lộ bàn chân to thô như thuở cha sinh mẹ đẻ.
... Đến sáng kiến "độc"
Có thể nói, hậu thế không hề xa lạ với hình dáng của loại giày kỳ lạ này, bởi nó thường xuyên xuất hiện trên các bộ phim cổ trang thời nhà Thanh. Đó là những đôi giày có phần gỗ cao chừng 3 – 4 tấc gắn ở phần giữa của đế giày thêu hoa. Một tấc tương đương với 3,33 cm, nên loại giày “cao gót” này có độ cao chừng 10 – 14 cm. Cũng có những đôi cao tới 16 cm, thậm chí là 25 cm.
Bàn về nguyên do xuất hiện của loại giày này, ngoài quan điểm liên quan tới tập tục bó chân, còn tồn tại một cách lý giải khác. Dân tộc Mãn từ xa xưa có tục “tước mộc vi lý” (ý chỉ việc gọt gỗ làm giày). Phụ nữ thường lên núi hái quả dại và nấm…, để tránh bị côn trùng, rắn rết cắn, họ bèn buộc thêm một khúc gỗ vào đế giày. Về sau, công đoạn “chế tác” kiểu giày này ngày càng tinh xảo và dần phát triển thành “giày cao gót” mang nét rất riêng của trang phục cung đình Mãn Thanh.
Lại có truyền thuyết rằng, tổ tiên của người Mãn vì muốn vượt qua một đầm lầy để đoạt lại vương thành A Khắc Đôn Thành bị kẻ thù chiếm đóng, bèn bắt chước đôi chân dài của loài hạc trắng, làm ra những “đôi chân hạc bằng gỗ nhân tạo”, rồi vượt qua đầm lầy một cách thuận lợi, đoạt lại thành trì, hoàn thành tâm nguyện rửa hận báo thù. Để tưởng nhớ những ngày tháng khổ cực gian nan ấy và tôn vinh “công lao” to lớn của những đôi giày đế gỗ cao, phụ nữ Mãn tộc hình thành thói quen sử dụng loại giày độc đáo này trong cuộc sống thường ngày. Thói quen ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những đôi giày lênh khênh trên một khúc gỗ ngày càng tinh xảo, đẹp mắt hơn và trở thành bản sắc "độc nhất vô nhị".
Không dừng ở đó, những đôi giày có hai đầu rộng, ở giữa hẹp nhỏ hơn, có hình dáng như móng ngựa và tiếng động phát ra khi chạm đất như tiếng vó ngựa, được gọi là “Mã đề để”. Một số khác có phần đế gỗ giống như chậu hoa, được gọi là “Hoa bồn để”; hay các đôi giày sáng tạo khác như “Long ngư để”, “Tứ thiểm để”…Tất cả đều căn cứ vào hình dáng của phần đế giày mà đặt tên. Dù thiên biến vạn hóa thế nào, nhưng phần đế gỗ cao lênh khênh luôn được gắn ở vị trí giữa lòng bàn chân.
Phần đế gỗ được làm rất kiên cố, dù lớp giày phía trên có rách hỏng, đế vẫn chẳng hề hấn gì và có thể sử dụng tiếp. Những đôi tất kết hợp với giày thường thêu hoa điệu đà, tinh tế bên ngoài và được làm bằng chất liệu vải, riêng gót tất có hoa văn.
Vì loại giày này không phù hợp với hoàn cảnh lao động nặng nhọc, nên trong dân gian ngày càng hiếm gặp. Những thiếu nữ xuất thân quý tộc bắt đầu làm quen với kiểu giày đế cao này khi chớm tuổi 13 - 14, người già thì thường đi giày đế bằng. Tới cuối triều Thanh, giày “hoa bồn” hay giày “mã đề” chỉ thường xuất hiện trong cung.
Khi "diện" loại giày này, người phụ nữ buộc phải thẳng lưng, chân bước khoan thai, toàn thân toát lên vẻ phong nhã nhẹ nhàng. Nếu gấp gáp lắm, chỉ có thể đi từng bước ngắn mới giữ được thăng bằng. Các nàng thường vung vẩy hai tay theo chiều trước sau, giúp cơ thể duy trì trạng thái cân bằng. Để thêm nét điệu đà, họ thường cầm theo một chiếc khăn tay. Chính những phụ kiện tạo nên nét đoan trang, văn nhã hiếm thấy cho phụ nữ trong cung nhà Thanh một thời.
Thùy Dương